Lên với Nậm Hăn

Lên với Nậm Hăn
TP - “Không phải ai cũng đủ dũng cảm lựa chọn một vùng đất xa xôi, nghèo khó để cống hiến. 5 năm trước, tôi bất ngờ bởi quyết định xin tình nguyện cắm bản của Cường. Còn bây giờ, tôi tin vào bản lĩnh cán bộ Đoàn trẻ dám dấn thân và chấp nhận thử thách”

Bí thư Tỉnh Đoàn Lai Châu Mùa A Trừ nói về Lê Hữu Cường, người sau thời gian tình nguyện cắm bản về công tác tại Ban Thanh niên Nông thôn Tỉnh Đoàn Điện Biên.

Lên với Nậm Hăn ảnh 1
Bà con coi Cường như người thân

“Con phải đi”

Lê Hữu Cường sinh năm 1980 tại Phúc Thọ, Hà Nội, tốt nghiệp Trung cấp Nông nghiệp, khoa Chăn nuôi thú y, năm 2004. Trong khi bạn bè tất bật kiếm việc làm ở thủ đô, Cường lại viết đơn tình nguyện về vùng sâu, vùng xa.

Lên với Nậm Hăn ảnh 2 Cán bộ Cường không sinh ra ở đây, nhưng là con của núi rừng, của dân bản này. Về với Nậm Hăn, nó phải chịu hy sinh nhiều Lên với Nậm Hăn ảnh 3 - Già làng Lò Văn Kẻo 

“Thời sinh viên không năm nào bỏ tình nguyện. Ra trường, tình cờ đọc báo Tiền Phong, thấy thông tin về chương trình Trí thức trẻ tình nguyện, mình đánh liều xin tham gia” - Cường nhớ lại.

Ngày đó, phong trào tình nguyện còn mới mẻ với sinh viên các trường phía Bắc. Cường viết đơn, đạp xe mấy chục cây số từ xã, lên huyện, lên tỉnh Hà Tây cũ rồi tìm đến Trung ương Đoàn… ròng rã cả tháng.

Nguyện vọng của Cường được chấp nhận. Anh khăn gói lên Lai Châu cùng đội thanh niên tình nguyện đồng hương trong chiến dịch Mùa hè xanh tại xã Dào San, huyện Phong Thổ.

Mười hai ngày nếm mật nằm gai cùng ăn, cùng làm với bà con, những nỗ lực của Cường được Tỉnh Đoàn Lai Châu ghi nhận. Trở về Hà Nội, anh rất nhớ hình ảnh bà con dân tộc thiếu thốn trăm bề, đặc biệt là trẻ em.

Một lần nữa, Cường viết đơn tình nguyện gắn bó với Lai Châu. Gia đình, bạn bè phản đối. Anh nói với mẹ: “Con phải đi mẹ ạ”.

Cường cùng hai đoàn viên khác xung phong cắm bản tại bản Pá Hăn, xã Nậm Hăn (một trong những nơi khó khăn nhất của huyện Sìn Hồ, Lai Châu).

Chàng trai nhỏ thó, nặng chưa đầy 40 kg, hằng ngày băng rừng lội suối, xắn tay làm cùng dân. Cường tranh thủ thời gian học tiếng dân tộc, luyện thành thạo tiếng Thái, tiếng Dao, tiếng Khơ - mú.

Bản Nậm Hăn vẫn nhắc chuyện chị Lò Thị Yến trở dạ giữa đêm khuya, mất máu nhiều. Cường phụ trách ca đẻ. Mẹ tròn con vuông, ai cũng mừng.

Đã tin thì hết lòng

Bản có cụ Lò Thị Pinh, tuổi ngoài 80, một mình nuôi ba con điên loạn. Cường ngày ngày qua lại đỡ đần. Cụ nhận Cường làm con nuôi.

Dân Nậm Hăn thấy cái bụng cán bộ tốt, cái tâm sáng, họ xem Cường như anh em trong nhà. Buổi họp, buổi học kỹ thuật nào, bà con cũng kéo tới đông, chăm chú nghe, cán bộ phổ biến.

Vợ chồng chị Hoàn Thị Sĩ, anh Lầu Văn Chiến khoe: “Có anh Cường hướng dẫn, chúng tôi mới biết chuyển chuồng trại nuôi lợn, nuôi trâu ra xa nhà. Sạch sẽ thông thoáng hẳn. Làm rẫy, làm nương được nhiều ngô, nhiều lúa hơn”.

Cường nhớ mãi lần tới thăm gia đình chị Lù Thị Bánh. Cả nhà có con gà mái đang nằm ổ.  Vợ chồng làm cỗ đãi cán bộ Cường. Đến bữa ăn, chị dành hết phần thịt gà cho chồng và khách, ba mẹ con dưới bếp chỉ ăn muối trắng. “Mình san đĩa thịt làm đôi, mang xuống chỗ mấy mẹ con”- Cường kể.

Nậm Hăn biệt lập với bên ngoài. Không sóng điện thoại, không đường bộ, duy nhất đường sông. Ba năm cắm bản, Lê Hữu Cường hầu như mất liên lạc với mọi người. Năm 2007, mẹ anh mất. Cán bộ Tỉnh Đoàn đi báo tin cho Cường phải mất ba ngày ròng rã đi bộ vượt rừng, rồi theo xuồng vào bản.

Trong khuôn khổ chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”- chương trình lớn của Đoàn phát động trên toàn quốc trong suốt nhiệm kỳ ĐH Đoàn IX với  thông điệp là nuôi dưỡng ước mơ, xây hoài bão lớn cho tuổi trẻ, Tiền Phong mở chuyên mục “Tuổi trẻ & Ước vọng” phản ánh những điển hình với những khát vọng lớn và dám dấn thân vượt khó khăn, gian khổ để thực hiện khát vọng đó.
MỚI - NÓNG