Tại hội thảo có sự tham dự đại diện Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng TP HCM, Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM, các chuyên gia trong ngành tài chính, bất động sản Tiến sỹ Đinh Thế Hiển, Tiến sỹ Bùi Quang Tín, luật sư Trần Đức Phượng, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM... Ngoài ra, còn có sự tham dự Hưng Thịnh Group, Novaland, An Gia Investment.
Chủ đầu tư cố tình giấu sai phạm
Tại hội thảo, luật sư Phượng cho rằng, lỗ hổng của pháp luật trước hết đối với chủ đầu tư chưa được thực hiện đúng việc công khai thông tin dự án BĐS. Trước đây, Luật Nhà ở 2005 quy định chủ đầu tư công khai tại trụ sở Ban quản lý dự án, địa điểm dự án và trên các phương tiện thông tin đại chúng về quy hoạch chi tiết dự án, số lượng nhà ở bán, số lượng đã bán, giá bán phương thức thanh toán...
Nhưng hiện nay Luật kinh doanh BĐS 2014 chủ đầu tư phải công khai thông tin về dự án BĐS tại web doanh nghiệp, Ban quản lý dự án, sàn giao dịch những nội dung bắt buộc. Tuy nhiên, các chủ đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung trên”
Cũng theo luật sư Phương, việc ủy quyền của chủ đầu tư cho bên hợp tác thì chủ đầu tư không được ủy quyền cho bên tham gia hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh... nhưng lại có hiện tượng tại rất nhiều dự án, chủ đầu tư ủy quyền ký hợp đồng mua bán và chuyển giao mọi hoạt động dự án cho bên đối tác.
Pháp luật chưa có quy định để chống việc chủ đầu tư bán một căn cho nhiều người. Cụ thể theo luật nhà ở 2015 chưa hình thành cơ chế kiểm soát việc bán sản phẩm của chủ đầu tư, pháp luật vẫn trao quyền bán nhà cho chủ đầu tư.
Do vậy nếu chủ đầu tư cố ý bán một sản phẩm cho nhiều người thì cơ quan quản lý không biết, người mua nhà cũng không thể biết. Đây là lỗ hổng pháp lý cần phải bổ sung.
Khách hàng cẩn trọng “chọn mặt gửi vàng”
Trước thực trạng trên, Tiến sỹ Bùi Quang Tín - Trường ĐH Ngân hàng TP HCM chia sẻ: “Trước khi mua, khách hàng tham khảo các nguồn thông tin từ Sở Xây dựng để biết dự án có đủ điều kiện được bán hay không.
Ngoài ra, khách hàng phải tìm thông tin từ ngân hàng để biết tài sản có bị mang đi thế chấp bởi cá nhân, tổ chức nào không, hoặc thông qua chủ đầu tư bằng cách xem văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán của Sở Xây dựng nơi có nhà ở.
Cẩn trọng hơn thì tìm đến các dự án có bảo lãnh ngân hàng. Khi thực hiện mua bán căn hộ chung cư, khách hàng phải tìm hiểu kỹ lưỡng về chủ đầu tư, lịch sử xây dựng, tình hình tài chính… Yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin và chứng minh dự án được ngân hàng bảo lãnh nghĩa vụ tài chính, và đọc kỹ các điều khoản hợp đồng”..
Còn ông Lê Trọng Khương, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát lại các dự án BĐS trên địa bàn TP HCM.
Vì đây là cơ hội để các doanh nghiệp BĐS báo cáo lại các dự án, nêu ra những khó khăn để các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước cùng bàn giải pháp giải quyết những khó khăn.
Còn về các thủ tục cấp giấy chứng nhận cho chủ đầu tư, cá nhân mua nhà, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TNMT TP HCM cho biết: “Những vấn đề trên hiện nay được rút gọn, giảm nhiều thời gian. Đối với tổ chức, từ 18 thủ tục về đất đai giờ giảm xuống còn 14 thủ tục được công khai trên web của Sở, các doanh nghiệp BĐS cần nắm thông tin và có kiến nghị cho Sở nếu chưa thấy hợp lý. Còn về thủ tục đất đai với cá nhân thì ngày trước từ 70 thủ tục đã giảm xuống còn 47 thủ tục”.