> Trung Quốc lên tiếng vụ Ấn Độ phóng tên lửa
Lính biên phòng Trung Quốc và Ấn Độ tại một cửa khẩu giữa đôi bên. |
Tranh cãi
Đầu năm 2012, nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, ông Đới Bỉnh Quốc tới New Delhi tham dự vòng đàm phán thứ 15 giữa hai quốc gia láng giềng về chủ đề tồn tại dai dẳng: Tranh chấp biên giới trên bộ. Hai bên đều tuyên bố rằng họ “chia sẻ cơ hội lịch sử hướng tới một tương lai tươi sáng hơn, tay trong tay”.
Nhưng vòng đàm phán tiếp tục là những tranh cãi về biên giới hai nước mà không có dấu hiệu nhượng bộ từ cả hai phía.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ tới một vùng biên giới mà cả Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền, tiếp sau đó là sự xuất hiện một chiến đấu cơ Ấn Độ vốn đóng tại một sân bay gần đó khiến Bắc Kinh phải lên tiếng đề nghị New Delhi không “làm phức tạp” tình hình.
Đổi lại, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K Antony gọi những bình luận của Trung Quốc là “rất không thích hợp” và “thực sự đáng chê trách”.
Những lời qua tiếng lại ấy, theo một số chuyên gia chính trị và ngoại giao, là biểu hiện của sự xói mòn trong quan hệ của hai quốc gia đông dân nhất nhì thế giới.
Thực ra quan hệ Ấn-Trung đã xấu đi từ năm 2005, thời điểm Ấn Độ xích lại gần Mỹ và thỏa thuận về một hiệp định hợp tác hạt nhân vì mục đích dân sự.
Quan hệ Mỹ-Ấn dường như gây nguy hiểm cho Bắc Kinh và đưa mối bang giao Trung-Ấn cuốn vào một vòng xoáy nhưng theo chiều đi xuống, nghiêm trọng đến mức độ kế hoạch công nghiệp và hiện đại hóa của New Delhi nay phải chỉnh sửa lớn theo hướng kiểm soát mối đe dọa ngày càng gia tăng từ người bạn láng giềng Trung Quốc.
“Kể từ khi có thỏa thuận hạt nhân Mỹ (và Ấn Độ-PV) năm 2005, quan hệ (giữa Ấn Độ) với Trung Quốc đi vào giai đoạn gập ghềnh”, Brahma Chellaney, học giả của Trung tâm Nghiên cứu chính sách ở New Delhi nói, “Không có gì thay đổi trong những tháng gần đây cho thấy con đường phía trước sẽ bớt ổ gà, ổ voi. Những gì chúng ta thực sự thấy là báo chí nhà nước Trung Quốc ngày càng tỏ ra cứng rắn”.
Vùng Arunachal Pradesh, nơi có địa hình rừng núi nằm trên biên giới Ấn Độ -Trung Quốc. |
Tâm điểm tranh cãi giữa Trung Quốc và Ấn Độ bắt nguồn từ những tranh chấp biên giới dai dẳng và đỉnh điểm là cuộc chiến chóng vánh nhưng không kém phần khốc liệt năm 1962.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với bang phía đông bắc Arunachal Pradesh của Ấn Độ, khu vực miền núi có tỷ lệ rừng rậm cao. Vùng Arunachal Pradesh có những giao thoa văn hóa với Tây Tạng. Ấn Độ cũng phản đối Trung Quốc chiếm đóng một bình nguyên cằn cỗi ở vùng Kashmir.
Năm 2005, hai bên đồng ý với nguyên tắc tôn trọng “những khu vực dân cư đã ổn định” trong bất cứ quyết định cuối cùng nào và gợi ý rằng một lúc nào đó hai bên sẽ chấp nhận tính nguyên trạng. Nhưng ngay sau khi Mỹ-Ấn ký hiệp định hợp tác hạt nhân, căng thẳng lại bắt đầu.
Trung Quốc tranh thủ mọi cơ hội để tái khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với vùng Arunachal mà nước này gọi là Nam Tây Tạng. Cảm thấy không có cơ hội về bất cứ thỏa thuận nào, Ấn Độ cũng bày tỏ lập trường cứng rắn.
Chuyện một sỹ quan không quân
Những rạn nứt giữa đôi bên càng được mở rộng khi hồi tháng 2-2012, nhóm chuyên gia về chính sách đối ngoại của Ấn Độ cùng một số cựu quan chức lên tiếng cảnh báo rằng Ấn Độ cần chuẩn bị tốt hơn cho khả năng Trung Quốc quyết định khẳng định chủ quyền với những vùng tranh chấp bằng vũ lực.
Hiện Ấn Độ là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới và khi căng thẳng với Trung Quốc tăng lên, New Delhi đã bắt tay thực hiện kế hoạch hiện đại hóa quân đội có trị giá 100 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. |
“Có khả năng Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh quân sự để giành lấy đất”, những chuyên gia và quan chức nói trên viết trong một báo cáo về chính sách đối ngoại của Ấn Độ, nói rằng Trung Quốc có thể sẽ lấn chiếm từng khoảnh đất một, dọc theo đường biên vốn được phân định không rõ ràng. “Chúng ta cũng không thể hoàn toàn loại bỏ khả năng một cuộc tấn công quân sự lớn ở các vùng Arunachal Pradesh hay Ladakh (Kashmir)”.
Trước đó, hồi tháng 1-2012, Trung Quốc từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho một quan chức không quân Ấn Độ, người đến từ bang Arunachal Pradesh và theo kế hoạch viếng thăm Bắc Kinh trong đoàn quan chức của quân đội Ấn Độ. Để đáp lại, Ấn Độ hủy bỏ cả chuyến đi.
Sau đó, Bộ trưởng Antony đi thăm Arunachal Pradesh trong dịp lễ kỷ niệm 25 năm thành lập bang. Các hoạt động kỷ niệm gồm “tiết mục” bay trình diễn của một phi đội Sukhoi-30 MKI, chiến đấu cơ hàng đầu trong không quân Ấn Độ.
Điều thú vị: Người chỉ huy đội bay chính là sỹ quan không quân mà phía Trung Quốc đã từ chối cấp thị thực. Những chiếc Su-30 MKI được nói là đóng quân ở sân bay gần Arunachal để chống lại những đe dọa từ phía Trung Quốc.
“Ấn Độ nên duy trì hòa bình và sự an toàn của vùng biên giới chung với Trung Quốc, hạn chế những hành động làm phức tạp thêm tình hình”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố sau đó.
Sau đó Ấn Độ lên tiếng: “Ấn Độ sẽ không khoan nhượng đối với những can thiệp từ bên ngoài của Trung Quốc đối với các vấn đề lãnh thổ của Ấn Độ”, ngoại trưởng S.M. Krishna “đáp lễ”.
Trên truyền thông nhà nước Trung Quốc, những kêu gọi kiềm chế và khoan nhượng lẫn vào những công kích chính phủ Ấn Độ rằng nước này “huênh hoang”, “đầu hàng” trước những tiếng nói theo chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng.
Mua sắm vũ khí
Hiện Ấn Độ là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới và khi căng thẳng với Trung Quốc tăng lên, New Delhi đã bắt tay thực hiện kế hoạch hiện đại hóa quân đội có trị giá 100 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
Ấn Độ đã triển khai nhiều máy bay Su-30MKI tới khu vực biên giới. |
Hồi đầu năm, Ấn Độ đã chọn hãng Rafale của Pháp thực hiện gói thầu cung cấp 126 chiến đấu cơ mới trong khi các sân bay dọc theo khu vực Himalaya được nâng cấp.
Quân đội Ấn Độ đã triển khai 36.000 lính bổ sung gần Arunachal Pradesh và có kế hoạch cơ cấu thêm 2 sư đoàn lính sơn cước và cho công khai thông tin về những loại hỏa tiễn có thể bắn xa tới vài ngàn kilômét.
Hải quân Ấn Độ cũng thuê tàu ngầm nguyên tử của Nga trong vòng 10 năm, chi 2 tỷ USD nâng cao năng lực kiểm soát của quân đội đối với quần đảo Andaman nhằm đối mặt với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực.
“Quân đội Ấn đang củng cố lực lượng để chuẩn bị cho một cuộc xung đột hạn chế dọc theo đường biên đang tranh chấp và làm một số việc để cân bằng sức mạnh của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương”, James R. Clapper Jr., Giám đốc bộ phận tình báo quốc nội nói tại thượng viện Mỹ hồi đầu năm.
Một cuộc chiến toàn diện giữa Ấn Độ và Trung Quốc có vẻ rất khó xảy ra, nhưng những cuộc đụng độ biên giới quy mô nhỏ là khó loại trừ, trừ phi hai bên ngăn lại được những diễn biến xấu trong quan hệ song phương.
Xuân Thủy
Theo Washington Post