Liên tiếp nhiều vụ hỏa hoạn tang thương: 'Khóa' mình trong nhà không lối thoát

0:00 / 0:00
0:00
TP - Có rất nhiều nhà dạng ống mặt phố, mặt ngõ ở Hà Nội được chuyển đổi công năng thành cửa hàng. Những căn nhà dạng này thường không có lối thoát nạn cũng như các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Nhà ở biến thành kho, cửa hàng

Liên tiếp nhiều vụ hỏa hoạn tang thương: 'Khóa' mình trong nhà không lối thoát ảnh 1

Nhắc đến vụ cháy trên phố Tôn Đức Thắng (phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) xảy ra rạng sáng 4/4, nhiều người sinh sống quanh khu vực vẫn chưa hết bàng hoàng. Một người đàn ông sinh sống cách căn nhà xảy ra vụ cháy chừng 20m cho biết, sự việc xảy ra khiến mọi người đều xót xa. Chủ nhà đã để quá nhiều hàng hóa bên trong các tầng, trên tum lại rào kín bằng sắt và tôn nên khi có cháy không có đường thoát.

Sáng 5/4, phóng viên ghi nhận tại nhiều tuyến đường như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bạch Mai, Kim Ngưu (Hai Bà Trưng), Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa), Tam Trinh, Hoàng Mai (Hoàng Mai)… có rất nhiều cửa hàng kinh doanh hàng hóa tương tự ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn. Không chỉ những tuyến đường lớn, trong các ngõ ngách nhỏ, đường chỉ đủ hai chiếc xe máy tránh nhau, cũng xuất hiện nhiều cửa hàng tạp hóa.

Điều đáng nói, những ngôi nhà phố này được làm dạng “nhà ống” nằm san sát nhau. Cửa sổ các tầng được làm song sắt và “chuồng cọp” ở tầng tum được tận dụng làm nơi ở. Quá trình sinh sống, nhiều người đã chuyển đổi công năng hoặc cho thuê mở cửa hàng kinh doanh ở tầng 1 còn bên trên là nơi sinh họat chung của gia đình.

Tại cửa hàng tạp hóa ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm - Tuệ Tĩnh (Hai Bà Trưng) có mặt tiền rộng hơn 3m, hàng hóa bày tràn lan dưới vỉa hè, trong nhà lắp đặt nhiều giá để đồ. Khách hàng để xe máy ở lòng đường, ai muốn vào trong nhà phải lách qua giá trưng bày hàng hóa trước cửa chừa lại lối nhỏ vừa một người đi. Bên trên tầng tum ngôi nhà cũng được quây kín bằng tôn, gần như không có lối thoát...

Liên tiếp nhiều vụ hỏa hoạn tang thương: 'Khóa' mình trong nhà không lối thoát ảnh 2

Nhiều cửa hàng tạp hóa bày đồ đạc chắn lối đi Ảnh: Thanh Hà

Tầng 1 của nhiều khu tập thể cũ trên đường Tam Trinh, Quỳnh Mai, Phạm Ngọc Thạch… được sử dụng làm nơi kinh doanh tạp hóa, quần áo, dịch vụ ăn uống. Mặc dù được tuyên truyền và biết nguy cơ xảy ra hỏa hoạn nhưng nhiều người dân vẫn thờ ơ, chất đầy hàng hóa bịt kín lối thoát nạn phía cửa ra vào.

Ông Bùi Văn Kiên (kỹ sư xây dựng ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, hầu hết những căn nhà mặt phố được xây dựng kiểu nhà ống, lắp cửa chống trộm, lại không để lối thoát hiểm. Ngoài ra, nhiều căn nhà xây dựng tự phát, sửa chữa, cải tạo nâng cấp, nhưng không được trang bị hệ thống PCCC, khi xảy ra hoả hoạn dễ dẫn đến rủi ro, thương vong lớn.

Ông Ngô Văn Mẫn, Giám đốc Cty TNHH XYN ở Hà Đông, Hà Nội, cho rằng, hiện nay, các quy chuẩn PCCC đều được quy định rõ ràng, tuy nhiên, nhiều nơi việc áp dụng các quy định này chưa được triệt để dẫn đến hậu quả khó lường khi xảy ra cháy nổ.

Mới ký cam kết PCCC thì xảy ra hỏa hoạn

Trung tá Nguyễn Minh Thành, Phó Trưởng Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, thống kê sơ bộ, quận Đống Đa có trên 6.000 hộ kinh doanh ở mặt phố lớn và hàng nghìn hộ kinh doanh trong các ngõ, ngách. Chủ nhà ngôi nhà trên phố Tôn Đức Thắng cũng ký cam kết đảm bảo công tác an toàn PCCC trước Tết vừa qua.

Theo trung tá Thành, ngôi nhà trên chỉ có duy nhất lối thoát nạn là cửa ra vào, khi xảy ra cháy, mọi người chạy lên tầng tum được quây kín bằng rào sắt chống trộm nên không thể thoát thân. Các nạn nhân cũng không thể sang nhà bên cạnh hay nhảy xuống mái tôn tầng 1. Khi xe thang đến hiện trường từ phía đường Tôn Đức Thắng cũng không thể áp sát tầng tum vì vượt quá tầm vươn của thang. Thời điểm đó, lửa cũng đã bùng phát dữ dội bên trong các tầng nhà.

“Yêu cầu quan trọng nhất trong phòng cháy chữa cháy là ý thức thực hiện của người dân và công tác phòng ngừa tại chỗ. Lực lượng chức năng cũng đã đến từng nhà để tuyên truyền, phát tờ rơi, khuyến cáo đảm bảo an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt, sắp xếp hàng hóa… nhưng thường ít được chủ nhà quan tâm” Trung tá Nguyễn Minh Thành - Phó Trưởng Công an quận Đống Đa, Hà Nội

Ông Thành cho biết, theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP, ngôi nhà thuộc sự quản lý PCCC của UBND cấp phường và đơn vị trên có quyền kiểm tra, yêu cầu thực hiện các quy định PCCC. “Tuy nhiên, nếu người dân không đồng ý thì cán bộ cũng khó có thể vào tuyên truyền, kiểm tra và yêu cầu kí cam kết được vì đây là nhà ở của gia đình họ. Do đó, cần phải có chế tài xử phạt kèm theo”, ông nói.

Theo trung tá Thành, vấn đề bất cập hiện nay là những ngôi nhà ở xây dựng từ lâu, đã cũ được chuyển đổi mục đích sử dụng thành cửa hàng kinh doanh, nếu lắp các thiết bị PCCC hay mở lối cửa thoát hiểm, cầu thang bên ngoài… thì phải xin cấp phép.

Ông Thành khuyến cáo, các nhà dân cần trang bị thêm bình chữa cháy. Nếu nhà có “chuồng cọp”, cần có ô cửa nhỏ đề phòng nếu có hỏa hoạn thì nạn nhân có thể tự thoát sang nhà hàng xóm và lực lượng cứu hộ sẽ tiếp cận được nhanh hơn. Đối với cửa tầng tum, nên để chìa khóa gần cửa, nơi dễ trông thấy. Hàng hóa không nên để quá nhiều trong nhà. Đặc biệt, mỗi gia đình cần có phương án chữa cháy, thoát nạn riêng, phù hợp với nơi ở.

MỚI - NÓNG