Lên kịch bản tiêu thụ vải, nhãn

Dự báo vải, nhãn năm 2018 sẽ được mùa lớn
Dự báo vải, nhãn năm 2018 sẽ được mùa lớn
TPO - Trước thông tin vụ vải, nhãn sắp đến có khả năng được mùa, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương lên kịch bản chi tiết, tỉ mỉ và làm sớm để tránh “được mùa mất giá”.

Tại hội nghị họp bàn chăm sóc, tiêu thụ vải, nhãn tại các tỉnh trọng điểm phía Bắc ngày 18/4, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, vải, nhãn là cây ăn quả chủ lực tại các tỉnh miền Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Sơn La... với diện tích cuối năm ngoái gần 100.000 ha.

Theo ông Sơn, do thuận lợi về thời tiết, nên hiện cây vải, nhãn sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ cây ra hoa, đậu quả đạt trên 90%. Các lứa vải sớm đang trong giai đoạn quả non - vào cùi, lứa vải chính vụ trong giai đoạn quả non; cây nhãn đang trong giai đoạn nở hoa - đậu quả non.

Với điều kiện thời tiết hiện nay, dự báo nếu không có yếu tố cực đoan, bất thường (mưa đá, mưa bão lớn…. ), được chăm sóc, quản lý sâu bệnh tốt thì năng suất vải có thể đạt xấp xỉ 5,7 tấn/ha, nhãn đạt trên 6 tấn/ha. Sản lượng vải đạt 350 nghìn tấn, nhãn đạt trên 200 nghìn tấn.

Ông Sơn cũng cho biết, tỷ trọng vải thiều tiêu thụ nội địa hiện đạt khoảng 50% và đang có xu hướng gia tăng, địa bàn tiêu thụ cũng đang được mở rộng trên phạm vi toàn quốc, trong đó Hà Nội, TPHCM.

 Đến nay, vải thiều đã được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại mạng lưới các siêu thị lớn như: Metro, Co.opmart, Happro, BigC, các chợ đầu mối rau quả ở Hà Nội, TP.HCM...Trong khi đó, nhãn lồng cũng được tiêu thụ nhiều ở Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, có mặt ở các siêu thị tại Hà Nội như: Fivimart, Metro, VinMart…

Về thị trường xuất khẩu, hiện vải tươi đã được xuất khẩu tới nhiều thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, các nước ASEAN, Trung Đông... Tuy nhiên, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường chiếm tới 90 sản lượng xuất khẩu.

Liên quan đến thị trường Trung Quốc, theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, phía cơ quan kiểm dịch, kiểm nghiệm của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) yêu cầu truy xuất nguồn gốc với hoa, quả nhập khẩu vào thị trường này.

Theo đó, từ 1/4/2018, doanh nghiệp Trung Quốc khi nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam phải cung cấp hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm.

“Cho đến thời điểm này, các mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn thông quan bình thường sang Trung Quốc và không gặp trở ngại về các quy định truy xuất nguồn gốc xuất xứ cũng như kiểm dịch thực vật”- ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, việc dán tem truy xuất nguồn gốc cũng đã bắt đầu được triển khai, chưa phát sinh khó khăn. Tuy nhiên, cần lưu ý về bao bì đóng gói sản phẩm theo đúng yêu cầu của Trung Quốc.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, sản lượng vải năm nay toàn tỉnh dự kiến 150.000-180.000 tấn, tăng gần gấp đôi năm ngoái. Điều này cũng tạo lực cho địa phương, trong việc tìm kiếm các thị trường tiêu thụ.

Theo bà Hà, bên cạnh khai thác thị trường trường mới, Trung Quốc vẫn là một thị trường trọng điểm của quả vải. Do vậy, việc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) yêu cầu về truy xuất nguồn gốc hoa quả nhập khẩu của họ là chính sách mới, các doanh nghiệp và nông dân cần có những hướng dẫn cụ thể, nếu không sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ.

Bà Hà đề nghị các bộ, ngành, cần đàm phán sớm với phía Trung Quốc về các điều kiện liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, tiến tới đàm phán xuất khẩu chính ngạch; đề nghị Trung Quốc sớm phê duyệt mô hình thông quan 2 quốc gia, 1 cửa.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, cũng đề nghị phía Bộ NN&PTNT bố trí phòng kiểm dịch lưu động tại vùng vải, cấp chứng thư ngay tại chỗ thay vì ở cửa khẩu như trước đây. Phía tỉnh Lạng Sơn, cần hỗ trợ về kho bãi, biên mậu, giúp tiêu thụ, vải, nhãn của các địa phương trong mùa thu hoạch sắp đến.

Lên kịch bản tiêu thụ vải, nhãn ảnh 1 Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương lên kịch bản tiêu thụ chi tiết cho mùa vải, nhãn sắp tới

Liên quan đến thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Công Trưởng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay, tỉnh đã sẵn sàng, từ vấn đề cửa khẩu, biên mậu, giao thông, kho bãi...để hỗ trợ cho các địa phương.

Ông Trưởng lưu ý, với tuyến đường biên Lạng Sơn, phía Trung Quốc kiểm soát rất chặt với 78 điểm rào chắn tại 70 km đường biên giới nơi có hàng xuất sang Trung Quốc. Phía bạn đang áp dụng chính sách chính ngạch, dán tem truy xuất nguồn gốc, kiểm tra bao bì nhãn mác và áp dụng từ 1/5.

“Việc yêu cầu về tem nhãn, bao bì truy xuất nguồn gốc, buộc các doanh nghiệp, nông dân, HTX cần được phổ biến và thực hiện theo yêu cầu của họ. Nếu không, hàng lên đến cửa khẩu, bên họ lại trả về, gây ùn ứ thì nguy hiểm. Trong trường hợp ùn ứ, các địa phương sẽ nên chỉ đạo giảm thu hái, tăng bảo quản, tránh phía Trung Quốc ép giá”- ông Trưởng nói.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, mặc dù hiện vải, nhãn ra hoa, đậu quả tốt, nhưng không được chủ quan trước những tác động bất thường của thời tiết, sâu bệnh.

Do vậy, ông đề nghị các địa phương, bà con tập trung chăm sóc cây vải, nhãn sát sao, yêu cầu cao nhất để có chất lượng quả vải, nhãn tốt nhất, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm.

“Ngay bây giờ, từng tỉnh phải xây dựng ngay kịch bản tổ chức tiêu thụ căn cơ, tỉ mỉ. Ông Công Thương làm gì, nông nghiệp, giao thông làm gì... thị trường không chỉ mỗi ông công thương, mà các ngành phải xúm vào để giúp bà con.

Kịch bản phải được xây dựng sớm hơn mọi năm, bằng nhiều hình thức, từ hội chợ, triển lãm, xúc tiến…huy động các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ tiêu thụ”- Ông Cường nói.

Theo ông Cường, về thông tin Quảng Tây áp dụng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, Bộ NN&PTNTđã cử cán bộ tìm hiểu để tìm hiểu để cung cấp thông tin cho người dân và các tỉnh. “Không được chủ quan trong khâu thị trường. Mục tiêu lớn nhất là tạo ra giá trị cao cho người nông dân. Được mùa nhưng không được mất giá ”- ông Cường nói.

MỚI - NÓNG