Lo 'lạm phát' danh hiệu nghệ sỹ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT (trên cơ sở Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022). Việc này làm dấy lên tranh luận quanh việc mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, đó là “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” bên cạnh nghệ sĩ biểu diễn vẫn được xét tặng lâu nay.

Bộ VHTTDL có công văn số 1033 gửi 9 hội văn học nghệ thuật chuyên ngành T.Ư báo cáo và cung cấp một số nội dung liên quan đến đối tượng "người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật" thuộc lĩnh vực chuyên ngành, trong đó đề xuất cụ thể về đối tượng, tiêu chuẩn và cách tính thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật theo đặc thù.

Theo đó, 6/9 hội nghề nghiệp không đề xuất "người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật" để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT gồm: Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Lo 'lạm phát' danh hiệu nghệ sỹ ảnh 1

NSƯT Thoại Mỹ (trái) và NSƯT Lê Thiện được đề nghị xét lại hồ sơ phong tặng danh hiệu NSND năm 2022

Ba hội đề xuất "người sáng tạo tác phẩm văn hoá nghệ thuật" để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT gồm: Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cho tác giả kịch bản múa, Hội nhạc sĩ Việt Nam cho nhạc sĩ sáng tác và phối khí, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh, giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh và người sáng tác.

Bộ VHTTDL vừa hoàn thiện hồ sơ xét tặng 136 danh hiệu NSND và 347 danh hiệu NSƯT lần thứ 10 trình Chủ tịch nước. Dự kiến lễ trao tặng sẽ được tổ chức dịp Quốc khánh 2/9/2023 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Đợt xét tặng lần thứ 10 là lần đầu tiên áp dụng Nghị định số 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Theo Nghị định 40, ngoài việc xét tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ theo đủ các tiêu chí về số năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, đủ giải thưởng, huy chương… hội đồng các cấp còn thảo luận, đánh giá các trường hợp đặc biệt để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Nhiều năm nay, mỗi kỳ xét tặng các danh hiệu NSND, NSƯT lại trở thành đề tài gây tranh cãi trong dư luận. Có khi nhiều nghệ sĩ thâm niên, có nhiều đóng góp cho nghệ thuật lại không có tên trong danh sách, nghệ sĩ ít thâm niên hơn, ít được công chúng biết tên lại nghiễm nhiên có tên.

Cách đây không lâu, cơ quan quản lý văn hóa Nhà nước phải vào cuộc, xem xét, bỏ phiếu lại cho nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Theo nhiều chuyên gia, việc mở rộng đối tượng xét NSND, NSƯT rất đáng hoan nghênh, là ghi nhận xứng đáng với cống hiến của từng cá nhân. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra băn khoăn về những quy định mới, mở rộng đối xét duyệt.

“Nghệ sĩ biểu diễn được phong NSND, NSƯT còn nhạc sĩ không được danh hiệu gì, vì vậy việc mở rộng mang chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, các nhạc sĩ có thể được vinh danh thông qua giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, nếu thêm danh hiệu NSND, NSƯT e rằng xảy ra sự chồng chéo”, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nêu.

Lạm phát danh hiệu

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc cho rằng, việc mở rộng xét tặng danh hiệu với nghệ sĩ nhiếp ảnh có phần không phù hợp. Bởi lĩnh vực nhiếp ảnh đã có hệ thống giải thưởng quốc gia và quốc tế riêng. Trong nước, họ có giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh ở mức tôn vinh cao nhất.

“Nếu đồng ý mở rộng đối tượng xét tặng NSND, NSƯT sẽ dẫn đến việc loạn danh hiệu”, ông Nguyễn Thế Khoa nói.

Lo 'lạm phát' danh hiệu nghệ sỹ ảnh 2

Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đề xuất tác giả kịch bản múa được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT

Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu xóa đi ranh giới giữa những nhóm sáng tạo nghệ thuật.

“Nếu không đặt ra những giải thưởng, danh hiệu, nền nghệ thuật nước nhà cũng không thiếu tài năng. Một số người có tâm lý ham danh hiệu hơn lao động nghệ thuật chân chính”, ông Nguyễn Thế Khoa nêu quan điểm. Ông cũng chỉ ra bất cập trong việc xét tặng danh hiệu, giải thưởng. Những tên tuổi có đóng góp không nhỏ cho nghệ thuật như nhạc sĩ Phú Quang, nhạc sĩ Trần Tiến… chưa được vinh danh xứng tầm.

Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội cho rằng, để tạo sự công bằng khi mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cần mở rộng xét tặng cho cả ê-kíp đứng sau thành công của một tác phẩm âm nhạc.

“Nếu như đề xuất mở rộng mà chỉ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho nhạc sĩ sáng tác, phối khí sau này chắc chắn sẽ phát sinh ra những quyền lợi khác của những người làm trực tiếp và hậu kỳ của tác phẩm. Để công bằng phải nhắc đến cả ê-kíp sản xuất. Việc mở rộng xét tặng danh hiệu cần được cân nhắc thật kỹ lưỡng, đi đến thống nhất, tránh chồng chéo.

Theo tôi, vẫn nên giữ nguyên các danh hiệu và trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật”, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh phân tích.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.