Lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump tiếp tục bị bác

Một người biểu tình ở Mỹ hôm qua giơ tấm biển ghi “Không lệnh cấm (nhập cảnh), Không tường (dọc biên giới Mỹ-Mexico), Không Trump”. Ảnh: ABC News
Một người biểu tình ở Mỹ hôm qua giơ tấm biển ghi “Không lệnh cấm (nhập cảnh), Không tường (dọc biên giới Mỹ-Mexico), Không Trump”. Ảnh: ABC News
TP - Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ hôm qua bác đơn kháng cáo của Bộ Tư pháp về việc lập tức khôi phục lệnh cấm nhập cảnh mà Tổng thống Donald Trump áp dụng với công dân đến từ 7 nước Hồi giáo. Vụ việc làm căng thẳng hơn cuộc tranh cãi pháp lý liên quan quyền của tổng thống trong việc thắt chặt kiểm soát biên giới quốc gia dưới danh nghĩa bảo vệ người dân khỏi chủ nghĩa khủng bố.

Theo quyết định của Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ khu vực số 9 tại San Francisco, người tị nạn và những người đến từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen tiếp tục được vào Mỹ, sau khi bị cấm theo sắc lệnh mà Tổng thống Trump ký hôm 27/1, AP đưa tin.

Sau khi một tòa án liên bang ở Seattle chặn lệnh cấm của ông Trump trên phạm vi cả nước từ thứ Sáu tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ kháng cáo vì cho rằng tổng thống có quyền áp đặt lệnh cấm. Ông Trump chỉ trích quyết định của thẩm phán James Robart ở tòa án Seattle là “nực cười”, nhưng bản thân tổng thống bị chỉ trích là không tôn trọng quyền giám sát của nhánh tư pháp. Là thẩm phán được bổ nhiệm dưới thời Tổng thống George W. Bush, thẩm phán Robart tuyên bố, “không có sự ủng hộ nào” đối với lập luận của chính phủ rằng “chúng ta phải bảo vệ Mỹ khỏi những cá nhân” đến từ các nước đó. Phán quyết của ông Robart cũng ngăn chặn chính phủ đặt ra những hạn chế trong việc chấp nhận người tị nạn.

Bộ Tư pháp Mỹ sau đó kháng cáo lên tòa phúc thẩm liên bang khu vực số 9 nhưng thất bại. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Bảy thông báo, người tị nạn, trong đó có cả người Syria, có thể đến Mỹ từ hôm nay. Phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Leonard Doyle cho biết, khoảng 2.000 người tị nạn đã sẵn sàng lên đường. Các hãng hàng không dẫn lời hải quan Mỹ thông báo với hành khách đến từ 7 nước bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh rằng, visa của họ đã có hiệu lực trở lại, ABC News đưa tin.

Các sân bay vẫn chưa xuất hiện đám đông vội vàng đến Mỹ để tranh thủ cơ hội, nhưng cũng đã có một số người đến được Mỹ sau khi lệnh cấm bị chặn. Anh Nael Zaino (32 tuổi, người Syria) hơn một tuần nay tìm cách vào Mỹ để đoàn tụ với vợ và cậu con trai chào đời ở Mỹ. Anh được phép lên chuyến bay từ Istanbul quá cảnh ở Frankfurt rồi hạ cánh xuống Boston rạng sáng thứ Bảy. Anh Zaino là một trong những người đầu tiên vào được Mỹ sau khi lệnh cấm của ông Trump có hiệu lực.

Những người Iran, trong đó có nhiều sinh viên đang trên đường đến các trường đại học Mỹ, cũng đang hối hả đặt vé máy bay. Anh Pedram Paragomi, sinh viên ngành y ĐH Pittsburgh (33 tuổi, người Iran) là một trong những người đầu tiên chịu ảnh hưởng của lệnh cấm. Nhưng anh đã bay đến Frankfurt cuối tuần qua để đáp chuyến bay đến Boston. “Tôi rất lo lắng. Luật sẽ tiếp tục thay đổi nhưng tôi nghĩ lần này tôi sẽ vào được Mỹ”, báo New York Times dẫn lời anh Paragomi.

Người biểu tình kiên trì

Nhiều người Mỹ vẫn kiên trì biểu tình ở bất kỳ nơi nào ông Trump đến. Cuộc biểu tình tối thứ Bảy vừa qua bắt đầu tại Trump Plaza - tòa nhà cao tầng mà ông Trump không thực sự sở hữu kể từ năm 1991 nhưng vẫn mang tên ông. Từ đây, đoàn người tuần hành về phía nam, đi dọc theo tuyến đường thủy ngăn cách bãi biển West Palm với đảo Palm Beach. Trên hành trình này, một số người ủng hộ ông Trump vẫy cờ Mỹ, nhưng không lấn át được khoảng 1.200 người biểu tình vừa khua trống vừa hát vừa hô. Họ dừng lại lúc 7h tối khi đến cây cầu nối với khu Mar-a-Lago. Đoàn người mang theo biểu ngữ phát sáng để có thể đọc rõ trong đêm tối. Nếu ông Trump thấy những tấm biển trước tòa nhà được mệnh danh là “Nhà Trắng mùa đông” này, ông sẽ biết những người ghét mình đang theo ông về tận nhà. “Ông ấy thích nghĩ rằng ai cũng yêu ông ấy. Chúng tôi đang thể hiện rằng chúng tôi không thích”, bà Lisa Wright, 53 tuổi, chuyên gia tư vấn công nghệ ở bang Florida, nói.

Sau khi nỗ lực thể hiện sự phản đối ở Washington, những người biểu tình giờ tìm cách gây khó chịu cho cuộc sống của Tổng thống Trump, trong đó có cách bám theo ông ngay cả khi ông đi nghỉ. Ông Trump vừa phải hoãn chuyến thăm đến xưởng của hãng xe Harley-Davidson ở thành phố Milwaukee, nơi một vài nhóm địa phương dự định biểu tình để phản đối tổng thống. Nhà Trắng nói rằng, người biểu tình không phải lý do khiến chuyến thăm bị hoãn.

Quanh đế chế kinh doanh mà ông Trump vẫn sở hữu, những người chỉ trích ông coi mỗi địa điểm đều là đại diện của tổng thống. Một phong trào tẩy chay sản phẩm thời trang, trang sức của con gái tổng thống, cô Ivanka Trump, đang diễn ra.

Anh Michael Skolnik, một nhà làm phim và cũng là một người tổ chức tuần hành nổi tiếng ở New York, ủng hộ kiểu biểu tình khiến Tổng thống Trump khó chịu. Skolnik nói rằng, anh hy vọng, bằng cách nào đó, việc biểu tình kiểu này có thể trở thành một chiến lược chính trị dài hạn hiệu quả. “Sẽ thế nào nếu ông Trump không thể ra khỏi giường suốt 4 ngày? Điều đó có thể xảy ra lắm chứ”, Skolnik nói.

Tổng thống Trump luôn gạt bỏ những cuộc biểu tình này, nói rằng ông không cần người biểu tình thích mình và rằng cơn giận dữ của họ có thể giúp ông bằng cách khiến những người khác gần ông hơn. Tổng thống từng gọi phong trào biểu tình của phụ nữ là sự bùng nổ của những chùm nho chua.

Hôm qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, Mátxcơva đang theo sát các động thái liên quan đến Nga của Tổng thống  Theo ông Lavrov, Nga đã sẵn sàng khôi phục quan hệ với Mỹ, vốn bị xấu đi do các động thái của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.