Hai bằng đại học vẫn thất nghiệp
Có bằng cử nhân ngành kỹ thuật trường Đại học Công nghệ TPHCM (Hutech), anh Dương Đức Hiền (ngụ TPHCM) tiếp tục học thêm văn bằng hai, ngành kế toán. Lận lưng hai bằng đại học nhưng hiện nay anh Hiền mưu sinh bằng nghề lái xe công nghệ. Anh Hiền kể, đã nộp hồ sơ vào một Cty nước ngoài nhưng họ yêu cầu có kinh nghiệm ít nhất 2 năm. “Do mới ra trường nên tôi không trúng tuyển. Sau đó, tôi chấp nhận làm bán thời gian cho một DN nhỏ để lấy kinh nghiệm nhưng vẫn không trụ lại với vị trí nhân viên công sở vì lương không đủ sống” - anh Hiền nói.
Có kiến thức, bằng cấp nhưng không phải lao động trẻ nào cũng tìm được việc làm phù hợp. Ảnh: U.P |
Tốt nghiệp cử nhân ngành xây dựng nhưng suốt 3 năm qua anh Nguyễn Văn Mộng (25 tuổi, quê Trà Vinh) vẫn chật vật tìm việc. Anh Mộng kể, ra trường ngay sau dịch bệnh COVID-19, DN lĩnh vực xây dựng đều gặp khó nên không tuyển dụng. Mộng đã rải chục bộ hồ sơ xin việc nhưng điều anh nhận được chỉ là lời hứa hẹn mà chưa thấy nơi nào gọi đi làm. Bí bách, Mộng xin đi làm công nhân may nhưng cũng chẳng trụ được lâu vì không đam mê. “Mỗi khi gặp người quen, họ hỏi về công việc, thu nhập… khiến tôi rất áp lực. Bốn năm đèn sách, tốn kém “cơm cha, áo mẹ, chữ thầy” nhưng giờ lại thất nghiệp” - anh Mộng buồn bã nói.
Tốt nghiệp đại học loại khá khoa Toán - Tin trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM nhưng anh Hoàng Văn Tuấn (32 tuổi, quê Nha Trang) lại phải mưu sinh bằng nghề “gõ đầu trẻ”. Anh Tuấn cho biết, “rải” tới 20 bộ hồ sơ nhưng không nơi nào nhận. DN nhỏ thì lương quá thấp, DN lớn đa số đều đủ nhân sự, chưa kể kỹ sư công nghệ của DN lớn đa số đều là dân du học, vì thế “cửa việc làm” của Tuấn càng thu hẹp. “Học hành tốn kém nhưng không sống được với nghề khiến tôi rất buồn” - anh bộc bạch.
Từng làm ở Cty may mặc hơn 4 năm song vì đơn hàng không ổn định nên cuối năm 2023, anh Trương Văn Cảnh (33 tuổi, quê Vĩnh Long) xin nghỉ về quê. Đầu năm 2024, anh Cảnh quay trở lại Bình Dương và nộp hồ sơ vào một Cty sản xuất gậy golf ở thành phố Thuận An đang tuyển hơn 1.000 lao động. Tuy nhiên, anh Cảnh phải cầm hồ sơ về vì không đáp ứng điều kiện tay nghề. “Mấy ngày qua, tôi cùng bạn đồng hương cầm hồ sơ đi xin việc từ sáng đến trưa trong khu công nghiệp ở Bình Dương, nhưng đều nhận được câu trả lời “để lại hồ sơ và sẽ gọi lại sau”. Một số nơi thì trả lại hồ sơ ngay với lý do không đáp ứng điều kiện” - anh Cảnh chia sẻ.
Tương tự, anh Đinh Tiến Hưng (37 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết, nhiều ngày qua đi tìm việc làm song chưa có nơi nào phù hợp. Anh này cho biết thêm, trước đây làm Cty gỗ, nhà máy đặt tại phường Tân Phước Khánh (thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) với thu nhập 8,5 triệu đồng/tháng nhưng không ổn định. “Thời gian qua, ngành gỗ gặp khó khăn về đơn hàng nên thiếu việc. Bây giờ Cty cần người song tôi muốn thay đổi môi trường làm việc khác để tìm sự ổn định. Tới đây nếu chưa tìm được nơi làm mới, tôi sẽ về quê hoặc miễn cưỡng quay lại nghề cũ” - anh Hưng nói.
Lệch pha cung - cầu
Đại diện một DN có bố trí nhân sự đặt bàn ngoài đường trong khu công nghiệp Kim Huy (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cho biết, công tác tuyển dụng lao động hiện nay đang gặp khó khăn. Một số lao động về quê dịp Tết không trở lại, nhất là những người 35-40 tuổi. Trong khi đó, những người đến nộp hồ sơ xin việc chủ yếu lao động trẻ, có khả năng nhảy việc, do đó Cty thật sự không mặn mà tiếp nhận vì lo mất thời gian.
Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH Bình Dương), thị trường lao động vẫn chưa thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực, người lao động vẫn còn bấp bênh với việc làm, thu nhập. DN tuyển dụng có xu hướng yêu cầu cao về kỹ năng, thái độ làm việc. Hiện mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận trung bình từ 190 - 200 hồ sơ đăng ký tìm việc. Tuy lượng hồ sơ tìm việc không ít, nhưng hồ sơ có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của DN không nhiều.
Theo ông Phương, nhu cầu về việc làm của người lao động ngày càng nâng cao theo các đặc tính thu nhập cao, môi trường tốt, thoải mái, không áp lực, công việc ít ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian làm việc linh động… nhằm đáp ứng nhu cầu chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên những công việc theo kỳ vọng của lao động khó đáp ứng. Mặt khác, nhu cầu làm việc của lực lượng lao động trẻ đã qua đào tạo mong muốn làm những việc phù hợp với trình độ, chuyên môn, chuyên ngành đào tạo, tuy nhiên các kỹ năng mềm và thái độ đáp ứng yêu cầu công việc chưa tương thích với kỳ vọng của DN hiện nay.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM nhận định, tình trạng mất cân đối cung - cầu thể hiện ở việc người lao động làm việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo, giữa cấp bậc chuyên môn kỹ thuật và ngành nghề đào tạo với nhu cầu của thị trường. “Bước chân vào thị trường lao động, người trẻ phải có kỹ năng mềm, giao tiếp, ngoại ngữ, chịu áp lực công việc, học đi đôi với hành. Những trường hợp học nhưng không thực hành được, thiếu kỹ năng thì bị triệt tiêu. Thị trường chuyển đổi số sắp tới có những người phải rời khỏi thị trường lao động vì không phù hợp. Thị trường mở ra khốc liệt, đòi hỏi người lao động phải phấn đấu” - ông Tuấn lưu ý.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cho biết, đến hết quý I/2024, Trung tâm tiếp nhận tổng cộng 28.535 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2023. Độ tuổi lao động mất việc nhiều nhất nằm ở lứa từ 25-40 tuổi (ở cả nam lẫn nữ). Trong đó, lao động không có bằng cấp chứng chỉ chiếm tỷ lệ 50%, tiếp theo là người có trình độ đại học và trên đại học chiếm 35%.