LHS tại Úc bị thiệt khoảng 100 AUD/tháng?!

LHS tại Úc bị thiệt khoảng 100 AUD/tháng?!
TPO - Trong thư gửi về cho Tiền phong, bạn Lê Kim Thanh, lưu học sinh Việt Nam đang học tại Úc theo đề án 322 cho rằng, lưu học sinh Việt Nam tại nước này bị thiệt khoảng 100 AUD/tháng do không được cấp tiền theo đồng đô la Úc (AUD).
LHS tại Úc bị thiệt khoảng 100 AUD/tháng?! ảnh 1
Theo thông báo nâng mức học phí của lưu học sinh Việt Nam theo đề án 322 đăng trên trang web của chương trình học bổng Việt Nam, LHS tại Úc được trả 900 AUD/người/tháng. 

>> Xem đầy đủ ý kiến của lưu học sinh tại đây

Dưới đây là ý kiến của bạn Lê Kim Thanh về vấn đề này:

Tôi cũng là một lưu học sinh (LHS) theo đề án 322, hiện đang sống tại Sydney, Úc. Tôi xin góp một vài ý kiến về mức sinh họat phí của LHS theo đề án 322.

Trước hết, tôi hoàn toàn đồng ý với các ý kiến cho rằng Đề án 322 là một cơ hội cho nhiều cán bộ khoa học được du học ở những nước tiên tiến.

Được du học theo đề án này, bản thân tôi cũng nhận thức ngay từ đầu rằng, những đồng tiền cấp cho mình là của đất nước còn nhiều khó khăn. Nhiều người dân hiện vẫn còn đang phải kiếm miếng ăn hàng ngày mà chưa biết chắc ngày mai có đủ ăn không.

Do vậy, bản thân tôi không phàn nàn về mức sinh hoạt phí thấp. Tôi cũng đã xác định từ đầu, mình phải tự xoay sở để sống được ở nước ngoài với đồng tiền được cấp từ Việt Nam mà vẫn phải học tốt.

Tuy nhiên, điều mà rất nhiều bạn đã nói đến đó là sự quy đổi qua trung gian đồng đô la Mỹ. Theo tôi, đây chính là điều gây bức xúc nhiều nhất. Vấn đề này cần được mổ xẻ để giải quyết đến nơi đến chốn.

Những câu hỏi tôi nêu ra sau đây hoàn toàn không mới, mà chỉ từ suy nghĩ cá nhân và qua góp nhặt ý kiến của các bạn từng nêu. Đó là:

1. Tại sao sinh hoạt phí lại phải quy đổi qua đồng đô la Mỹ, trong khi học phí và bảo hiểm y tế vẫn phải chi trả bằng đồng tiền bản địa. Như vậy khâu trung gian này xem chừng không có ý nghĩa gì trong việc đơn giản hoá thủ tục hành chính. Vậy ai là người được hưởng lợi từ thủ tục rườm rà này?

2. Nếu bạn đã từng vào xem tin tức ở diễn đàn (forum) của Bộ GD&ĐT (MOET), hẳn bạn sẽ thấy văn bản chính thức về mức sinh hoạt phí của LHS tại các nước (văn bản này được đăng tải trên trang web của chương trình học bổng Việt Nam của Bộ GD&ĐT - PV).

Trong văn bản đó, con số chính thức dành cho LHS tại Úc là là 900 AUD/tháng/người, 620 USD chỉ là con số tương đương quy đổi!!! Nhưng thực tế thì sao? Con số 620 USD lại là con số chính thức được dùng để cấp phát sinh hoạt phí cho LHS (tính ra mỗi tháng chỉ được khoảng 820 - 840 AUD/tháng/người)!!!

Cứ thử tính, một LHS bị thiệt khoảng 100 AUD/tháng, như vậy một năm, một người sẽ thiệt 1200 AUD. Hiện tại có bao nhiêu LHS theo đề án này đang học tại Úc? con số thiệt hại sẽ lên đến bao nhiêu? Vậy tại sao lại có sự nhập nhằng này? Ai là người hưởng lợi từ sự nhập nhằng đó?

Bản thân tôi tự thấy mình bị lợi dụng danh nghĩa, rằng đang được cưu mang giúp đỡ từ những người Việt Nam nghèo khó, phải thắt lưng buộc bụng. Nhưng ở đâu đó và ai đó đang cắt xén bớt cái khoản khiêm tốn được cấp cho tôi một cách chính thức và công khai.

Nhân tiện đây tôi cũng xin có vài ý kiến về việc sinh sống và học tập tại Úc, đặc biệt là Sydney. Tôi đã từng ở xa trường 30 km, mỗi ngày mất 3 giờ đồng hồ đi về. Bây giờ tôi ở cách trường 5 phút đi bộ. Tôi cũng đã từng làm công việc lao động chân tay trong năm đầu tiên khi đến Úc và chắc cũng sẽ phải tranh thủ làm thêm khi việc học tạm giãn ra một chút.

Với kinh nghiệm bản thân, tôi xác nhận những điều sau đây:

Với khoảng 800 AUD một tháng, tôi có được một căn phòng riêng để ở và học, không đói. Nhưng khi thuê phòng, tôi phải đóng tiền cọc 4 tuần và trả trước 2 tuần.

Tôi ở gần trường, nên có thể dùng Internet ở trường miễn phí. Nhưng thời gian dùng máy tính là giới hạn vì nhiều sinh viên khác cũng cần dùng. Vả lại việc học tại những quốc gia tiên tiến này cần sự hỗ trợ của máy tính rất nhiều. Vậy việc có riêng một máy tính là điều nhất thiết phải có nếu muốn chủ động trong việc học và tìm kiếm thông tin.

Khi bị đau ốm phải đi khám bệnh, thường thì phải trả tiền trước rồi sau đó mới đến bảo hiểm y tế để khai lấy tiền lại. Có những dịch vụ mà số tiền trả lại chỉ là một phần, bệnh nhân phải trả khoản chênh lệch.

Với những khoản chi kể trên, ngoài việc ăn và ở hàng ngày, sinh hoạt phí hoàn toàn không đáp ứng được những nhu cầu bức thiết này.

Để kết thúc bài viết này, tôi mong muốn và đề nghị sinh hoạt phí của tôi phải là 900 AUD/tháng, đúng như trong văn bản chính thức đã trình lên Thủ tướng và được đưa tin trên báo đài, những phương tiện thông tin đại chúng.

Lê Kim Thanh
Từ Sydney, Úc

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.