Lithuania giục châu Âu chống lại sự ‘chèn ép’ của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis. (Ảnh: Reuters)
Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis. (Ảnh: Reuters)
TPO - Lithuania sẽ thích ứng với những thiệt hại kinh tế “ngắn hạn” do Trung Quốc gây ra sau khi tăng cường quan hệ với Đài Loan (Trung Quốc), Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis phát biểu ngày 24/11.

Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis thúc giục Liên minh châu Âu (EU) chống lại kiểu “chèn ép” kinh tế của Bắc Kinh bằng cách tham gia nhiều hơn vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Cuối tuần qua, Trung Quốc hạ cấp quan hệ với Lithuania vì quốc gia Baltic này cho phép Đài Loan (Trung Quốc) mở cơ quan đại diện tương đương đại sứ quán trên thực tế, dù Lithuania có quan hệ chính thức với Bắc Kinh.

Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh tạm thời chia cắt và sẽ phải trở về với đại lục, có thể bằng vũ lực nếu cần. Giới chức Lithuania nói rằng Trung Quốc đã cố gây thiệt hại cho họ bằng cách cắt kết nối thương mại để đáp trả quyết định trên.

Ông Landsbergis nói trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters tại Washington rằng những thiệt hại đó sẽ có tác động ngắn hạn vì Lithuania đang nỗ lực giúp các chuỗi cung ứng bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.

“Trong ngắn hạn, bất kỳ quốc gia nào cũng xót khi bị cắt hợp đồng. Nhưng đó chỉ là ngắn hạn, vì thị trường sẽ phải thích nghi. Các công ty sẽ thích nghi”, ông Landsbergis nói.

Ông Landsbergis cho biết Trung Quốc không chỉ cắt hợp đồng với các công ty Lithuania mà còn tiếp cận nhiều công ty ở nước thứ ba để thúc ép họ không làm ăn với Lithuania.

“Có rất nhiều thứ chúng tôi sản xuất một phần tại Trung Quốc. Đó là lý do chúng ta cần tìm cách tạo ra các chuỗi cung ứng có sức chống chịu tốt hơn, có thể chịu được kiểu chèn ép này”, ông Landsbergis nói.

Ngoại trưởng Landsbergis cho rằng Lithuania sẽ là hình mẫu cho các quốc gia khác về cách chống chịu những áp lực như vậy, nhưng các nước châu Âu nên tham gia sâu hơn vào châu Á – Thái Bình Dương để thúc đẩy an ninh kinh tế.

“Chúng ta phải hiểu rằng tất cả các quốc gia giờ đều tham gia vào châu Á – Thái Bình Dương”, ông nói.

“Một số đồng minh của chúng tôi trong NATO đang đảm trách nhiệm vụ lớn ở khu vực đó, tạo ra sự bảo đảm an ninh cho các quốc gia, và điều đó có nghĩa là chúng ta ít nhất cũng phải hiểu điều gì đang diễn ra, hoặc có thể đóng một vai trò trong đó”, ông nói.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG