Lên tuyến đầu, trái tim mách bảo thế!

Thuyền trưởng Lê Văn Chung (bên trái) động viên, trao quà cho ngư dân tàu cá bị nạn, năm 2018
Thuyền trưởng Lê Văn Chung (bên trái) động viên, trao quà cho ngư dân tàu cá bị nạn, năm 2018
TP - Năm 2020, những ĐVTN áo lính đã cống hiến sức trẻ và nhiệt huyết trên nhiều lĩnh vực công tác, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền đất nước. Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thiên tai, người trẻ áo lính đã tiếp tục chứng minh phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ - Bộ đội của dân.  

Cứu được dân như được tiếp thêm... nhiên liệu

 Đạt danh hiệu Thuyền trưởng xuất sắc nhất Quân chủng năm 2020, thiếu tá Lê Văn Chung (Vùng 4 Hải quân) là một trong những điển hình được đề cử Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân 2020. Nói về nhiệm vụ của mình và đồng đội, thiếu tá Chung chia sẻ: Khu vực biển Trường Sa là nơi thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, biến đổi khó lường, công việc khai thác, đánh bắt thủy, hải sản của ngư dân gặp rất nhiều rủi ro. Do vậy, ngoài việc trực chốt, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền, tàu chúng tôi còn luôn sẵn sàng cứu giúp bà con gặp nạn trên biển.

“Nhìn nét mặt rạng rỡ của những ngư dân khi được cứu trên biển, chúng tôi như được tiếp thêm “nhiên liệu” để bám biển. Cứu dân như cứu người thân của chính mình, đó là mệnh lệnh từ trái tim mỗi người lính Hải quân, là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”.

Thiếu tá - Thuyền trưởng LÊ VĂN CHUNG

Từ tháng 8/2018 đến tháng 10/2020, thiếu tá Chung đã chỉ huy tàu 5 lần xuất phát đi tìm kiếm, cứu thoát 100 ngư dân đưa vào bờ an toàn. “Các lần cứu nạn đều diễn ra trong đêm tối, sóng to gió lớn, mưa giông, gây cản trở tầm nhìn và khó khăn cho việc tiếp cận cứu người, cứu tàu. Với phương châm cứu người trước, phương tiện sau, nhưng phải tuyệt đối bảo đảm an toàn cho tàu mình và tàu cá. Tôi luôn suy nghĩ tàu càng nhanh, cơ hội cứu được dân càng lớn. Nhìn nét mặt rạng rỡ của những ngư dân khi được cứu trên biển, chúng tôi như được tiếp thêm “nhiên liệu” để bám biển”, thiếu tá Chung chia sẻ.

Lên tuyến đầu, trái tim mách bảo thế! ảnh 1 Thượng úy Lê Thừa Văn tuyên truyền phòng, chống tác hại ma túy trong trường học
(tháng 10/2019)

Kỷ niệm khiến thiếu tá Chung nhớ mãi là chiều 18/8/2018, tàu của anh nhận tín hiệu cứu nạn khẩn cấp từ một tàu cá Quảng Nam ở phía Bắc đảo Song Tử Tây 12 hải lý, trên tàu có 52 ngư dân, tàu bị gãy trục láp, rơi chân vịt, đang trôi dạt tự do. “Trước đó 2 ngày, tàu chúng tôi đã vật lộn với sóng to, gió lớn cứu nạn thành công 2 tàu cá Bình Định ở vùng biển cách 150 hải lý, sức khỏe anh em cũng đã giảm sút. Nhưng cứ hình dung những cơn sóng dữ đang chồm lên con tàu Quảng Nam vỏ gỗ mỏng manh và có thể đánh chìm nó bất cứ lúc nào, trái tim tôi quặn thắt. Ngay lập tức, Ban Chỉ huy tàu thống nhất phương án, động viên anh em trong bất kỳ tình huống nào cũng phải cứu bằng được. Sau nhiều giờ vật lộn, 23 giờ đêm hôm đó, chúng tôi đã đưa được 52 ngư dân và tàu cá về đảo Song Tử Tây trong niềm vui vỡ òa của cán bộ, chiến sỹ và các ngư dân”, thiếu tá Chung nhớ lại.

Tháng 7/2019, Biển Đông lại “dậy sóng” khi nước ngoài triển khai nhóm tàu cá vũ trang hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của ta, có lúc chỉ cách đảo Đá Lát 8-10 hải lý. Nhiều tàu cá của ngư dân ta đang đánh bắt trong ngư trường truyền thống đã bị xua đuổi vô cớ. Trong đội hình hỗn hợp của ta, con tàu do thiếu tá Chung chỉ huy mưu trí xua đuổi thành công hành vi xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam.

Không ngại hiểm nguy

Lên tuyến đầu, trái tim mách bảo thế! ảnh 2 Trung sĩ Nguyễn Đình Công (người cầm xà beng) cùng đồng đội trinh sát, đánh dấu cảnh báo phạm vi sạt lở trên đường 71 vào thủy điện Rào Trăng 3

Những ngày tìm kiếm, cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), mọi người đặc biệt ấn tượng về một chiến sĩ có gương mặt hiền lành, vóc dáng khỏe mạnh luôn xông xáo, tích cực đi đầu trong mọi hoạt động. Đó là trung sĩ Nguyễn Đình Công (chiến sĩ lái ca nô, Đại đội 10, Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn Công binh 414, Quân khu 4). Từ cuốc đất, vét bùn, xẻ cây, đến khiêng bê tông, nạy đá…, nơi nào cũng có mặt trung sĩ Nguyễn Đình Công.

“Nhận tin đồng đội và người dân gặp nạn, tôi và anh em đơn vị động viên nhau nén thương đau, cố gắng tìm thấy người bị nạn sớm nhất. Lúc đó, dường như mọi mệt nhọc, khó khăn đều tan biến, dù nguy cơ tiếp tục sạt lở vẫn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào tại khu vực này. Khi xác định đúng vị trí 13 cán bộ bị vùi lấp, mắt ai cũng đỏ hoe, dùng tay lật từng viên đá, vốc từng vốc bùn, nhẹ nhàng đưa thủ trưởng và đồng đội ra khỏi đống bùn lầy”, trung sĩ Công nhớ lại.

Đại úy Vương Đình Tuệ, Phó Đại đội trưởng Đại đội 10 cho biết, trung sĩ Công quê ở Nam Đàn (Nghệ An), nhập ngũ tháng 2/2019 và là chiến sĩ năng nổ, nhiệt tình, không ngại hiểm nguy trong mọi nhiệm vụ. Trong đợt tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua, trung sĩ Công luôn xung phong tham gia, có mặt ở khắp các điểm đơn vị thực hiện nhiệm vụ, từ cứu nạn tàu Vietship đến Trạm Kiểm lâm sông Bồ, Tiểu khu 67 hay khu vực thủy điện Rào Trăng…

Với nỗ lực cứu hộ, cứu nạn tại hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị vừa qua, trung sĩ Nguyễn Đình Công được chỉ huy Lữ đoàn 414 ra quyết định khen thưởng. Nhưng trong ngày đơn vị trao thưởng, trung sĩ Công không có mặt. Anh tiếp tục tham gia tìm kiếm các công nhân mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3.

Củng cố phên dậu, ngăn ngừa đại dịch

Trở thành Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn lực lượng Biên phòng, thượng úy Lê Thừa Văn (Đội trưởng Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Quảng Trị) đang là đề cử Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân 2020, với nhiều thành tích công tác nổi bật. Trên “mặt trận” dân vận, thượng úy Văn được xem là hạt nhân trong thực hiện các mô hình, sáng kiến và công trình thanh niên, góp phần xây đắp biên cương giàu mạnh, vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thượng úy Văn đã trực tiếp cùng các tổ, đội địa bàn trực tại các chốt kiểm soát biên phòng của đồn, bất kể đêm ngày. Anh cùng đồng đội đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện qua lại các đường mòn, lối mở thuộc địa bàn 25 chốt kiểm soát.

Nhờ dân vận khéo, thượng úy Văn và đơn vị đã tiếp nhận hàng chục tin tố giác tội phạm của nhân dân.

Cũng từ đề xuất của anh, phong trào “Thôn, bản không có tội phạm ma túy” đã được phát động và thực hiện hiệu quả.

Không chỉ thực hiện tốt mô hình “Nâng bước em tới trường” tại Việt Nam, trong một lần công tác trên đất bạn Lào, qua sự giới thiệu của trưởng bản, thượng úy Văn biết trường hợp em Say Sa Nạ (SN 2010, ở bản Đen Sa Vẳn, huyện Sê Pôn, tỉnh Sa Vẳn Na Khệt) có bố mẹ đều mắc bệnh hiểm nghèo, kinh tế eo hẹp trong khi Say Sa Nạ lại rất muốn đi học. Từ tháng 6/2018, đồn Lao Bảo đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ em Say Sa Nạ 500 nghìn đồng/tháng. Thượng úy Văn còn trực tiếp kèm cặp, giúp đỡ Say Sa Nạ trong học tập.

“Mỗi em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được đỡ đầu, dù là người Việt hay người Lào, đều được chúng tôi xem như con em ruột thịt của mình”, thượng úy Văn nói.

MỚI - NÓNG