Liên đoàn bóng đá Hà Nội 'hồi sinh' sau 14 năm hữu danh, vô thực

Anh: Liên đoàn bóng đá Hà Nội được “hồi sinh”
Anh: Liên đoàn bóng đá Hà Nội được “hồi sinh”
TP - Sau 14 năm sống trong tình trạng “hữu danh, vô thực”, LĐBĐ Hà Nội (HNFF) mới đây đã được “hồi sinh” với Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức tại Hà Nội vào sáng hôm qua  (5/9). Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao Hà Nội Tô Văn Động được bầu làm Chủ tịch.

Trước đó năm 2002, LĐBĐ Hà Nội đã được thành lập với Chủ tịch là ông Nguyễn Quốc Triệu (nguyên Chủ tịch UBND Tp Hà Nội). Năm 2004, ông Nguyễn Quốc Triệu chuyển công tác, bàn giao công việc ở LĐBĐ Hà Nội cho người khác. Tuy nhiên cũng từ đó tới nay, LĐBĐ Hà Nội dù hết nhiệm kỳ cũ từ lâu nhưng 14 năm liền không tổ chức đại hội.

Năm 2018, ông Nguyễn Quốc Triệu có văn bản xin trả con dấu, giải thể LĐBĐ Hà Nội. Đơn của ông Nguyễn Quốc Triệu viết: “Tôi chuyển công tác từ năm 2004 có uỷ quyền các đồng chí lãnh đạo liên đoàn điều hành công việc. Nhưng ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Hà Nội đã không hoạt động, khi hết nhiệm kỳ không tổ chức đại hội. Do đó Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Hà Nội nhiệm kỳ 2002-2006 xin giải thể, xin trả lại con dấu”. Câu chuyện diễn ra ở HNFF đã từng là vấn đề thu hút sự quan tâm của giới bóng đá khi một trong những địa phương mạnh của cả nước lại có tình trạng “hữu danh, vô thực” hơn chục năm. Theo quy chế của Bộ Nội vụ, HNFF trên thực tế phải bị giải thể từ lâu.

Trong 14 năm qua, bóng đá Hà Nội đã được nhiều thành tựu nhưng dấu ấn của LĐBĐ Hà Nội rất mờ nhạt. Những điểm sáng của Hà Nội lại gắn nhiều với sự đầu tư từ nhà nước và các đơn vị, tổ chức tư nhân. Đơn cử như mảng bóng đá đỉnh cao gắn liền với tập đoàn T&T của ông bầu Đỗ Quang Hiển. CLB T&T Hà Nội (hiện nay là CLB Hà Nội) nhiều năm đoạt chức vô địch V-League, cúp Quốc gia và Siêu cúp Quốc gia.

Một điểm sáng của Hà Nội chính là Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ thuộc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tại Gia Lâm (Sở Văn hoá-Thể thao Hà Nội). Đây là nơi đào tạo ra lứa Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Thành Chung… Trong giai đoạn khó khăn, Trung tâm nhiều năm nhận tài trợ từ ông bầu Trần Anh Tú. Từ năm 2010-2019, bóng đá nữ Hà Nội cũng nhận được tài trợ của một số đơn vị, trong đó lớn nhất và nhiều nhất phải kể tới Công ty TNHH và Thương mại Thiết bị điện Thái Sơn Bắc của bầu Tú hàng tỷ đồng. Tài liệu đại hội HNFF hôm qua cho biết bóng đá nữ Hà Nội luôn duy trì và khẳng định là đơn vị hàng đầu trên toàn quốc thông qua hệ thống đào tạo có bài bản từ tuyến năng khiếu đến các tuyến cao hơn với 10 lần vô địch giải bóng đá nữ VĐQG.

Đại hội HNFF hôm qua có sự tham dự của cả Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL kiêm Chủ tịch LĐBĐVN (VFF) Lê Khánh Hải, Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn và nhiều quan chức trong giới bóng đá. Báo chí được mời tham dự từ đầu tới cuối phiên đại hội. Lãnh đạo VFF ắt cũng phải tấm tắc khen tổ chức thành viên của mình ở điểm này khi có thể tổ chức đại hội cởi mở, “thoáng” và mạnh dạn như vậy.

Tại đại hội hôm qua, Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao Hà Nội Tô Văn Động đã được bầu làm Chủ tịch HNFF nhiệm kỳ 2020-2025. Một vị trí quan trọng khác là TTK do ông Đỗ Văn Nhật, Trưởng bộ môn bóng đá Hà Nội đảm nhận. Ông Nguyễn Xuân Vũ, một cái tên vừa lạ vừa quen với giới thể thao, phụ trách mảng truyền thông-đối ngoại. BCH Liên đoàn gồm 13 người, 3 người có trình độ thạc sỹ, 10 người trình độ đại học. HNFF cho biết sẽ tập trung huy động nguồn lực tài trợ, đẩy mạnh phát triển bóng đá trẻ, xin cơ chế để được cấp đất xây dựng trung tâm đào tạo bóng đá trẻ.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.