Liên kết vùng: Cùng đua tranh nhau để... chết

Liên kết vùng sẽ giúp các địa phương tiết kiệm chi phí đầu tư, khai thác hạ tầng, không chạy theo đầu tư riêng (trong ảnh: Cảng biển Tiên Sa - Đà Nẵng). Ảnh: Như Ý
Liên kết vùng sẽ giúp các địa phương tiết kiệm chi phí đầu tư, khai thác hạ tầng, không chạy theo đầu tư riêng (trong ảnh: Cảng biển Tiên Sa - Đà Nẵng). Ảnh: Như Ý
TP - Thiếu động lực liên kết giữa các địa phương trong phát triển hạ tầng do còn tồn tại “lợi ích cục bộ địa phương”, chưa hình thành “tài sản chung” của vùng để cùng phối hợp khai thác và quản lý. Vẫn còn tình trạng “xin cho và ban phát” là vấn đề đặt ra tại Hội thảo quốc tế “Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam” ngày 3/4 .

Hạ mình thu hút đầu tư  là chết nhanh

 “Việt Nam có 63 tỉnh thành thì có 63 nền kinh tế. Nếu địa phương nào cũng chỉ phát triển riêng cục bộ thì sẽ khó phát triển kinh tế đất nước”, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi phát biểu mở đầu hội thảo.

Theo ông Vương Đình Huệ, thực trạng của liên kết vùng và nhiều vấn đề cấp bách vùng hiện nay nổi lên ở từng địa phương không thể giải quyết được một cách hiệu quả như biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ở ĐBSCL, khô hạn và quản lý nguồn nước ở Tây Nguyên, quản lý rừng và sinh thái vùng miền núi phía Bắc, phát triển hạ tầng miền Trung…“Lấy động lực kinh tế là lợi ích của liên kết vùng thế thì phải thay đổi thế nào. Nếu chúng ta làm dự toán ngân sách, lấy mặt bằng thu năm nay xong rồi tăng vài phần trăm thì không thể được, bởi vì anh nào cũng lo ngân sách của mình; địa phương nào cũng lo làm bia, làm xi măng hay mở sân bay, cảng biển để mà tăng trưởng”, ông Vương Đình Huệ lưu ý.

Đặt tên cho hiện trạng liên kết vùng hiện nay là “kỳ dị” vì “chỉ nằm cạnh nhau, không ôm nhau, không làm gì”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nói rằng, ở Việt Nam, 63 tỉnh, thành là 63 nền kinh tế cộng với nền kinh tế ở Trung ương tạo nên 64 nền kinh tế cùng đua tranh nhau để…chết.

“Phương án triệt để nhất là cần tích cực chuẩn bị để ra đời càng sớm càng tốt: cả nước lập ra 8-10 vùng hành chính - kinh tế độc lập, mỗi vùng bao gồm một số tỉnh hiện nay là độc lập sẽ chuyển thành một thành phần cấu trúc bộ phận của vùng và phụ thuộc”.

Viện trưởng 

Viện Kinh tế 

Trần Đình Thiên

“Không có gì chết nhanh hơn bằng cách tự hạ giá mình để thu hút đầu tư, để lập thành tích tăng trưởng bằng mọi giá, chứ không phải bằng nỗ lực nâng cao chất lượng phát triển của mình lên”, ông Thiên nhận định. “Đua nhau làm khu công nghiệp, đua nhau làm cảng biển, đua nhau thu hút FDI, tìm cách gây khó khăn cho tỉnh bạn, “ngăn sông, cấm chợ”  như cấm chuyển quặng ra khỏi tỉnh ta, phải tiêu thụ “bia tỉnh ta”...Đây là những hiện tượng khá phổ biến, gây ra những tổn thất to lớn ở cả tầm quốc gia”, ông Thiên chia sẻ.

Cùng với đó ông Thiên đề xuất, lợi ích chiến lược của kinh tế vùng là xóa bỏ tình trạng manh mún, chia cắt và cát cứ theo tỉnh hiện nay. Việc thực hiện quy hoạch phát triển vùng sẽ tránh được các xung đột cục bộ cũng như những phản đối xuất phát từ lợi ích nhóm.

Tăng trưởng nóng gây hệ lụy con cháu

Liên kết vùng yếu vì sao? Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhìn nhận: “Hiện vì chúng ta cứ sản xuất nhỏ mà không sản xuất lớn, người dân chưa bỏ được thói quen tư duy theo nếp sản xuất nhỏ. Vấn đề của nhà nước trong liên kết vùng là dần dần phải phân cấp nhiệm vụ của chính quyền địa phương thành của Trung ương; nâng dần dần mới thành lợi thế của quốc gia. “Nhiệm vụ của chính quyền địa phương là chăm lo đời sống người dân; tiến tới dần dần không cho bán đất lấy tiền quyền sử dụng đất mà xây dựng nhà ở, lo cho dân”, ông Kiên nói.

 Liên quan chuyện các tỉnh đều mong muốn xin cơ chế đặc thù, ông Kiên tỏ ý không đồng tình. Theo ông, xin đặc thù không phải lúc nào cũng đúng, ví đơn cử như nếu TPHCM xin đặc thù phát triển lớn; Hà Giang cũng xin đặc thù cơ chế tỉnh nghèo, hay các tỉnh khác cũng rộ lên xin thì sẽ ra sao. “Tất cả phải là một thể thống nhất. Mỗi một quốc gia cần một quy định chung thống nhất”, ông Kiên khẳng định.

Phó Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc Trần Trọng Hanh cũng chỉ ra, liên kết vùng chưa chuẩn ngay từ khái niệm nên trải qua nhiều năm vẫn không tạo được sự liên kết. Vốn là một trong những tác giả của việc xây dựng 10 vùng đô thị nhưng chính ông Hanh cũng băn khoăn không biết mình có làm đúng hay không? “Hiện nay có 71 luật và pháp lệnh 73 nghị định và hàng nghìn các thông tư, quyết định liên quan quy hoạch cùng mấy vạn đề án quy hoạch, với chi phí ước tính lên đến hơn 2.800 tỷ đồng thời kỳ 2001- 2010 và gần 5 nghìn tỷ đồng thời kỳ 2011- 2020, nhưng hệ thống quy hoạch hoàn toàn phân lập, có những đồ án chỉ dùng được 1%”, theo ông Hanh, “nói là liên kết nhưng “anh nào” cũng tìm phương án để đột phá riêng cho mình để lấy thành tích tăng trưởng, gây ra hệ lụy là những khoản nợ dành cho đời con cháu và ô nhiễm môi trường quá nghiêm trọng”.

Đưa ra bài học kinh nghiệm, ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Trưởng ban điều phối Vùng duyên hải miền Trung kể: Vùng này gồm 9 tỉnh ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận; có vị trí chiến lược về giao thông phát triển thuận lợi có đủ cảng biển, sân bay, có điều kiện phát triển trung tâm du lich. “Khối duyên hải miền Trung hoạt động trên cơ sở đồng thuận, lãnh đạo liên kết vùng trước đây do bác  Nguyễn Bá Thanh làm trưởng ban đã phối hợp chặt chẽ. 5 năm qua chúng tôi đã thay đổi được nhận thức và hành động thực sự tập trung vào phát triển kinh tế vùng”, ông Hoà nói.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.