Lình xình quanh mảnh đất có nhà của Bí thư Cà Mau

Lình xình quanh mảnh đất có nhà của Bí thư Cà Mau
TP - Hiện cơ ngơi của ông Võ Thanh Bình có cả thảy 2.520m2. Trong đó có một phần là đất của bà Nguyễn Thị Giàu. Bà là thương binh 4/4, có 3 liệt sĩ, phải đùm túm con cái ra ở lề đường.

>> Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau trục lợi lớn từ nhà đất
>> Đất gia đình liệt sĩ thành đất của lãnh đạo tỉnh
>> Cà Mau: Hóa giá nhà, đất rẻ cho lãnh đạo
>> Bí thư Tỉnh ủy nộp 100 triệu tiền chạy chức

Lình xình quanh mảnh đất có nhà của Bí thư Cà Mau ảnh 1
Ngôi nhà ông Võ Thanh Bình trên phần đất bà Nguyễn Thị Giàu đang kiện đòi lại

Bà Nguyễn Thị Giàu chưa đòi lại được đất, chưa được tôn vinh Bà mẹ Việt Nam anh hùng thì đã lìa đời ở tuổi 86.

“Đất quốc phòng” thành của riêng

Khuôn viên cơ ngơi ông Võ Thanh Bình quản lý sử dụng 2.520m2 “đất quốc phòng” có nhà cao, vườn hoa kiểng rộng, chuồng cá sấu… tại đường Lê Khắc Xương, phường 6 (TP Cà Mau). Cạnh bên là Nhà hàng- khách sạn T98.

Cách chừng vài chục bước chân, căn nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Giàu cũ kỹ, tạm bợ, già nua, ở lề đường ngã ba đường Lê Khắc Xương- Lý Thường Kiệt. Hàng chục con người là con cháu bà Giàu hiện sống chật chội, ẩm thấp.

Ông Ngô Văn Xứng ở phường 6 (TP Cà Mau) bán cho bà Nguyễn Thị Giàu 12.870 m2 vào năm 1966. Sau đó, Mỹ - Ngụy bao chiếm khoảng 1/3 diện tích đất của bà Giàu, xây dựng hậu cứ Trung đoàn 32.

Những người dân bị chiếm đất, trong đó có bà Nguyễn Thị Giàu đã kiện đòi quyền lợi. Chính quyền Mỹ – Ngụy tỉnh An Xuyên (nay là Cà Mau) từ chối bồi thường tại văn bản 1912, ngày 21/6/1971.

Sau ngày giải phóng, quân đội cách mạng tiếp quản phần đất còn lại hơn 12.000 m2 của bà Giàu, tỉnh đội Minh Hải (nay là Cà Mau) thu hồi nốt vào năm 1985, mà không bồi thường vì qui “đất quốc phòng”, tiếp quản từ tay giặc?

Sau này, 1.520 m2 trong phần đất ấy của bà Giàu lại trở thành đất của ông Võ Thanh Bình.

Đại tá Trần Tâm Phúc, nguyên Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Cà Mau xác định: “Sau giải phóng, năm 1976, tôi từ Sài Gòn chuyển về, đóng quân ở đây. Tôi tìm hiểu và được biết, đất vợ chồng bà Nguyễn Thị Giàu- ông Nguyễn Hồng Dân bị giặc chiếm một phần, phần còn lại nằm ngoài hàng rào kẽm gai Hậu cứ Trung đoàn 32. Khoảng đất trống chừng 1 ha, không có nhà cửa là của gia đình bà Nguyễn Thị Giàu vẫn sản xuất”.

Đại tá Trần Tâm Phúc cũng cho biết: “Gia đình bà Nguyễn Thị Giàu và người chồng sau là ông Nguyễn Hồng Dân sống trong căn nhà rất chật chội, ẩm thấp, dơ bẩn. Bà Nguyễn Thị Giàu liên tục kiện đòi lại đất. Đại tá Huỳnh My, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Cà Mau có can thiệp. Nhưng sau đó, anh Huỳnh My nói với tôi là không được, thất bại rồi, không cách cứu giúp gia đình bà Nguyễn Thị Giàu.

Ba lần khóc thầm

Bà Nguyễn Thị Giàu là đảng viên, cán bộ phụ nữ xã Khánh Lâm (U Minh). Chồng bà là ông Phạm Văn Kiều làm tổ trưởng Đảng. Lần đó, tổ Đảng họp tại nhà bà Giàu, giặc ập đến, xả đạn. Bà Giàu đỡ nòng súng, ngăn cản để đồng chí, đồng đội chạy cửa sau. Hai người hy sinh, chồng bà bị thương lòi ruột nhưng chạy được vô rừng.

Sau đó, cán bộ và nhân dân bí mật chở ông Phạm Văn Kiều ra Cà Mau bằng chiếc ghe lái heo. Chiếc ghe “chở heo” bị bọn giặc ở vàm sông Cái Tàu kiểm soát. Tên ác ôn điểm mặt, áp giải ông Phạm Văn Kiều về Chi khu Thới Bình.

Trên đường bị áp giải, ông Phạm Văn Kiều tự bứt đứt ruột tìm đến cái chết để không làm lộ cơ sở. Những người dân tốt ở huyện Thới Bình xin chôn xác ông Phạm Văn Kiều mé sông, chờ trời tối moi lên, chở về U Minh. 

Trong trận đó, bà Nguyễn Thị Giàu bị giặc bắt vào tù cùng đứa con mới sinh. Hơn 1 năm bị tù đày, giặc không lấy được lời khai nào giặc đành thả 2 mẹ con bà về với làng rừng U Minh. Nhưng bà không được tiếp tục sinh hoạt Đảng vì chưa có điều kiện xác minh quãng thời gian ở trong nhà tù.

Chồng hy sinh, để lại cho bà 7 người con nhỏ, côi cút. Bà Nguyễn Thị Giàu bị bọn giặc ở chợ Huyện Sử, xã Trí Phải (Thới Bình) dòm ngó. Bà đành ra chợ Cà Mau mưu sinh, thờ chồng, nuôi con.

Tại thị xã Cà Mau, bà Nguyễn Thị Giàu kết nghĩa vợ chồng với ông Nguyễn Hồng Dân là người cùng quê, cảnh “gà trống nuôi” 7 đứa con. Hai cuộc đời như 2 chiếc thuyền bể, chở nặng, trôi dạt đã kết bè vượt loạn ly. Hai cuộc đời đơn côi cùng nuôi đàn con với mấy chục cháu trong nghèo khổ nhưng hòa thuận.

Các con trai lớn của bà Nguyễn Thị Giàu lần lượt đi bộ đội chủ lực khi vác súng còn chấm gót chân. Sau đó hai người con trai là anh Phạm Ngọc An đại đội trưởng và anh Phạm Chiến Đấu, hy sinh đợt tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968.

Trong vòng mấy ngày, bà Giàu nhận 2 tin dữ. Bà Nguyễn Thị Giàu chỉ biết ra bờ chuối, liếp dừa, ruộng lúa… khóc con.

Ra đi chưa đòi được đất

Nhiều năm liền bà Nguyễn Thị Giàu vác đơn đòi lại đất, xin được xét tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông Lê Thanh Tòng, nguyên GĐ Sở LĐ-TB-XH Cà Mau trả lời: “Tiêu chuẩn để xét phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng là người có 2 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ”. Công văn số 1088 của Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn đối với vợ liệt sĩ tái giá “Tuy tái giá nhưng không có con chung và người chồng sau đã chết”.

Ông Nguyễn Hồng Dân than với bà Nguyễn Thị Giàu rằng: “Như vậy tôi chết thì bà sẽ được vinh danh Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Trong căn nhà chưa đầy 30m2 nằm cặp mé đường Trần Khắc Xương- Lý Thường Kiệt, phường 6 (TP Cà Mau), ông Nguyễn Hồng Dân nhìn lên bàn thờ vợ nói: “Đám ma bà nhà tôi năm 2006 không một cán bộ đến thắp hương. Chắc có lẽ họ sợ đến liên lụy. Gia đình ông Bí thư chỉ cách chừng vài bước chân mà không đến”. Ông Dân nhiều lần thay bà Giàu mang đơn ra Hà Nội. Nhưng việc chưa có tiến triển.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.