> Phạt tiệm bánh mì làm hơn 170 người ngộ độc
> Phạt cơ sở bánh mì khiến 27 người ngộ độc
Chị Lê Thị Lắm (đường Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn) kể: Thấy cơ sở cũng khang trang, ba mẹ con ghé vào mua mấy ổ bánh mì. Ai ngờ vừa ăn xong, cả nhà đều đau bụng, buồn nôn, đi ngoài, phải nhập viện khẩn cấp. Trung tâm Y tế quận sau đó phải chuyển 2 con chị Lắm lên tuyến trên do ngộ độc nặng. Chị Lê Thị Thu Nguyệt, một nạn nhân của vụ ngộ độc trên, lo ngại: “Giờ nhìn mấy cơ sở bán đồ ăn sẵn mà sợ”.
Theo Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Đà Nẵng, 5 tháng đầu năm nay xảy ra 4 vụ ngộ độc, làm 92 người nhập viện, tăng gấp đôi về số vụ so với cả năm 2012. Trong đo, có 3 vụ ngộ độc tập thể do ăn thức ăn đường phố, chủ yếu là bánh mì nhiễm khuẩn.
BS Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, nhận định: Thời tiết nắng nóng bất thường, nhiệt độ tăng cao khiến thức ăn đường phố dễ ôi thiu, nhất là các loại thực phẩm có thời gian sử dụng ngắn như sốt trứng gà, patê, chả bò...
Kết quả kiểm nghiệm mẫu bánh mì bà Thái (quận Sơn Trà) gây ngộ độc gần 30 người cho thấy, 2 mẫu nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng (staphylococcus aureus) vượt mức cho phép là sốt trứng gà (vượt 10 lần) và chả bò (vượt 6 lần)… Trước đó, trong vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì kẹp thịt, chả của tiệm bánh mì Đồng Tiến ở đường Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu) có 4 mẫu vượt các chỉ tiêu hàm lượng Coliforms và Ecoli từ 2 đến 15 lần…
Theo BS Tiến, sắp tới, Đà Nẵng ra quân kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Tuy nhiên, cái khó đối với việc quản lý các cơ sở này là họ luôn thay đổi địa điểm, bán theo thời vụ…
BS Nguyễn Út, Phó Giám Sở Y tế Đà Nẵng cho hay, công tác phối hợp ngành chức năng, địa phương trong đảm bảo ATVSTP chưa cao. Phần lớn vụ ngộ độc xảy ra ở cơ sở, nhưng không được thông báo kịp thời, khiến việc lấy mẫu xét nghiệm và xử lý gặp khó khăn. “Đường dây nóng” của Chi cục ATVSTP không “bắt tín hiệu” kịp thời. Nhiều vụ việc xảy ra đến 2-3 ngày, cơ quan chức năng mới tiếp nhận thông tin.
Theo thống kê của Sở Y tế, 5 tháng đầu năm, thanh tra, kiểm tra tại hơn 3.500 cơ sở kinh doanh thực phẩm, lực lượng chức năng phát hiện hơn 400 cơ sở vi phạm, không đảm bảo quy định ATVSTP, tổng mức phạt tiền hơn 100 triệu đồng.
Theo ông Trần Minh Hồi, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng quận Hải Châu, mức phạt theo quy định từ 100.000 đồng đến 15 triệu đồng như hiện nay là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. “Với các cơ sở vi phạm để lại hậu quả nghiêm trọng, không khắc phục, tái phạm nên kiên quyết rút giấy phép kinh doanh”, ông Hồi kiến nghị.
Khó kiểm soát thực phẩm tại nhóm trẻ gia đình
Theo Chi cục ATVSTP TP Đà Nẵng, thành phố có gần 900 bếp ăn tập thể, trong đó có hơn 500 bếp ăn tại các nhóm trẻ gia đình. BS Tiến cho hay, tuy chưa xảy ra vụ ngộ độc tại các bếp ăn tập thể này, nhưng xuất hiện nhiều bất cập, vi phạm, như bếp ăn chưa xây dựng đúng cách theo nguyên tắc một chiều, điều kiện vệ sinh bếp, môi trường vệ sinh bếp và việc xử lý rác thải chưa đảm bảo; đội ngũ nhân viên phụ trách dinh dưỡng chưa được cập nhật kiến thức, khám sức khỏe định kỳ...