Lò cò kiếm chữ

Góc học tập tạm bợ bên ô cửa nuôi nấng ước mơ trở thành cô giáo của Dôm.
Góc học tập tạm bợ bên ô cửa nuôi nấng ước mơ trở thành cô giáo của Dôm.
TP - Chỉ với một chân còn lại, hơn chục năm qua, cô học trò Hồ Thị Dôm ở xã Phước Thành (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) lò cò lội bùn, vượt núi, leo dốc để đến trường. Dù vậy, thành tích học tập của em luôn đứng ở tốp đầu của trường.

Cô bé quả cảm

Bà ngoại Dôm kể ngày em còn nhỏ, một lần ba mẹ lên rẫy chỉ có hai anh em ở nhà, Dôm bò tới bếp lửa chơi không may bị lửa táp vào chân. Đến khi anh trai phát hiện hô hoán mọi người thì chân Dôm đã bị cháy sém, gân rút lại co quắp. Liền những ngày sau đó chân vẫn không duỗi ra được, vết phỏng sưng to, lở loét. Biết nguy hiểm nhưng nhà nghèo không thể chạy chữa thuốc men để cứu cái chân cho em. Từ đấy, Dôm mất đi một chân.

Đến tuổi biết đi, Dôm tập tễnh vịn tường nhà chọi từng bước như các bạn, khiến ai cũng bất ngờ vì Dôm tự đi được. Thế rồi thấy các bạn đi học mẫu giáo, học lớp 1 Dôm cũng lò cò đi theo chẳng cần ai đưa đón. Học ở thôn được vài năm Dôm phải chuyển xuống học ở điểm trường chính dưới thung lũng, con đường đến lớp xa đến vài cây số, hơn phân nửa là dốc. 

Những ngày đầu, thầy cô ái ngại cho Dôm vì thấy em tới lớp muộn. Chừng chục bữa, quen đường, Dôm tới lớp đúng giờ mà không cần ai dìu đỡ. Hôm tới nhà Dôm, chúng tôi leo lên 4 con dốc dựng đứng sau một trận mưa, đường trơn như đổ mỡ, bị té nhào lấm hết quần áo, mà phía trước Dôm cứ thoăn thoắt không hề mệt mỏi. Dôm cười tươi: “Đường bằng phẳng thì em nhảy lò cò, đường dốc thì lấy chân hỏng này làm điểm tựa cho chân kia bước, thi leo dốc với mấy bạn em hay về nhất lắm”.

Khát khao con chữ làm Dôm quên đi mệt nhọc. Suốt 9 năm lò cò đến lớp, như lời em nói thì chỉ khi ốm nặng mới nghỉ học, chứ chưa bao giờ ngại đường xa, ngại mưa nắng mà lười tới lớp. 

Thành tích học tập của em luôn đứng ở tốp đầu của trường với danh hiệu học sinh khá. Đặc biệt em học rất tốt môn Văn, với ước mơ được làm cô giáo. Thầy Nguyễn Văn Mẫu, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Thành, cho biết: “Dôm rất sáng dạ, học đều tất cả các môn, tiếp thu nhanh và ý thức học tập rất cao. Tinh thần hiếu học của em là tấm gương sáng cho các học sinh trong trường”.

Cả trường thương

Lò cò kiếm chữ ảnh 1 Hồ Thị Dôm suốt 9 năm trời nhảy lò cò vượt đường núi theo đuổi ước mơ con chữ. Ảnh: Thanh Trần

Cuối năm nay, cô Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó hiệu trưởng nhà trường sẽ chuyển công tác. Việc đầu tiên cô làm trước khi rời xa là tìm những tấm ảnh của Dôm chụp từ thời tiểu học gửi lại cho các giáo viên trong trường. Để sau này có hội từ thiện, hay mạnh thường quân nào muốn giúp đỡ, sẽ thấu rõ hơn quá trình nỗ lực của Dôm. 

Cô Hạnh biết Dôm khi còn dạy ở điểm trường thôn 1A. Hình ảnh cô học trò bé xíu ngày ngày ôm vở nhảy lò cò từng bước tới lớp khiến cô không khỏi chạnh lòng, và càng nể phục hơn khi Dôm rất sáng dạ, chỉ đâu hiểu đấy, học với một sự say mê hiếm có của học trò vùng cao.

Năm lớp 3, trường chuyển về điểm trường chính cách đó vài cây số, cô đón Dôm về ở trong khu tập thể của giáo viên, nuôi nấng, chăm lo như con đẻ cho đến khi Dôm học xong tiểu học. Cô kể: “Không phải chỉ mình thương Dôm đâu, nghị lực của em khiến ai cũng phải động lòng. Khâm phục em, thầy cô giáo trong trường tự nguyện góp tiền lại lo cho em ăn học, rồi mua nạng cho em đi. 

Học trò khuyết tật ở đâu cũng có, nhưng quả thật chưa bao giờ gặp một học trò chịu khó, nỗ lực như Dôm cả”. Cô Hạnh kể thêm, có một thời gian Dôm chuyển ra trường nội trú học, thầy cô giáo ở trường nội trú quá cảm phục nghị lực của em đã cùng nhau góp tiền mua tặng Dôm chiếc xe lăn, nhiệt tình tặng thêm sách vở, tài liệu nếu Dôm cần.

 “Khi không ở với mình, không ở nội trú nữa Dôm vẫn đến lớp đều đều, bài vở làm đầy đủ, và rất biết vâng lời người lớn, chỉ mỗi chuyện bảo Dôm đi nạng hoặc xe lăn cho đỡ khó nhọc là nhất quyết không chịu vì…nhảy lò cò quen rồi”, cô Hạnh nói. 

Nhà Dôm nằm heo hút trên ngọn đồi, cũng là ngôi nhà gọn gàng sạch sẽ nhất thôn. Từ căn bếp, buồng ngủ ra tới sân không tìm đâu ra cọng rác, bởi một tay Dôm quán xuyến mọi việc nhà để mẹ yên tâm lên rẫy, anh trai đi làm xa kiếm tiền sau khi ba mất vào năm em 10 tuổi. Dôm không có góc học tập, phải ngồi trên giường, kê vở lên khung cửa gỗ học bài. Nhìn chồng sách vở sắp ngay ngắn, không cuốn nào bị rách, bẩn, hay quăn góc, nhàu nhĩ là biết ngay Dôm rất mê học. Dôm tâm sự: “Em sẽ cố gắng để vào đại học, chỉ sợ nhà không có điều kiện để theo đuổi ước mơ thôi”.

MỚI - NÓNG
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
TPO - Năm 2025, tiền lương bình quân của người lao động tại Cần Thơ đạt hơn 8,3 triệu đồng/người/tháng. Người được trả lương cao nhất tại Cần Thơ là hơn 151 triệu đồng/tháng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
TP - Việc các concert “anh trai” được tổ chức liên tục (6 đêm trong vòng hai tháng) vẫn thu hút hàng trăm nghìn lượt khán giả đương nhiên là tín hiệu tốt cho ngành tổ chức biểu diễn, mở ra hướng đi mới cho công nghiệp văn hóa. Nhưng làm nên chuyện không chỉ do các nghệ sĩ. Lần đầu tiên có dấu hiệu khán giả không chỉ thần tượng nghệ sĩ mà hâm mộ gameshow góp phần tạo nên những thần tượng đó…
Thành phố khởi nguồn hạnh phúc - bài cuối: Bắt 'trend' khuấy động du lịch
Thành phố khởi nguồn hạnh phúc - bài cuối: Bắt 'trend' khuấy động du lịch
TP - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu từng đánh giá Đà Nẵng là địa phương điển hình của đổi mới sáng tạo, luôn tìm cách để du khách trải nghiệm, thụ hưởng cảnh quan, đắm chìm trong các sự kiện, lễ hội nhiều nhất. Thành phố bước vào mùa mưa lạnh cuối năm với thời tiết nhiều bất lợi nhưng vẫn không “ngủ vùi trong chăn” mà liên tục tung ra sản phẩm, thổi luồng khí ấm cho du lịch Đà Nẵng.