Lê Uyên - Phương: 'Giờ đây, tôi hát vì hạnh phúc'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước năm 1975 tại Sài Gòn, cặp đôi nhạc sĩ - ca sĩ Lê Uyên - Phương (nghệ danh chung của đôi vợ chồng nhạc sĩ Lê Minh Lập (1941 -1999) và ca sĩ Lê Uyên Lâm Phúc Anh (sinh năm 1952, nghệ danh Lê Uyên) là cặp đôi duy nhất được phát hành album.

Những sáng tác trẻ trung mới lạ của họ vẫn sống mãi với thời gian. Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trò chuyện với ca sĩ Lê Uyên trở về từ Mỹ xung quanh câu chuyện sáng tác và biểu diễn “độc lạ” của cặp đôi này.

Ca sĩ Lê Uyên cởi mở: Lần về nước biểu diễn trên sân khấu gần nhất của tôi cũng khá lâu rồi và trong đại dịch COVID-19 việc về nước càng xa vời hơn. Lần này về trình diễn trước khán giả, tôi rất vui và nhiều cảm xúc.

Đặt chân tới Việt Nam, tôi liền đi Hà Nội, thăm lại phố Hàng Bồ, là nơi tôi sinh ra lớn lên tới khi 3 tuổi mới chuyển vào Sài Gòn. Còn về thăm thú, ẩm thực, tôi chẳng kịp thưởng ngoạn gì hết, suốt ngày chỉ nghĩ hát bài gì, hát như thế nào để chương trình biểu diễn thành công nhất thôi! Suốt ngày tập hát, tập với ban nhạc, rồi hoài niệm về tuổi thanh xuân…

Lê Uyên - Phương: 'Giờ đây, tôi hát vì hạnh phúc' ảnh 1

Chị quen anh Phương (nhạc sĩ Lê Minh Lập) ở Đà Lạt?

Gia đình tôi từ Hà Nội chuyển vào Sài Gòn và bố tôi tiếp tục kinh doanh vận tải từ Sài Gòn ra miền Trung. Lúc 14-15 tuổi tôi lên Đà Lạt học trường Pháp. Một mình tôi lên nhưng gia đình cũng có nhà riêng tại Đà Lạt. Nhà tôi ở gần nhà anh Phương, hàng xóm, quen nhau. Lúc đó, tôi chỉ biết anh là một thầy dạy triết, dạy nhạc. Còn tôi, từ bé tới lúc ấy chưa bao giờ hát. Tôi học trường của mấy bà xơ, học tiếng Tây chứ đâu có hát bài nào của Việt Nam. Anh Phương lúc ấy còn dạy và chơi violin chứ chưa chơi ghi ta như hình ảnh mọi người quen thấy sau này.

Ai là người làm quen trước?

Dĩ nhiên là anh ấy rồi. Anh nói: Chào cô! Làm quen vậy đó. Tôi mới 15 tuổi không dám tò mò, không dám hỏi han gì cả. Mãi sau trò chuyện, tôi mới biết mẹ của anh ấy là công chúa, con gái thứ 9 của vua Thành Thái. Hai năm quen biết, anh ấy xin cưới tôi. Mẹ của anh ấy là người ủng hộ nhất, vì trước khi gặp tôi thì anh Phương tôn thờ chủ nghĩa độc thân, không muốn lập gia đình. Gặp tôi anh quyết định lấy vợ! Nên bà cụ rất ủng hộ tôi!

Vì sao anh Phương lại theo đuổi cuộc sống độc thân cho đến khi gặp chị?

Trước đó anh bị đau mấy ngón tay và người ta đoán anh bị ung thư xương. Thời đó y tế còn lạc hậu lắm, tất cả mọi người, kể cả bác sĩ, đều nghĩ anh Phương chẳng sống được bao lâu nữa. Anh ấy nghĩ mình không nên lấy vợ, sợ chết sớm vợ sẽ khổ. Chẳng hiểu sao, khi gặp tôi, anh quyết định lấy vợ!

Như vậy hai người đi đến hôn nhân trong tâm trạng chờ đợi một cái chết phía trước?

Đúng như vậy. Chúng tôi đều nghĩ rằng hạnh phúc của chúng tôi sẽ kéo dài theo từng tháng, từng ngày thôi. Các ca khúc của anh viết cho tôi hát thường nói tới việc chia ly, dự báo ngày mai sẽ chia lìa. Chẳng hạn như trong bài “Cho lần cuối”, anh viết: “Giờ này còn cầm tay, cầm chắc mối duyên bẽ bàng, cầm chắc mắt môi ngỡ ngàng, cầm giá buốt thương đau, ngày mai ta không còn thấy nhau”. Hay như bài “Hãy ngồi xuống đây” là những câu: “Hãy ngồi xuống đây, bên con vực này, ngó xuống thương đau”.

Anh và tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc trở thành nghệ sĩ. Anh vẫn đi dạy học cần mẫn mỗi ngày. Anh viết nhạc cho tôi, dạy cho tôi hát và cả hai cùng hát với nhau. Chúng tôi hát trước cái chết đang chờ đợi anh, hát trước sự chia ly đang chờ đợi gia đình cùng đứa con bé bỏng.

Lê Uyên - Phương: 'Giờ đây, tôi hát vì hạnh phúc' ảnh 2

Cặp đôi Lê Uyên - Phương lúc trẻ Ảnh: Tư liệu

Anh viết nhạc tặng chị, còn chị thì sao?

Tôi chẳng biết phải làm gì, chỉ biết mỗi ngày sống là một ngày yêu anh. Quãng đường anh đi dạy về nhà, tôi chia làm đôi, đứng đoạn giữa để chờ anh, cùng anh dạo bước về nhà.

Bài “Vũng lầy của chúng ta” có những câu: “Theo em xuống phố trưa nay, vẫn còn chất ngất cơn say”…

Đúng! Đúng! Tôi chờ anh trên đồi, để cùng về nhà. Anh say, là say trong tình yêu của chúng tôi.

Tên bài hát “Vũng lầy của chúng ta” nghĩa là gì?

Ý anh là khi ngụp lặn trong tình yêu của mình thì cũng như hai người cùng ngụp lặn trong vũng lầy. Không thể nào thoát ra được. Càng yêu nhau, càng đau khổ, nghĩ sẽ chia lìa nhau. Cho nên mới có những câu như: “Cho nhau hết những mê say, cho nhau hết cả chua cay”.

Tình yêu sét đánh đã biến một người thầy dạy triết, dạy nhạc thành con người khác - đam mê và mong manh?

Anh không có thời gian để nghĩ rằng mình sẽ trở thành một nhạc sĩ. Trước khi gặp tôi, anh có viết mấy bài rồi, nhưng khi yêu tôi, anh viết rất nhiều, rất nhiều. Đầu tiên là “Tình khúc cho em”, với câu: “Thương em khi yêu lần đầu, thương em lo âu tình sau”.

Bài “Dạ khúc cho tình nhân” có câu: “Tình ấy đắm đuối thiết tha”…

Vâng! Phải yêu nhau mới làm được nhạc chứ! Tôi thấy anh thực sự viết trong tâm trạng đang yêu, viết cho tình yêu của chúng tôi. Những tình cảm và ngôn từ đi thẳng vào tình yêu, nhiều người nói là ngôn ngữ như trần trụi, sau đó được các bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt.

Từ ngôi nhà nhỏ trên Đà Lạt, anh chị đã bước lên sân khấu lớn như thế nào?

Vô cùng tình cờ! Chúng tôi về Sài Gòn là để thăm gia đình, chứ không phải đi biểu diễn. Một vài văn nghệ sĩ là bạn chồng tôi biết chúng tôi có sáng tác và hát với nhau mỗi ngày, nên mời chúng tôi hát cho sinh viên nghe. Chúng tôi tính hát chơi một buổi thôi, không ngờ người ta lại mời hát tiếp, cứ thế hát 19 đêm liên tục, khắp các trường đại học tại Sài Gòn!

Tua diễn khắp các Đại học Văn khoa, Luật khoa, Trường quốc gia âm nhạc, Đại học Vạn Hạnh, Y khoa, Khoa học… anh chị nhận được thù lao thế nào?

Anh đệm đàn cho tôi hát, ngoài ra không ai khác. Một cây ghi ta thôi. Mỗi đêm chúng tôi hát từ 16-18 bài. Cát xê là một bó hoa mang về!

Trở về Đà Lạt, sáng ra gặp bà bán báo đầu đường, bà ấy bảo: “Chú chú! Có phải hình chú đó không? Chúng tôi đáp đúng, đúng”. Không ngờ báo chí viết về chúng tôi nhiều như thế. Họ gọi chúng tôi là một hiện tượng âm nhạc! Nhưng rồi đâu lại vào đấy. Anh vẫn đi dạy, còn tôi trông nom con nhỏ. Đó là năm 1970.

Vậy con đường đi hát chuyên nghiệp bắt đầu ra sao?

Một hôm, mẹ tôi đánh điện lên. Tôi còn nhớ bức điện có mấy chữ: “Con về gấp mọi người mời hát”. Tôi một mình lặn lội xuống Sài Gòn, còn anh vẫn đi dạy như mọi ngày.

Ngày đầu tiên làm ca sĩ của chị như thế nào?

Chủ phòng trà ở Sài Gòn hỏi tôi: Chị sẽ hát một đêm ba bài, vậy chị ký bao nhiêu tiền? Tôi đáp: Tôi không biết. Trả bao nhiêu cũng được. Nơi khác mời tôi, cũng hát ba bài cũng hỏi chị ký bao nhiêu, tôi nói bên kia trả vậy đó, họ cũng trả y như thế, không nói thêm câu nào.

Tôi còn nhớ buổi trưa hôm ấy, tôi về nhà, gác tay lên trán và tự hỏi: Mơ hả! Giấc mơ hay sự thật vậy? Cứ một nơi người ta trả 5.000 đồng mà lương dạy học của anh một tháng là 5.800 đồng. Mỗi đêm hát ở 5 nơi được 25.000 đồng. Thế là hợp đồng họ đưa ra, tôi ký hết.

Anh Phương phản ứng thế nào?

Tôi về Đà Lạt kể mọi chuyện với anh, tôi nói muốn anh về Sài Gòn biểu diễn. Anh theo lời tôi, làm đơn xin nghỉ dạy. Anh còn dạy mấy tháng sau mới về Sài Gòn. Lúc đó nhạc bolero, nhạc tiền chiến thịnh hành. Ít những bài sáng tác mới mẻ. Âm nhạc của anh đã đem đến một làn gió mới. Chúng tôi đi hát, thu băng đĩa, truyền hình. Mỗi tháng chúng tôi kiếm được khoảng 1,1 triệu đồng. Cuộc sống như ở trên mây!

Album riêng của Lê Uyên - Phương đã ra đời như thế nào?

Sài Gòn trước năm 1975 chỉ xuất bản những đĩa nhạc tuyển chọn từ nhiều ca sĩ, nhiều tác giả. Đĩa đầu tiên của một nhạc sĩ và ca sĩ được xuất bản là “Sơn ca 7” của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, sau đó là đĩa nhạc của chúng tôi. Tôi còn nhớ thu âm ở phòng thu tại Phú Nhuận. Chúng tôi hát một lèo trong buổi chiều cỡ chục bài và thu âm xong luôn. Ở nhà hát sao tới phòng thu hát như vậy thôi, không có tập dượt gì cả.

Trở thành nghệ sĩ đi biểu diễn chuyên nghiệp, hai người có hát bài người khác không?

Tụi tôi hát những sáng tác của mình còn chưa hết nên không hát nhạc của ai khác nữa! Cũng không ai dám nhờ chúng tôi, vì chúng tôi đang nổi với nhạc của chúng tôi quá rồi.

Sau năm 1975, khi sinh sống ở Mỹ, nhạc sĩ Lê Minh Lập sáng tác rất ít?

Chúng tôi cùng con qua Mỹ, mọi người chào đón, biểu diễn khá thường xuyên. Nhưng anh Phương nói rằng khi xa đất nước, khung cảnh khác đi, anh không viết được, sự lãng mạn cũng không được như xưa. Anh viết rất ít, một phần cũng do sức khỏe. Anh mất năm 59 tuổi vì ung thư phổi, do hút thuốc lá nhiều quá. Nếu còn thì năm nay anh 84 tuổi.

Viết nhạc, yêu và sống với người mình yêu, cuộc đời anh cũng đã mãn nguyện?

Anh Phương sống giản dị, anh thường nói anh đã làm được tất cả những gì anh muốn. Trước khi mất, vào những năm 1990, anh có về nước, thăm Hà Nội một lần. Anh được mời lên sân khấu phát biểu, nhưng anh không hát.

Lê Uyên - Phương: 'Giờ đây, tôi hát vì hạnh phúc' ảnh 3

Ca sĩ Lê Uyên tại TPHCM tháng 12/2022 Ảnh: Trần Nguyên Anh

Ở tuổi 70, chị suy nghĩ và diễn như thế nào với những tác phẩm đã viết cho chính cuộc tình của mình trong dĩ vãng?

Hát được ở tuổi 70 là điều rất khó. Dòng nhạc chúng tôi cũng ít tác phẩm, những bài mới không có nhiều. Tôi thích những bài hát xưa được phối khí làm mới với vẻ đẹp bây giờ. Tôi không muốn bị đè nặng bởi hình bóng cũ.

Tôi thích tôi mới đi hát. Hát phải vì thích. Tôi hát vì hạnh phúc, ngoài ra không có lý do gì khác cả.

Tôi thấy mình hát hay hơn những năm trước đây. Tự nhiên nó hay hơn, chứ không phải là tôi muốn vậy. Qua những thăng trầm, qua những mất mát, khiến mình trưởng thành hơn. Trước kia tôi hát về thương đau, chia cắt, chỉ là giả tưởng thôi, còn bây giờ anh đã ra đi hơn 20 năm, đằng đẵng một sự chia cắt thương đau thật sự của chúng tôi. Tôi đã trải qua những tâm trạng âm nhạc mà trước đây tôi chưa có.

Bất ngờ bước vào con đường nghệ sĩ, biểu diễn các tác phẩm cùng chồng, giờ đây vẫn những bài hát ấy, chị diễn một mình. Có điều gì khác biệt?

Chúng tôi đi diễn lúc trẻ không toan tính gì đâu. Chỉ hát về tình yêu của chúng tôi. Chúng tôi yêu và sống trong tình yêu mỗi ngày. Hát chính là sống với nhau trong tình yêu. Chỉ sợ một ngày nào đó những ngày tháng ngọt ngào không còn nữa! Còn bây giờ, khi một mình trên cõi đời này, tôi cũng không nhiều thay đổi. Ngày nào tôi cũng nghĩ tới anh. Mỗi lần thế, tôi hát hàng chục bài anh Phương viết cho chúng tôi. Hát trọn vẹn nhé, không bỏ sót một câu. Cứ thế, cứ thế mà tôi sống và hát.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.