Lỉnh kỉnh xe máy hồi hương

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều công dân quyết định rời TPHCM và các tỉnh phía Nam ngay khi những địa phương này nới lỏng giãn cách xã hội. Họ chở cả gia đình, hành lý lỉnh kỉnh trên chiếc xe máy cũ, vượt hàng trăm cây số xuyên đêm, xuyên mưa để về quê.

Đôi mắt thâm quầng vì mệt và mất ngủ, bà Hoàng Thị H. (57 tuổi, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) ngồi tựa vào gốc cây chờ đến lượt lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tại Trường THCS Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột). Bà Hoa cho biết, chưa bao giờ đường về quê lại gian nan đến vậy. “Ba giờ sáng, tôi và bà chị cùng làng dậy thu xếp hành lý chất lên xe, gói ít thức ăn rồi chạy thẳng ra ngã tư nơi nhóm người đang rủ nhau chạy từ Bình Dương về quê. Hai chúng tôi lớn tuổi, chạy xe đường dài rất mệt nhưng cũng cố theo đoàn vì sợ lạc, sợ không qua được chốt kiểm soát dịch. Chưa kể, đêm tối mưa tầm tã, người nào cũng ướt sũng, cuối cùng cũng tới địa phận quê nhà Đắk Lắk”, bà H. nhớ lại hành trình vượt hơn 300 cây số về quê.

Bà H. cho hay, mới vào Bình Dương được 5 tháng. Hai tháng đầu, bà làm tạp vụ bên ngoài song tiền công khá thấp. Sau đó, bà được “cò” giới thiệu làm công nhân cho công ty gần 3 tháng thì bị mất việc, vì dịch COVID-19 bùng phát. Lương 2 tháng cuối bà không nhận được đồng nào, đành phải chi tiêu dè dặt và nhờ con cháu ở quê gửi vào. Sau đợt này, bà H. quyết định không vào Nam kiếm sống nữa.

Cũng chạy xe hàng trăm cây số, vợ chồng chị H’Mun Byă (27 tuổi, xã Ea Trul, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) còn chở theo hai con nhỏ 3 và 5 tuổi cùng nhiều hành lý cồng kềnh từ TPHCM về quê vào tối 2/10. Chị H’Mun kể, đường cùng mới về quê, vì vợ chồng chị đã được tiêm 1 mũi vắc -xin phòng dịch COVID-19. Chị rất mong dịch được kiểm soát để đi làm lại nhưng hiện tại không thể cầm cự nổi. Suốt 3 tháng qua, gia đình chị với 4 miệng ăn phải sống lay lắt nhờ vào lương thực, thực phẩm của các đoàn từ thiện. Còn chính sách hỗ trợ tiền cho lao động khó khăn, chị không nhận được. “Mình cố gắng hết sức rồi, phải về thôi. Về quê làm rẫy, làm thuê kiếm cái ăn đã. Khi nào TPHCM hết dịch, vợ chồng mình mới nghĩ tới chuyện quay lại hay không. Hiện tại, mình đuối sức và ám ảnh khi nhớ lại những tháng ngày sống trong lo âu vì dịch bệnh”, chị H’Mun tâm sự.

Phải trả phí cách ly tập trung

Có mặt tại Trường THCS Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) - nơi thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho công dân của tỉnh chạy xe máy về quê, bà H’Yim Kđoh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho hay, lượng người về rất đông. Trong ngày 2/10, có tới 1.500 người về, dự kiến những ngày tiếp theo số người về càng đông. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế tổ chức xét nghiệm sàng lọc, bóc tách F0 ngay từ đầu mới bàn giao người về từng huyện.

Theo quy định của UBND tỉnh Đắk Lắk, công dân đã tiêm 2 mũi vắc -xin sẽ được cách ly tại nhà; người tiêm một mũi vắc -xin thực hiện cách ly tập trung tại địa phương; công dân chưa tiêm mũi vắc- xin nào thực hiện cách ly tập trung ở tỉnh. Những trường hợp cách ly tập trung phải trả 120 nghìn đồng/ngày/người gồm tiền ăn và chi phí phục vụ sinh hoạt trong thời gian cách ly.

Để ngăn dịch bùng phát trong cộng đồng, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường vai trò, chất lượng hoạt động của các tổ COVID cộng đồng. Đây là cánh tay nối dài của ngành y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh. “Trách nhiệm của tổ COVID cộng đồng rất lớn nhưng mức hỗ trợ rất thấp. Lãnh đạo địa phương phải động viên tinh thần, đội ngũ cán bộ gần dân nhất phải tham gia vào tổ COVID cộng đồng để kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo, làm sao cho công tác phòng chống dịch được hiệu quả”, bà H’Yim thông tin.

Tại Đắk Nông, tối 2/10 cũng có khoảng 1.000 công dân sinh sống tại các tỉnh thành phía Nam chạy xe máy về quê. Cơ quan chức năng đã phân luồng, sàng lọc từng đối tượng sau đó giao về địa phương thực hiện cách ly theo quy định. Ông Phan Nhật Thanh - Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) cho biết, đêm 2/10 có gần 10.000 công dân các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên di chuyển từ các tỉnh phía Nam về, qua chốt kiểm soát dịch bệnh Cai Chanh, thuộc xã Đắk Ru - cửa ngõ vào các tỉnh Tây Nguyên. Phần lớn người về đợt này là công nhân, lao động tự do. Vì hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp, họ quyết định về quê ngay khi các tỉnh miền Nam nới lỏng giãn cách xã hội.

Một số công dân về Lâm Đồng sẽ được đi máy bay

Ngày 3/10, lãnh đạo cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cho biết địa phương sẽ tiếp tục đón hàng ngàn người dân từ các tỉnh có dịch trở về theo nguyện vọng. 7 nhóm công dân được ưu tiên đón về đợt này là trẻ em, người cao tuổi, khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội, thai phụ từ 6 tháng trở lên, người đang điều trị và khám chữa bệnh. Đối với trẻ em, người cao tuổi, khuyết tật và thai phụ, có thể có người thân đi kèm.

Để được đón về, người dân cần đăng ký qua UBND xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ở Lâm Đồng. UBND cấp xã rà soát, cập nhật danh sách đăng ký; sắp xếp theo thứ tự ưu tiên đối với các đối tượng đủ điều kiện... Dự kiến, thời gian đón công dân về Lâm Đồng là ngày 9/10, bằng phương tiện ô tô của Công ty Phương Trang (miễn phí); một số trường hợp đặc biệt có thể được đón về bằng máy bay của hãng hàng không Bamboo Airways.

Kim Anh

MỚI - NÓNG