Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có văn bản phúc đáp một số kiến nghị của cử tri Hải Phòng, Bến Tre, Thái Bình trong việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong liên doanh, liên kết đầu tư thiết bị y tế vào các cơ sở khám chữa bệnh, sử dụng kinh phí phòng, chống dịch Covid- 19 và kịp thời thu hồi tài sản tham nhũng.
Trước đó, cử tri Hải Phòng đặt vấn đề: một dự án khi triển khai có rất nhiều quy trình, thủ tục với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng và thực hiện theo nguyên tắc “công khai” giá thiết bị, “công khai” thủ tục đấu thầu... Tuy nhiên, vừa qua các cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực liên doanh, liên kết đầu tư thiết bị y tế vào các cơ sở khám chữa bệnh.
Điển hình như vụ việc ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Hà Nội), bệnh viện Bạch Mai và Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS (BMS là công ty bị điều tra trong vụ nâng khống thiết bị tại BV Bạch Mai – PV). Chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, Công ty BMS liên tiếp trúng gần 20 gói thầu về cung cấp vật tư và trang thiết bị y tế tại nhiều tỉnh, thành với giá trị từ vài tỷ đến vài trăm tỷ đồng.
“Như vậy, phải chăng có vấn đề từ công tác quản lý của Nhà nước, hoặc đó là sự sơ hở của pháp luật, hay là sự thông đồng, tiếp tay của các cán bộ có thẩm quyền trong các cơ quan chức năng” - cử tri Hải Phòng bày tỏ băn khoăn và đề nghị Thủ tướng giao cho TTCP và Bộ Y tế thực hiện rà soát, thanh tra toàn bộ các dự án lớn trong lĩnh vực xã hội hóa đầu tư vào y tế từ nhiều năm nay để làm sáng rõ vấn đề, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cùng với việc bày tỏ bức xúc trước việc nâng khống giá thiết bị y tế tại BV Bạch Mai lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh, cử tri Bến Tre đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, kịp thời thu hồi tài sản tham nhũng trả lại nhà nước và nhân dân.
90% gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế được chỉ định
Trước những kiến nghị của cử tri, TTCP đã có văn bản trả lời và cho biết năm 2018 đã tiến hành thanh tra chuyên đề diện rộng về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế; năm 2019, thanh tra chuyên đề diện rộng về mua sắm thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; ngoài ra còn tiến hành một số cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Vẫn theo TTCP, năm 2019, TTCP đã tiến hành thanh tra trực tiếp tại Bộ Y tế và một số bệnh viện trực thuộc. Cuộc thanh tra đã kết thúc và đang trong quá trình xây dựng dự thảo kết luận thanh tra.
Theo chỉ đạo, 63 tỉnh, thành phố cũng đã thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), mua sắm trang thiêt bị y tế (TTBYT) và vật tư y tế (VTYT), đấu thầu thuốc chữa bệnh. Qua tổng hợp báo cáo kết quả thanh tra của các tỉnh, thành, TTCP xác định có nhiều tồn tại, thiếu sót, vi phạm.
Cụ thể, TTCP chỉ rõ: một số địa phương không ban hành danh mục mua sắm tập trung TTBYT trước khi thực hiện việc mua sắm mà thực hiện mua sắm tại tuyến tỉnh và phân cấp cho các cơ sở y tế trái quy định, tạo điều kiện cho các đơn vị được phân cấp chia nhỏ gói thầu để áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu trái luật.
“Nhiều địa phương tỷ lệ gói thầu thực hiện mua sắm theo hình thức chỉ định thầu và chào hàng cạnh tranh lên tới 90%” – TTCP thông tin.
Nhà nước và nhân dân thiệt hại
Ngoài ra, TTCP khẳng định tất cả các bộ, địa phương đều có thiếu sót, vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định về mua sắm, đấu thầu từ bước lập kế hoạch, đấu thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng. Vi phạm chủ yếu xảy ra tại bước lập giá kế hoạch gói thầu và thấm định giá.
Vụ nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai để "móc túi" bệnh nhân gây bức xúc lớn trong dư luận
Việc đề xuất danh mục mua sắm, cấu hình kỹ thuật rất chi tiết chỉ có hãng/loại sản phẩm đó có, dẫn đến không có cạnh tranh và đẩy giá thiết bị lên rất cao.
“Việc thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế vừa qua chỉ mang tính hình thức, hiệu quả rất thấp hoặc không có hiệu quả. Tỷ lệ giảm giá trung bình của tổng số gói thầu tại 3 bộ, 50 địa phương chỉ đạt 1,26%. Cá biệt, tại một số địa phương nhiều gói thầu mua sắm TTBYT đấu thầu rộng rãi nhưng tỉ lệ giảm giá sau đấu thầu là 0%)” – TTCP nêu rõ.
Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố không đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử các thông tin về: giá trúng thầu mua sắm mua sắm TTBYT của các cơ sở y tế công lập trên phạm vi toàn quốc; danh sách các TTBYT đã bị thu hồi số lưu hành dẫn đến các tỉnh, thành phố không có căn cứ tham khảo, phát hiện chênh lệch giá các mua sắm trang thiết bị y tế giống nhau hoặc có cấu hình tương tự khi xây dựng giá kế hoạch. Việc làm trên không thực hiện đúng quy định tại Nghị định 36/2016/NĐ- CP.
TTCP cũng cho rằng, việc định giá mua sắm TTBYT để đưa vào liên doanh, liên kết tại các cơ sở y tế thực hiện không tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật theo hướng đẩy giá trị thiết bị lên cao; ký kết hợp đồng đặt mua sắm TTBYT của đơn vị với đối tác kèm theo điều khoản ràng buộc, cam kết mua các sản phẩm hóa chất, vật tư từ đối tác với giá độc quyền đã dẫn đến thiệt hại đến quyền lợi của cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh.
Trước những tồn tại, sai phạm nêu trên, TTCP cho biết sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý những vấn đề vĩ mô liên quan đến trách nhiệm của Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương và sẽ công khai khi kết luận chính thức được ban hành.
Box: “Trong năm 2021, TTCP tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chương trình công tác thanh tra, trong đó chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thanh tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ, việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19” – TTCP thông tin.