Với môn Toán, học sinh tiểu học không học thuộc lòng các con số và phép tính. Các em nhỏ được chỉ cách vẽ các đường thẳng ngang dọc rồi đếm các điểm giao. Với cách tính trực quan này, em nhỏ 5-6 tuổi cũng có thể tính được phép nhân 2-3 chữ số trong vòng vài chục giây (xem video clip dưới đây).
Một giờ học Toán
Trong một tiết học về giải phương trình với nhiều phân số dành cho học sinh lớp 5, sau khi cả lớp chào giáo viên, thầy giáo (hoặc cô giáo) hỏi học sinh có giải được bài toán ở trên bảng không. Học sinh đầu tiên giải toán xong giơ tay, thầy giáo bước tới, liếc qua bài làm và khoanh tròn để biểu thị là giải đúng. Học sinh đứng dậy, rời khỏi chỗ ngồi. Một học sinh nữa giơ tay và lần này học sinh đầu tiên đóng vai trò thầy giáo – chữa bài giải toán.
Toán học cũng được coi là một loại ngôn ngữ, vì vậy nhiều người Nhật coi việc học Toán cũng như học tiếng Anh, tiếng Nhật, các môn xã hội. Người Nhật nói rằng, nếu bạn dạy người khác điều bạn được học, bạn sẽ nhớ được khoảng 90% bài học.
Một học sinh tiểu học đóng vai trò cô giáo giảng bài cho các bạn. Ảnh: Novakdjokovic Foundation
Học chữ hiệu quả
Trẻ em khắp nơi trên thế giới thường học khoảng 26-33 chữ cái (trừ một số loại chữ tượng hình ở châu Á). Trẻ em Nhật Bản chắc chắn phải biết nhiều hơn 26 chữ cái để có thể biết đọc, biết viết. Thật là khó đối với trẻ nhỏ khi phải học tất cả các từ thông dụng và sử dụng chúng trong văn nói và văn viết. Tuy nhiên, nhờ cách giảng dạy hiệu quả, đến khi rời trường tiểu học, trẻ em Nhật đã biết được 1.006 từ thông dụng (kanji). Đến tuổi 15, khi kết thúc giai đoạn giáo dục bắt buộc, các em biết thêm 1.130 từ.
Ngoài kanji, tiếng Nhật còn có 2 bộ ngữ âm là hiragana và katakana. Mỗi bộ có 46 ký tự đóng vai trò là có âm tiết (thường gồm 1 phụ âm và 1 nguyên âm, ví dụ “ka”). Kết hợp với các dấu chấm dùng để thể hiện sự thay đổi về âm gốc, những ký tự này đủ để diễn đạt tất cả các âm trong tiếng Nhật hiện đại. Hiragana được dùng với kanji để viết các chữ Nhật thông dụng. Katakana được dùng để viết các chữ thuộc ngôn ngữ khác, tên địa danh, tên người nước ngoài, âm thanh và tiếng kêu của động vật.
Trẻ em Nhật Bản làm các thí nghiệm đơn giản.
Ngày học 6 tiếng
Hệ thống trường học Nhật Bản bao gồm 6 năm tiểu học, 3 năm phổ thông cơ sở, 3 năm phổ thông trung học và 4 năm đại học. Giai đoạn giáo dục bắt buộc (gimukyoiku) là 9 năm, gồm 6 năm tiểu học (shougakkou) và 3 năm phổ thông cơ sở (chuugakkou). Tất cả trẻ em trong độ tuổi học sinh tiểu học và phổ thông cơ sở đều đến trường. Ở cấp phổ thông trung học (koukou), tỷ lệ này là hơn 96% trên phạm vi toàn quốc và gần 100% ở các thành phố.
Hầu hết trường học áp dụng chương trình 3 kỳ với thời điểm bắt đầu năm học mới là tháng Tư. Trừ một số năm học đầu tiên ở cấp tiểu học, một ngày học của học sinh (ngày thường) kéo dài 6 giờ - một trong những ngày học dài nhất thế giới. Sau giờ học, học sinh phải thực hành và làm bài tập về nhà. Kỳ nghỉ kéo dài 6 tuần vào mùa hè và 2 tuần trong mùa đông và mùa xuân. Trong các kỳ nghỉ này, học sinh thường cũng phải làm bài tập về nhà.
Ở cấp tiểu học, trong hầu hết trường hợp, một giáo viên dạy tất cả các môn trong lớp. Sĩ số lớp thường là dưới 40 học sinh. Ngày xưa, sĩ số đông hơn nhiều, thường là hơn 50 em. Các môn học bao gồm tiếng Nhật, Toán, Khoa học, Khoa học xã hội, Âm nhạc, Thủ công, Thể dục và Nữ công gia chánh (học nấu ăn cơ bản, kỹ năng khâu vá). Số trường tiểu học bắt đầu dạy tiếng Anh đang tăng lên. Nhiều trường còn dạy cả môn công nghệ thông tin. Học sinh cũng học các bộ môn nghệ thuật truyền thống Nhật Bản như thư pháp (shodo), thơ haiku…
Trẻ nhỏ Nhật Bản vừa học vừa chơi cùng phụ huynh.
Những con số thú vị
-Hầu hết trường phổ thông cơ sở yêu cầu học sinh mặc đồng phục (seifuku).
-Ở các trường công cấp tiểu học và phổ thông cơ sở, bữa trưa tại trường học (kyuushoku) được cung cấp theo thực đơn tiêu chuẩn và học sinh ăn tại lớp học. Học sinh và giáo viên cùng ăn trưa cũng góp phần thắt chặt tình thầy trò.
-Hiếm khi học sinh trốn tiết, bỏ giờ, đi học muộn.
-Phần lớn học sinh hòa nhập, cảm thấy vui vẻ khi ở trường, chịu khó nghe giảng.
-Khi đến giờ học, học sinh nhanh chóng ổn định chỗ ngồi, trật tự, giáo viên không phải chờ đợi lâu để giảng bài.
-Trung bình mỗi tuần học sinh Nhật dành 235 phút cho các tiết học Toán (tỷ lệ trung bình ở các nước khác là 218), nhưng dành ít hơn cho các tiết học về ngôn ngữ và khoa học - 205 và 165 phút/tuần (so với tỷ lệ 215 và 200 phút ở các nước khác).
-Ngoài giờ học, nhiều học sinh Nhật dự các khóa học, lớp học không bắt buộc để biết thêm những thứ ngoài chương trình học.
-Người Nhật coi trọng giáo dục mầm non; có tới 99% trẻ em đi học trường mầm non với các hình thức khác nhau.
-Rất ít học sinh Nhật lưu ban ở cấp học phổ thông.