Vì Thế chiến II, World Cup đã bị gián đoạn một thời gian dài. Phó Chủ tịch FIFA người Italia, Ottorino Barassi, đã giấu chiếc Cúp Jules Rimet trong hộp đựng giày giấu dưới giường suốt chiến tranh. Đến tận năm 1950, khi World Cup được tổ chức ở Brazil, nó mới được đưa ra.
Vào năm đó, Brazil rất tự tin sẽ lên ngôi vô địch. Ngày khánh thành Maracana với 200.000 chỗ ngồi, Thị trưởng Rio de Janeiro nói với các cầu thủ: "Tôi đã xây nó như đã hứa. Giờ là việc của các cậu, vô địch World Cup thôi".
Cũng phải nói thêm một chút, World Cup 1950 chơi theo thể thức khá kỳ lạ. Để tăng số trận, đồng nghĩa với việc tăng doanh thu bán vé, sau khi kết thúc vòng bảng, 4 đội đứng đầu sẽ đá vòng tròn một lượt tính điểm, đội nhiều điểm nhất sẽ vô địch.
Chủ nhà Brazil chơi rất ổn, toàn thắng 3 trận vòng bảng và vào vòng chung kết cùng Uruguay, Thụy Điển, Tây Ban Nha. Họ tiếp tục hủy diệt hai đội châu Âu với các tỷ số 7-1 và 6-1. Trận cuối gặp Uruguay, Selecao chỉ cần hòa là vô địch, nâng Cúp Jules Rimet ngay tại thánh địa Maracana.
Brazil tự tin vô địch đến nỗi các tờ báo địa phương đều in các ấn bản đặc biệt, gọi Selecao là "Nhà vô địch thế giới". Hàng triệu chiếc áo in dòng chữ “Brazil vô địch” xuất xưởng mà vẫn cháy hàng. Trước khi ra sân, mỗi cầu thủ Brazil đều nhận được chiếc đồng hồ bằng vàng nguyên khối. Ngoài ra, bộ huy chương vàng với tên từng cầu thủ cũng được khắc sẵn, chỉ chờ được trao.
Ngày 16/7 định mệnh, 200.000 người nêm chặt Maracana. Trên đường pitch, một ban nhạc samba chơi bài hát mới có tên “Brazil là những người chiến thắng”. Điều này càng củng cố niềm tin của các cầu thủ. Sau cơn mưa pháo giấy, Brazil lập tức áp đặt thế trận và tạo nên rất nhiều cơ hội. Họ ghi bàn mở tỷ số phút 47, và các khán giả tại Maracana nhìn nhau cười nói: “Đấy, tôi đã bảo mà”.
Không ai có thể tưởng tượng ra, sự tự tin thái quá của người Brazil lại thổi bùng ý chí chiến đấu của các cầu thủ Uruguay. Họ bắt đầu quật khởi và có được bàn gỡ hòa phút 66. Tuy nhiên mọi chuyện vẫn đang đi đúng hướng với Brazil. Kết quả hòa đủ để họ đăng quang, trong khi Uruguay buộc phải thắng.
Phút 79, Alcides Ghiggia của Uruguay lao xuống bên cánh trái rồi tung cú sút vào góc gần. Thủ môn Barbosa phản xạ chậm, vì tưởng rằng đối thủ sẽ tạt. Bóng lướt qua tay anh rồi đi vào lưới trong sự bàng hoàng của hàng triệu người dân xứ sở samba. Tại Maracana là bầu không khí chết chóc. Tất cả im lặng một cách đáng sợ. “Giống như thể đang ở đám tang”, một người hâm mộ nhớ lại.
Điều này làm thui chột tính chiến đấu của các cầu thủ Selecao. Những bước chân nặng nề chỉ chờ tiếng còi của trọng tài để đổ sụp xuống. Và họ khóc. 200.000 khán giả khóc. Cả đất nước cũng khóc theo.
Brazil khao khát chức vô địch bởi bóng đá trở thành biểu tượng quan trọng nhất khi xác lập bản sắc dân tộc. Chiếc Cúp cũng giúp đoàn kết một đất nước nhiều mâu thuẫn trong lịch sử chủng tộc, đồng thời thể hiện cho cả thế giới thấy sự phát triển, hùng cường quốc gia. Vậy mà bây giờ, bỗng chốc mọi thứ tan thành mây khói, ngay tại Maracana.
“Nhiều đất nước có những thảm họa kinh hoàng không thể khắc phục được, giống như Hiroshima ở Nhật”, Nelson Rodrigues, tiểu thuyết gia người Brazil, nói, “Thảm họa của Brazil, Hiroshima của Brazil chính là thất bại trước Uruguay năm 1950”.
Sau thất bại, mọi quán bar, nhà hàng ở Rio de Janeiro, thành phố vốn nổi tiếng với bầu không khí lễ hội, đều đóng cửa vì không ai có tâm trạng ra ngoài. Tất cả ngồi nhà và gặm nhấm nỗi đau. Vào hôm ấy, huyền thoại bóng đá Brazil Pele mới 10 tuổi và nghe tường thuật qua radio. Sau này ông kể, đó là lần đầu tiên nhìn thấy bố khóc.
Người Brazil cũng đổ lỗi cho thủ môn Barbosa vì bàn thua. Cả đất nước quay sang chửi bới, nguyền rủa, thậm chí những kẻ quá khích tấn công ông khi đi trên phố. Theo Barbosa, có lần ra chợ, ông chết đứng khi nghe một bà mẹ nói với đứa con trai: “Con nhìn đi, nhớ kỹ mặt tên khốn khiến cả đất nước phải khóc”.
“Thảm họa Maracanazo” sẽ còn ám ảnh người Brazil trong nhiều thập kỷ. Ngay cả khi họ trở thành đội bóng thành công nhất lịch sử World Cup với 5 lần đăng quang, nỗi đau trong buổi tối ở Maracana vẫn còn dai dẳng để khi vô tình nhắc lại, những dòng lệ lại rơi.
WORLD CUP 1950
Chủ nhà: Brazil
Số đội tham dự: 13
Vô địch: Uruguay
Á quân: Brazil
Vua phá lưới: Ademir (Brazil) - 9 bàn