Liêu xiêu tranh cắt giấy Công Quốc Hà

Liêu xiêu tranh cắt giấy Công Quốc Hà
TP - Sinh năm 1955, họa sĩ Công Quốc Hà được công chúng biết đến với những bức tranh sơn mài về các thiếu nữ Hà Nội e ấp trong những tà áo dài, hay những bình hoa đua sắc cẩn trứng hấp dẫn. Bạn bè thường đùa Công Quốc Hà họa sĩ sơn mài  “Hoa và thiếu nữ”.

Dù ở đâu, Hà Nội ngày trẻ hay Thụy Điển bây giờ, niềm đam mê hội họa vẫn lôi cuốn anh. Bổn phận của người nghệ sĩ là tìm tòi và sáng tạo. Công Quốc Hà đã mày mò tìm một sân chơi khác từ năm 1990 - tranh cắt giấy. Ai cũng nghĩ cắt giấy, dán giấy là trò chơi của trẻ con. Thực ra với tranh, loại hình nào cũng đòi hỏi phải có đầu óc sáng tạo nghệ thuật. Cầm cọ vẽ sơn, hòa màu theo ý muốn góc độ nào đó dễ hơn làm tranh cắt giấy. Bởi giấy đã có màu sắc cố định, phải chọn sao cho hợp và toát ra được chủ đề.

Công Quốc Hà đã thổi hồn vào tranh cắt giấy. Tranh cắt giấy của anh tưởng đơn giản nhưng thu hút. Chủ đề “Hoa và thiếu nữ” hấp dẫn vẫn chủ đạo trong loạt tranh cắt giấy mới của anh. Nhưng ở đây hoa và thiếu nữ như hòa quyện. Nhìn hoa cũng thấy đường cong, nhìn thiếu nữ cũng như hoa… Ảo ảo mộng mộng, không biết đâu là hoa đâu là đường cong hấp dẫn.

Tranh cắt giấy của Công Quốc Hà đậm chất thơ. “Thiền” mà sóng gợi cảm. Đúng như nữ họa sĩ nổi tiếng Sonia Delauney từng định nghĩa về hội họa “Đối với riêng tôi, hội họa xuất phát từ thơ, khi ta sở hữu cách riêng để diễn đạt”. Công Quốc Hà là họa sĩ yêu thơ. Tranh cắt giấy của anh là một phương tiện biểu đạt thơ. Anh minh họa thơ rất tình tứ. Tôi may mắn được anh nhận lời làm tranh cắt giấy minh họa cho tập thơ “Đắc Đạo” của mình. Tranh của anh cũng lúng liếng như thơ. Màu sắc tình tứ ẩn dụ.

Tranh Công Quốc Hà không chỉ diễn tả thơ mà còn chứa sự huyền bí ẩn dụ. Tranh cắt giấy của Công Quốc Hà, cũng hàm chứa những bí ẩn, những khát vọng thầm kín. Đời anh là vậy. Khó khăn nơi xứ người, ngôn ngữ bất đồng, khoảng trống vắng thiếu tiếng mẹ ru đêm, những câu ca quan họ luyến láy trữ tình, những cô gái yếm thắm đội nón quai thao, thiếu những đêm bạn bè vui ở Hà Nội… Niềm riêng tư thầm kín này anh gửi vào tranh cắt giấy.

Những lúc xa quê hương, ký ức tuổi thơ là nguồn cảm hứng vô tận của họa sĩ.  Phố phường Hà Nội, làng quê Việt Nam đã đi vào tranh anh như áng thi ca được  tạo ra bằng những mảnh giấy mầu với những  nhát cắt bay bổng trữ tình lôi cuốn.

Anh đã nhập hồn vào tranh. Tan mà không tan. Hòa mà không nhập, nhập mà không hòa. Điều này rất rõ nét như trong bức mình họa bài thơ “Tan” của Trần Thu Dung (Tảng băng lững lờ trôi/Lúng liếng lẳng lơ tia mắt mặt trời/Trao tình âu yếm/Tảng băng khát hơi ấm/Say mặt trời/Xiêu xiêu ngẩn ngơ tê dại/Lung linh hứng tia nắng ấm/Mắt pha lê long lanh/Xao xuyến, rưng rưng/Từ từ nhỏ lệ/Hòa tan dần giữa biển rộng bao la.

Màu sắc trong tranh cắt giấy của Công Quốc Hà rất hấp dẫn nhẹ nhàng, hồn nhiên nhưng liêu xiêu khi chiêm ngưỡng. Tranh cắt giấy của Công Quốc Hà mang vẻ đẹp hiện đại, hấp dẫn. 

Liêu xiêu tranh cắt giấy Công Quốc Hà ảnh 1  
Liêu xiêu tranh cắt giấy Công Quốc Hà ảnh 2
 
MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.