Lo cho người nên 'mất duyên'?

Lo cho người nên 'mất duyên'?
TP - Là độc giả thân thiết của báo Tiền phong, đặc biệt với chuyên mục Diễn đàn lười yêu nên tôi cũng học được chút kinh nghiệm từ những bài viết để “bắt mạch” cho bệnh “lười”.
Lo cho người nên 'mất duyên'? ảnh 1

Mỗi khi báo Tiền phong phát hành, chúng tôi – bạn bè cùng lứa tuổi lại cùng tranh luận về căn bệnh “lười” mà diễn đàn đề cập. Nhân đây, tôi xin kể câu chuyện của chị gái tôi để bạn đọc cùng suy ngẫm.

Ngày chị gái tôi 18, 19 tuổi, buổi tối cuối tuần nhà tôi luôn có kẻ đứng người ngồi. Đó là bạn bè của chị và cả những người con trai “không mời mà đến”, họ đến để “thăm” nhưng mục đích lớn hơn là mong chị “để mắt” tới.

Chị không phải là người xinh đẹp đến độ mặn mà nhưng bù lại chị có một tâm hồn thanh khiết. Đặc biệt hơn chị có tấm lòng quảng đại biết quan tâm đến người khác, điều này càng biểu lộ khi chị làm nghề giáo viên.

Bạn bè gọi chị là “bà mối mát tay” bởi nhờ chị mà nhiều đôi trai gái nên duyên chồng vợ. Có lần, chị lặn lội đường xa từ Nam Định vào Vinh (Nghệ An) để động viên, giúp đỡ một bạn sinh viên thất tình muốn ra cầu Bến Thuỷ “đòi chết”.

Thế rồi, bằng lòng nhiệt tình chị đã ở lại với cô sinh viên mấy ngày trời để giúp cô thoát khỏi cơn khủng hoảng tinh thần... Ngày cô sinh viên ra trường rồi làm lễ cưới, chị không quản đường xa đến tham dự coi như niềm vui của chính mình.

Cảm tấm lòng ấy, nhiều chàng trai cùng quê muốn “kết tóc xe tơ” cùng chị. Nhưng một vấn đề cản trở nảy sinh trong quan niệm sống của chị. Hóa ra, từ những lần mai mối, chị chứng kiến không ít trắc trở trong chuyện tình duyên. Rồi có cả chuyện nhiều đôi trai gái nhờ chị mà nên duyên vợ chồng nhưng sau đó chẳng bao lâu đã “mỗi người đôi ngả”.

Chưa hết, do tham gia công tác phụ nữ ở cơ quan, rồi địa phương, nhiều lần chị phải đi hòa giải các vụ bạo hành trong gia đình... Tất cả những chuyện “không bằng phẳng” ấy tác động làm chị e dè trong quan hệ tình cảm. Chị khước từ mọi lời đề nghị kết bạn, từ chối tất cả những chàng trai có tình cảm yêu đương...

Có điều lạ là chị vẫn quan tâm đến chuyện tình cảm người khác một cách đặc biệt, nhưng đó là cái quan tâm xa, chứ chính bản thân chị thì không bao giờ muốn nhập vào cái không gian gia đình ấy. Và cái danh “bà mối mát tay” người ta dành cho chị ngày càng lan rộng, nhưng chị thì chẳng thể làm bà mối cho chính mình.

Năm nay chị đã sang tuổi 32 mà vẫn “phòng không gối chiếc”. Bố mẹ tôi nhiều lần giục chị sớm đi lấy chồng nhưng vẫn nụ cười và câu nói quen thuộc: “Bố mẹ cứ để tự con quyết định hạnh phúc của mình”.

Tôi vô cùng lo lắng cho hạnh phúc của chị, liệu hạnh phúc có đến với chị khi nhan sắc đã tàn phai? Liệu những quan niệm dẫn tới bệnh “lười” có thể thay đổi? Có người độc miệng cho rằng chị đi làm mối cho người nên “mất duyên”?! Tôi không biết phải làm thế nào để giúp chị thoát khỏi căn bệnh này...

Trần Thế Hà
Lớp Báo chí 2F, CĐ Phát thanh- Truyền hình T.Ư 1 Phủ Lý Hà Nam

MỚI - NÓNG