“Lộ bí mật nhà nước trên Internet có thể vượt xa con số đã phát hiện“

Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) - Ảnh: Đ.Hiệp
Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) - Ảnh: Đ.Hiệp
"Mỗi năm, cơ quan chức năng phát hiện hàng chục vụ lộ, lọt bí mật nhà nước trên Internet, tuy nhiên, trên thực tế có thể còn vượt xa con số đã phát hiện bởi tính chất nặc danh, khó phát hiện của môi trường mạng", Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an), nói tại Hội thảo - Triển lãm quốc gia về An toàn bảo mật 2018, diễn ra sáng 5/4, tại Hà Nội.

Theo lãnh đạo Cục An ninh mạng, năm 2017, Việt Nam hứng chịu hàng loạt các cuộc tấn công mạng quy mô lớn, cường độ cao nhắm vào các lĩnh vực trọng yếu, các công trình quan trọng của quốc gia. Việt Nam đã phải đối diện với ba vấn đề mất an toàn, an ninh thông tin lớn mà trong đó, đáng chú ý là việc hàng loạt các cuộc tấn công mạng diễn ra với quy mô lớn, cường độ cao nhắm vào các lĩnh vực trọng yếu cũng như các công trình quan trọng của quốc gia.

Theo ông Thuận, đa số các cuộc tấn công này đều diễn ra thông qua hạ tầng truyền dẫn vật lý như trục truyền dẫn quốc tế, trục truyền dẫn nội bộ quốc gia và hạ tầng dịch vụ lõi. Các cuộc tấn công không còn diễn ra một cách tự phát, đơn lẻ mà đã trở thành những chiến dịch, có hệ thống, quy mô lớn.

Hiện Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới với gần 60 triệu người dùng Internet (chiếm hơn 62% dân số), đồng thời cũng đang nỗ lực đặt mục tiêu thành quốc gia thứ hai trong khu vực Đông Nam Á triển khai xây dựng thành phố thông minh.

Tuy nhiên, Trung tướng Hoàng Phước Thuận cho rằng, trong thế giới kết nối của không gian mạng, Việt Nam cũng chịu tác động mạnh mẽ bởi các diễn biến của tình hình an ninh mạng thế giới, đặt ra những nguy cơ, thách thức không nhỏ đối với mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân, thậm chí đe dọa đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

Ông Thuận cũng cho rằng thông tin cá nhân, dữ liệu về tài khoản của người sử dụng mạng không được bảo vệ và bị lạm dụng vào mục đích thương mại, chính trị. Điển hình, theo ông là vụ 50 triệu tài khoản của Facebook đã bị chia sẻ trái phép cho Công ty Cambridge Anlytica để sử dụng vì mục đích thương mại và chính trị, dẫn đến Mỹ và Liên minh châu Âu phải mở cuộc điều tra khẩn.

Đến từ cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Nguyễn Thanh Hải, Cục Trưởng cho biết, hiện các cuộc tấn công mạng có xu hướng tập trung vào các lỗ hổng, các điểm yếu của các thiết bị IoT, nhất là các camera giám sát.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Quốc gia (VNCERT), thì cho rằng, tình trạng lây nhiễm mã độc cũng trở nên đáng lo ngại. Theo ông Đường, các mã độc ngày càng tinh vi, phức tạp, xuất hiện nhiều mã độc đa mục đích, vừa mã hóa dữ liệu, vừa tống tiền, vừa ăn cắp dữ liệu. Ví dụ như mã Wannacry, giữa năm 2017 đã tấn công gần 250 doanh nghiệp Việt Nam, gây nhiều thiệt hại.

Còn trong hai tháng đầu năm 2018 VNCERT đã thống kê có hơn 1.500 sự cố tấn công mạng nhắm vào Việt Nam.

Trước những thực trạng trên, Trung tướng Thuận cho rằng cần thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng để hình thành ý thức tự giác của mỗi người dân và toàn xã hội.

Theo ông, người sử dụng mạng cần tìm hiểu, trang bị cho mình kiến thức pháp luật về an ninh mạng, hiểu rõ những thông tin được phép đăng tải, chịu trách nhiệm về những nội dung thông tin và hành vi đăng tải thông tin của mình trên không gian mạng.

Theo lãnh đạo Cục An ninh mạng, việc xây dựng và ban hành Luật An ninh mạng (dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 tới đây – PV) và các văn bản hướng dẫn thi hành để tạo hành lang pháp lý, xác định rõ ràng trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong bảo vệ an ninh mạng và có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Theo Theo Vneconomy
MỚI - NÓNG