Đó là nhận định của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại buổi tổng kết tình hình, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm 2016 diễn ra sáng 16/12 tại Hà Nội.
Nhiều địa phương trở thành điểm nóng
Năm 2015, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có nhiều diễn biến mới. Các đối tượng hoạt động tinh vi hơn, thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuyến đường, địa bàn hoạt động để vi phạm, chủ yếu là hàng cấm, hàng hóa có thuế suất cao, hàng hóa yêu cầu phải có giấy phép quản lý chuyên ngành, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng,...
Tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đáng chú ý là tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, pháo nổ, rượu, bia, thuốc lá điếu, mỹ phẩm, gia cầm và sản phẩm của gia cầm, đồ điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng các loại,... tại địa bàn các tỉnh, thành phố, như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Tây Ninh, An Giang,...
Trên các vùng biển Đông Bắc, Miền Trung và vùng biển Tây nam (như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu) nổi lên là tình trạng buôn lậu xăng, dầu, than, quặng, gỗ, rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại.
Tại các cảng biển quốc tế như Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, đáng chú ý là hoạt động buôn lậu mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các mặt hàng cấm là sản phẩm của động vật hoang dã, đồ điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị y tế cũ, đã qua sử dụng,...
Sân bay, kho hàng nội địa
Tại các cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại hàng cấm, hàng có giá trị kinh tế lớn và các loại hàng hóa có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao vẫn còn xảy ra.
Từ công tác đấu tranh xác định các địa bàn trọng điểm gồm: Kho hàng nội địa Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, chuyển phát nhanh Fedex, DHL, Bưu điện trung tâm TP Hồ Chí Minh; trạm trả hàng Fedex – Hà Nội, ICD Mỹ Đình, nhà ga Sân bay quốc tế Nội Bài; các chuyến bay trọng điểm đi Úc, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, các tuyến bay nhập cảnh từ Thái Lan, Lào, Campuchia, Hồng Kông, Pháp, Mỹ, Nhật, Singapore, Ấn Độ, Pakistan, Malaysia và các nước Châu Phi,...
Trong nội địa, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe người tiêu dùng, cũng như uy tín, thương hiệu của nhiều doanh nghiệp trong nước.
Trong năm, với sự điều hành, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trên cơ sở bám sát thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng đã phối hợp đấu tranh, bắt giữ, xử lý hiệu quả các đối tượng vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần ổn định tình hình an ninh - chính trị, kinh tế - xã hội, được nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Tính đến ngày 15/11/2015, các Bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng các cấp đẩy mạnh phối hợp đấu tranh có hiệu quả, phát hiện, bắt giữ, xử lý 186.989 vụ việc vi phạm (tăng 6,47 % so với cùng kỳ năm 2014); số thu nộp NSNN từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt 11.535 tỷ 863 triệu đồng (tăng 5,75% so với cùng kỳ năm 2014); khởi tố 1.123 vụ đối với 1.281 đối tượng.