Các số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy có 50 triệu người làm nghề giúp việc nhà trên toàn cầu. Hầu hết những người này xuất thân từ các quốc gia kém phát triển phải chấp nhận bán sức lao động nơi xứ người để trả nợ hoặc hỗ trợ gia đình nghèo khó tại quê hương. Theo ILO, khoảng năm triệu phụ nữ Indonesia giúp việc nhà trong năm ngoái đã gửi về nước gần 10 tỷ ngoại tệ.
Erwiana Sulistyaningsih, 23 tuổi, người Indonesia, sau 8 tháng bị chủ lao động hành hạ liên tiếp, đã trở về trong tình trạng nguy kịch. Tại Qatar, một lao động di cư đã nhảy qua cửa sổ từ một tòa nhà cao tầng để thoát khỏi chủ nhân hành hung mình. Tại Malaysia, một giúp việc nhà bị chủ bỏ đói đến chết. Hàng loạt vụ việc khác như bị bắt lao động liên tục 100 giờ/tuần, không có ngày nghỉ, bị chủ giảm lương, điều kiện sống tồi tệ.... cho thấy thực trạng của những người giúp việc nước ngoài.
Bi đát hơn, họ gần như không nhận được sự bảo vệ của luật pháp nước sở tại. 93% số người bị giam giữ tại các trung tâm trục xuất của Qatar, là những người giúp việc nhà. Riêng tại Arab Saudi, một nửa trong số có 42 người Indonesia đang chờ bị xử tử là những cô hầu gái, trong đó có Darsem Tawar, bị kết án tử hình năm 2011 vì giết người chủ của mình, mặc dầu cô đã khai là lúc đó ông ta đang cưỡng hiếp cô.Đối mặt với bất công, nhiều lao động nước ngoài đã dũng cảm lên tiếng, không chỉ vì để bảo vệ bản thân, mà vì cả cộng đồng.
Tại một cuộc họp báo, cô Erwiana tuyên bố việc cô khởi kiện chủ nhân vì “không muốn có nhiều người khác có kết cục giống tôi”. Tạp chí Time mới đây đã bình chọn Erwiana Sulistyaningsih là một trong số 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới, một động thái hướng sự chú ý của công luận thế giới tới thân phận của người giúp việc di cư.
Vụ việc của Erwiana thực sự đã gióng lên một hồi chuông báo động. Những người giúp việc nhà đã xuống đường biểu tình tại Hong Kong. Việc những người giúp việc nhà trên khắp thế giới đang bắt đầu liên kết, tổ chức và đòi quyền lợi của mình có thể tạo ra một cú hích quan trọng cho tiến trình xây dựng khung pháp lý quốc tế bảo vệ lao động di cư, vốn đang diễn ra rất chậm chạp.