Lịch sử bộ quốc phục Hàn Quốc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cho dù không được sử dụng nhiều như trước, bộ váy hanbok vẫn mang ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bản sắc văn hóa Hàn Quốc. Nhìn lại lịch sử của bộ trang phục này có thể rất thú vị trong bối cảnh Việt Nam có nhiều cuộc tranh cãi về quốc phục.

Với những đường nét thon, dài và dáng rộng mở ra thành hình bóng bồng bềnh, bộ hanbok truyền thống của Hàn Quốc được tạo ra để vừa dễ chuyển động mà vẫn giữ nguyên vẻ đẹp của nó. Chiếc áo khoác dài tay gợi cảm giác lễ nghi với đường viền cổ hình chữ V trang nghiêm và dây áo có gân được buộc thành một chiếc nơ vòng từ bên trái sang bên phải của người mặc. Hoàn thiện bộ trang phục là chiếc váy quấn dài đến sàn, cạp cao và bó sát vào ngực, hoặc một bộ quần tây, buông thõng với dây buộc ở mắt cá chân để ống quần phồng lên như những chiếc dù.

Lịch sử bộ quốc phục Hàn Quốc ảnh 1

Trang phục đã trở nên phổ biến trong các sự kiện trang trọng

Từ “hanbok” có nghĩa là “quần áo Hàn Quốc” và trước khi các phong cách phương Tây du nhập vào Hàn Quốc, nó chỉ đơn thuần là trang phục hàng ngày. Trong lịch sử hơn 2.000 năm, hanbok đã trải qua nhiều thay đổi: đường viền áo khoác và váy đã ngắn lại rồi lại dài ra; tay áo đã được nới rộng, hoặc thu hẹp lại theo từng giai đoạn. Ngày nay, các nhà thiết kế đương đại vẫn lấy cảm hứng lớn từ trang phục cổ, nhưng phiên bản truyền thống nhất vẫn lấy cảm hứng lớn từ thời đại Joseon, một triều đại kéo dài từ cuối thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 20.

“Hanbok” là thuật ngữ chung”, bà Kyunghee Pyun, nhà sử học về trang phục và là giáo sư tại Học viện Công nghệ Thời trang cho biết: “Nó tượng trưng cho một loại quần áo chứ không phải từng trang phục riêng lẻ”. Bà lưu ý, trong suốt lịch sử, hanbok chủ yếu được làm bởi phụ nữ và phần lớn ngành công nghiệp hanbok ngày nay đang phát triển mạnh mẽ là nhờ họ.

Họ cũng chính là người đã giữ cho truyền thống của nó tiếp tục tồn tại. Vì trang phục phương Tây hiện là trang phục hàng ngày của người Hàn Quốc, nên Cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc đã công bố rằng việc mặc hanbok sẽ sớm trở thành một “di sản văn hóa phi vật thể”.

Trong văn hóa Hàn Quốc, hanbok đã trở nên phổ biến trong các bức ảnh gia đình và các buổi họp mặt, được mặc trong các dịp lễ truyền thống như Seollal (năm mới âm lịch) và Chuseok (thu hoạch mùa thu); kỷ niệm các sự kiện trong đời như đám cưới, sinh nhật (đầu tiên và lần thứ 60) và đám tang. “Tôi hiểu rằng hanbok là một trang phục có tính nghi lễ. Mẹ tôi đã có truyền thống lấy bộ hanbok ra vào ngày Tết và dạy chúng tôi cách mặc nó. Hanbok là mối liên hệ hữu hình của tôi với quê hương”, bà Jillian Choi, một nhà tư vấn thiết kế và nghệ thuật có gia đình nhập cư từ Hàn Quốc đến New Jersey (Mỹ) vào những năm 1970 cho biết.

Những bộ hanbok bán cổ điển được mặc ngày nay được làm từ lụa mịn và vải gai với nhiều màu sắc, phần lớn bắt nguồn từ phong cách mặc của hoàng gia và tầng lớp thượng lưu vào cuối thời đại Joseon. Trong thời kỳ đó, rất nhiều hoa văn, chất liệu, màu sắc và phụ kiện công phu đã được sử dụng để thể hiện giới tính, tình trạng hôn nhân, giai cấp và thứ hạng trong xã hội.

Bà Minjee Kim, một nhà sử học về hanbok cho biết: “Ngày nay, hanbok bằng lụa rất phổ biến, nhưng vào cuối thời đại Joseon, chỉ có hoàng gia và quý tộc mới có thể mặc đồ lụa”. Trong khi đó, những người dân thường Hàn Quốc đã tự sản xuất quần áo tại nhà vào thời tiền công nghiệp, sử dụng thuốc nhuộm tự nhiên và các vật liệu sẵn có như sợi gai dầu, vải lanh và bông. Đặc biệt, hanbok trắng đã là biểu tượng cho người dân Hàn Quốc xuyên suốt lịch sử, tượng trưng cho sự thuần khiết cũng như tinh thần đoàn kết và kháng chiến trong thời kỳ xung đột chính trị.

Khi Hàn Quốc mở cửa thương mại quốc tế vào cuối thế kỷ 19, một làn sóng phong cách phương Tây đã tràn vào. Sau khi Nhật Bản xâm chiếm đất nước vào năm 1910, người Hàn Quốc phải trải qua một chiến dịch xóa sổ văn hóa và khai thác tài nguyên, khiến di sản của họ trong mọi khía cạnh cuộc sống bị đàn áp nặng nề, từ quyền sở hữu đất đai, ngôn ngữ đến thực phẩm và quần áo.

Bà Soo Hugh là nhà biên kịch của bộ phim Pachinko. Được chuyển thể từ tiểu thuyết của Min Jin Lee, câu chuyện kể về hành trình một gia đình nhập cư trên khắp Hàn Quốc, Nhật Bản và New York, một chương đau thương trong lịch sử hiện đại Hàn Quốc với những năm chiếm đóng, chiến tranh và chia cắt.

Trong nửa đầu của mùa phim, nhân vật chính Sunja, một cô gái Hàn Quốc sinh ra trong thời kỳ Nhật chiếm đóng, mặc hanbok làm từ bông nghiền và vải dạ khi cô nấu ăn, làm việc vặt và chăm sóc nhà trọ của mẹ cô. Nhàu nhĩ và bẩn thỉu, đây không phải là trang phục dành cho những dịp đặc biệt.

Trong cuốn tiểu thuyết, nhà văn Lee viết về vai trò của quần áo phương Tây trong quá trình chuyển hóa phức tạp của thời đại này và “sự lãnh đạm dành cho người Hàn Quốc rõ ràng đến thế nào”. Khi Sunja đến ngôi nhà mới của mình ở Osaka, Nhật Bản, nơi mọi người đều biết cô không thuộc về nơi này, cô đã cởi bỏ váy hanbok và mặc áo len để hòa nhập. Vài tuần sau, cô quỳ gục trong đau đớn khi nhận ra người chị dâu đã giặt bộ hanbok của cô, xóa đi những mùi hương còn sót lại của mùi nước biển mặn nơi quê hương cô.

“Tôi muốn ghi lại sự tương phản khi hanbok của Sunja chuyển sang một phong cách hoàn toàn khác”, bà Kyunghwa Chae, nhà thiết kế trang phục cho bộ phim nói. “Bạn nhận thấy hanbok của cô ấy dần dần thay đổi, từng mảnh một, cho đến khi cô ấy chỉ mặc trang phục kiểu Nhật Bản hoặc phương Tây, như một nỗ lực để hòa nhập vào một đất nước không muốn sự hiện diện của cô, thế nhưng cô vẫn quyết tâm tồn tại”.

Với sự gia tăng của nạn bạo lực hướng tới người châu Á trong đại dịch, một số người Mỹ gốc Hàn cũng đã coi hanbok như một biểu tượng của niềm tự hào văn hóa khi đối mặt với sự phân biệt đối xử. Tại một triển lãm gần đây tại phòng trưng bày Đương đại Hashimoto ở Los Angeles, nghệ sĩ Seonna Hong đã trưng bày hai bộ hanbok thủ công - “một tác phẩm ca ngợi di sản của tôi”, bà cho biết. Được làm từ quần áo tái chế, rèm cửa, vải canvas, vải denim và mẫu may Butterick cổ điển, “nó phản ánh con người tôi, một con người được chắp vá từ các nền văn hóa khác nhau và trải nghiệm của nhiều thế hệ”.

Bà Hong nói thêm, điều khiến bà ấn tượng khi xem bộ phim Pachinko là “quá khứ đó gần hiện tại đến mức nào, và có bao nhiêu thay đổi đã xảy ra chỉ trong một khoảng thời gian ngắn: về mặt công nghệ, văn hóa, chính trị”. Bà thấy đó cũng là một lời nhắc nhở về những gì mà bà của bà đã mặc khi còn trẻ, chỉ hai thế hệ trước.

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
TPO - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý 1, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1,03 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có hơn 275.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.