"Liên hiệp quốc" ở Sài Gòn

"Liên hiệp quốc" ở Sài Gòn
Giới trẻ thành phố thường gọi Trường ĐH KHXH & NV TPHCM là "Liên hiệp quốc" bởi nơi đây tập trung cả trăm sinh viên nước ngoài theo học.
"Liên hiệp quốc" ở Sài Gòn ảnh 1
Sinh viên Nhật và Hàn học tiếng Việt ở Đại học Sư phạm TP.HCM

Các bạn đến từ khắp các châu lục trên thế giới, đem theo những dòng văn hóa đặc trưng của quê hương mình và thổi vào không khí sôi động của giảng đường Việt Nam một luồng gió lạ, rạo rực sức trẻ và ấm áp niềm tin.

"Việt Nam" ăn gì, tôi ăn nấy!

Mới sang Việt Nam được 3 tuần lễ nhưng hai cô bạn người Mỹ Jess và Andrea đã "quen mặt" các tiểu thương chợ Bến Thành và một số quán cóc trong vòng bán kính 2 km quanh khu vực ĐH KHXH & NV.

Lúc tôi đến quán Hồng Hạnh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai theo lời hẹn, Andrea đang xì xụp húp một tô bún bò nóng hổi, chỉ kịp ngẩng mặt lên cười méo xệch: "Cay quá!" rồi lại... cắm cúi với tô bún đỏ au.

Jess thì tủm tỉm cười, tay trái lóng ngóng cầm đũa, miệng lúng búng một vốc bánh cuốn thịt nướng to đùng. Sau khi giải quyết xong đĩa bánh đầy, cô nhỏ mới chịu phát biểu: "Bánh thịt cuốn rất là ngon!".

Sang đây theo chương trình chuyển đổi sinh viên, các bạn ở khách sạn 3 tuần đầu, 3 tuần sau sẽ dọn đến ở cùng với gia đình Việt Nam, sau đó ra Hà Nội tiếp tục "hành trình văn hóa" trong 6 tuần lễ nữa trước khi về nước.

Áo thun ngắn tay, quần lửng mát mẻ, gọn gàng, hai cô Tây ba lô tung tăng khắp nơi với phương châm "học là chính, ăn là... mười!". Jess cho biết các bạn cùng đoàn cũng rất mê thức ăn Việt Nam, anh chàng Peter "noisy" trong nhóm hôm trước vừa tuyên bố một câu xanh rờn: "Bánh đất Việt Nam là ngon nhất!".

Tôi lục tung "từ điển ẩm thực" cũng khá phong phú của mình nhưng không tìm ra loại đặc sản lạ tai này, hỏi mãi mới biết hóa ra là món bánh đúc nước cốt dừa!

Nếu dân Mỹ khá dễ tính trong ăn uống thì các láng giềng Hàn Quốc, Nhật Bản lại tỏ ra khá sành ăn và kỹ lưỡng trong khoản chọn thực đơn. Sang Việt Nam đã 2 năm nhưng cậu bạn Park Tae Hyung (24 tuổi) chỉ biết mỗi một món Việt duy nhất là phở, mà phải là quán phở... Nhật trên đường Đồng Khởi có khẩu hiệu "no delicious no pay" (không ngon không phải trả tiền) mới được!

"Liên hiệp quốc" ở Sài Gòn ảnh 2
Trò chuyện bên giảng đường

Trong căn - tin trường, Tae Hyung luôn nổi bật giữa nhóm bạn với bộ cánh “tông xuyệc tông” toàn một màu nâu: tóc nhuộm nâu vàng, kính râm nâu nhạt, quần short nâu cam và một cái đồng hồ hầm hố màu nâu đồng lấp lánh đèn.

Được hỏi sau khi tốt nghiệp sẽ làm gì tiếp theo, anh chàng cười toe, vừa nói vừa vung tay giải thích: "Tui học tiếng Việt 3 năm, rồi sẽ sang Nhật học tiếng Nhật 3 năm, rồi sẽ sang Pháp học tiếng Pháp 3 năm, rồi sẽ sang Úc học tiếng Úc 3 năm nữa...".

Tôi đang chóng mặt với mớ "rồi sẽ sang" lùng bùng của Tae Hyung thì anh chàng đã lại liến thoắng: "À, không phải, tui lộn rồi, qua Úc học tiếng Mỹ chứ, đâu phải tiếng Úc!".

Thấy tôi ngớ người ra, chàng ta phì cười: "Nói đùa đó nhà báo, người ta học rành tiếng Việt đã muốn chết rồi nè!". Không phát âm rõ từng thanh sắc một nhưng lại rất chịu giỡn và biết cách "hù dọa" người khác bởi tốc độ nói như bắn liên thanh, Park Tae Hyung được mọi người vui vẻ gọi là "Pác... tám".

Young Dae, một "nam nhân" Hàn Quốc khác lại nổi tiếng cả trong giới  sinh viên Việt Nam bởi một món khoái khẩu rất Việt của chàng này: thịt chó. Đang học trong lớp, chỉ cần điện thoại báo tin nhắn ngắn gọn: "Thit cay ko?", thế là không đến 15 phút sau đã thấy chàng rung đùi trong một quán cầy tơ nào đó ở khu Tân Sơn Nhất, giữa các chiến hữu Việt Nam.

Chả là chàng "xa quê hương nhớ... thịt cầy", bởi món này cũng là một đặc sản tại xứ sở nhân sâm. Young Dae ăn mặc giản dị không khác người Việt Nam, nếu nhìn vào bàn nhậu bạn chỉ có thể nhận ra anh chàng nhờ "cái sự" không uống mà cứ  tì tì gặm thịt chó thôi!

"Việt Nam" chạy show? Tôi cũng vậy!

Chuyện đi lại của sinh viên nước ngoài cũng là một đề tài thú vị. Các cô nàng chuộng nhất là đi bộ hoặc “leo” xe bus. Mỗi buổi sáng sớm, nếu bạn nhìn thấy hai cô nàng trắng trẻo, vung vẩy đôi chân dài trên vỉa hè đường Lê Duẩn, đi được vài đoạn lại sà vào một gánh xôi ven đường hoặc một xe bắp luộc, thì rất có thể đó chính là Andrea và Jess đấy.

Hai nàng rất thích đi bộ đến trường, mỗi tội "xe cứ  đầy vỉa hè, đi khó quá!", Jess vẫn hay than thở như thế với bọn tôi. Cô nàng Kim Yong Hee (19 tuổi) thì lại chuộng xe bus.

Nhà cô bé ở quận Bình Thạnh, ngồi xe bus mất 15 phút là tới trường, nhưng hôm nào ngẫu hứng đi shopping sau giờ học là "em lại phải đi xe ôm, vì không có tuyến xe bus về nhà".

Các chàng lại rất khoái chạy xe máy đến trường. Tae Hyung là một điển hình như thế. Mỗi sáng chàng ung dung đến trường trên con @ đen cực kỳ ngầu (vì không có @ nâu đúng tone của chàng nên đành dùng tạm con màu đen). Khi tôi hỏi đến bằng lái, chàng ta cười hì hì: "Nhà báo chứ có phải cảnh sát đâu mà hỏi...".

Greg (Canada) lại sở hữu một chiếc Dream khiêm tốn, hỏi thì anh chàng chỉ bảo "xe làm ăn" (!?). Hóa ra mỗi ngày sau giờ học chàng lại chạy show qua một trung tâm ngoại ngữ ở quận 3 để đứng lớp Anh văn vỡ lòng tại đấy.

Một lần gặp Greg ở một ngã tư, chưa kịp chào đã thấy chàng phóng vút đi, nhanh không kém các tay chơi "nhà mình". Hôm sau gặp, nghe nhắc lại chuyện cũ, anh chàng cười: "Chạy show mà". Rất ngắn gọn, rất nhanh chóng và rất Việt Nam!

Cũng nhận dạy 6 buổi/tuần tại SITC nhưng Caldwell (Canada) nhất định đi "ôm xe" mỗi ngày chứ không chịu đi xe máy, bởi theo chàng, "mặt đường ở đây nhăn nheo quá, toàn là ổ gà, không dám chạy đâu".

Hôm nào không đi dạy, Caldwell lại đi bộ về nhà, ghé vào chợ mua một ít thức ăn và tự tay nấu nướng đãi mình và "cô hàng xóm rất dễ thương" của chàng.

Và tự học...

"Liên hiệp quốc" ở Sài Gòn ảnh 3
Cô sinh viên “ngoại” bên cạnh bạn “nội” nhìn y hệt người nước ngoài

Còn chuyện học, công việc chính của sinh viên thì sao? Hầu hết các sinh viên nước ngoài tại Trường ĐH KHXH&NV đều theo học khoa Tiếng Việt, và các bạn học rất chăm.

Sau giờ học buổi sáng, nếu đi ngang dãy hành lang tự học của sinh viên, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều bạn trẻ "không - phải - Việt - Nam" ngồi học bài im lặng.

Cheon Seok (Hàn Quốc) hay than thở mỗi khi gặp tôi rằng "tiếng Việt khó quá!". Anh chàng sinh viên này hiện đang làm việc tại một công ty "làm áo sơ mi" tại khu công nghiệp Tân Bình, nhưng mỗi ngày anh vẫn dành 2 tiếng để tự làm bài tập trong khu tự học.

Còn Andrea và Jess đang theo học khoa Việt Nam học tại Mỹ nên hai cô nàng rất say sưa tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực Việt Nam. Với họ, rủ nhau “chén” đủ các món từ ngoài chợ đến nhà hàng chính là đang "học" vậy.

Caldwell lại theo đuổi môn Thiền học. Chàng cử nhân khoa Đạo diễn tại một đại học danh tiếng ở Canada này thường ngồi hàng buổi trời để đắm mình trong các học thuyết của Thiền và suy ngẫm như một ông cụ non.

Bài tập tiếng Việt luôn được Caldwell làm ngay sau giờ học để "khỏi bị quên". Tôi hỏi Caldwell sinh viên Việt Nam và Canada có khác biệt gì rõ nhất, anh nghĩ một lúc rồi trả lời (bằng tiếng Anh): "Các bạn Việt Nam quan tâm đến việc học ngành gì, sau này làm việc gì, thu nhập bao nhiêu, trong khi bọn tôi thường muốn trả lời câu hỏi: Anh muốn trở thành người như thế nào? Anh muốn đến những đâu?". Một câu trả lời nhẹ nhàng mà đáng ngẫm nghĩ thật lâu.

Đang lang thang trong trường, tôi gặp một anh chàng khá đẹp trai tại cầu thang dẫn lên lớp tiếng Việt dành cho người nước ngoài. Cao khoảng 1,8m, tóc xoăn, mũi thẳng, mắt sâu và nước da màu nâu hung, chàng trai mang vẻ đẹp mạnh mẽ của dân Nam Mỹ.

Khi tôi bắt chuyện, anh lịch sự trả lời bằng giọng Mỹ rất chuẩn. Được vài câu, tôi "gạ gẫm": "Can you speak Vietnamese?". Anh cười toét miệng, gật đầu: "Tất nhiên, tôi là người Việt Nam mà!". Tôi trợn tròn mắt: "Là dân Việt Nam sao nãy giờ hổng nói?". Đến lượt chàng ta há hốc mồm: "Trời đất! Tui tưởng bạn là người Hàn Quốc chứ!".

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.