Lẽ sống chết

Hình ảnh thường thấy ở nghĩa trang các nước văn minh: Chỉ tấm bia nhô lên còn thì rất bằng phẳng
Hình ảnh thường thấy ở nghĩa trang các nước văn minh: Chỉ tấm bia nhô lên còn thì rất bằng phẳng
TP - “Bốc mộ là cực hình cần bỏ”- PGS.TS Bùi Xuân Đính vừa phát biểu như vậy căn cứ vào quan sát và trải nghiệm của ông. Còn tôi nghĩ nếu ai thấy bốc mộ không phải cực hình mà là việc không làm không xong, việc vui như tết, thì có lẽ họ cần phải chứng minh.

Cuối năm ngoái, gia đình tôi phải chuyển người thân từ Bất Bạt về Hải Phòng, việc này lẽ ra phải làm sớm hơn. Đó là vì tệ gọi là tận thu trên kia. Không thể tưởng tượng nổi nơi “yên giấc ngàn thu” mà các ngôi mộ cách nhau có 2-3 chục phân. Không có chỗ để đứng thắp hương. Muốn làm lễ phải đứng nghiêng hoặc vắt chân sang ngôi mộ khác. Vài người đứng một lúc càng không thể, chỉ còn cách vái vọng. San sát, bạt ngàn. Vô tổ chức, hỗn loạn. Đó là nghĩa trang Bất Bạt. Cho nên việc tảo mộ, hương khói thường chỉ có thể làm qua quít cho xong vì như đã nói, đến một chỗ để đứng cho tử tế còn không có. Mà chỗ này hàng chục triệu đồng/ngôi chứ không ít, đó là giá của nhiều năm trước còn bây giờ không biết thế nào. Cũng có những chỗ được đứng một cách đàng hoàng để mà hương khói nhưng hết từ lâu lắm rồi.

Lẽ sống chết ảnh 1

Nghĩa trang Yên Kỳ (còn gọi là Bất Bạt, ở Ba Vì, Hà Nội) tai tiếng nhiều năm nay, đầy tệ nạn, từ tệ cò mồi cho đến tận thu.

Trong đêm, chúng tôi đi từ Bất Bạt về nghĩa trang Ninh Hải, Hải Phòng. Nơi này thì rộng rãi thoáng đãng, qui hoạch đâu ra đấy, mỗi tội không có cây xanh mấy. Và lần đầu tiên tôi chứng kiến một nghĩa địa đêm cuối năm, dịp mà mọi người hay chọn để bốc mộ. Nào phông bạt, nào tiếng đào huỳnh huỵch, rồi vận chuyển đất cát, đông như hội!

Cô em họ kể, lại gần nhà nọ đang cải táng, mùi xông lên khiến xây xẩm mặt mày (chúng tôi thì chỉ chuyển mộ). Thế mà bao con người vẫn phải xông vào hít ngửi, chú mục, xăm xắn chỉ đạo, vân vân. Thì việc nhà việc cửa mà.

Khi đứng trước cái bãi tha ma Bất Bạt xấu xí ô hợp, tôi thường có ý nghĩ rằng: Chen chúc thế này thì thà làm nắm tro thả sông thả biển có phải sướng hơn không.

Nhưng rồi lại nghĩ: Nếu xác định chết là hết, là nằm đâu chả được, thì hay là kệ đi. Chật chội, thảm hại hay không cũng chả quan trọng gì?!

Nhưng vấn đề ở chỗ: Người sống lại không yên. Vẫn phải đi đi về về, thế rồi mỗi lần thăm nom lại bức xúc vì cái không khí đã ảm đạm của bãi tha ma, lại thêm muôn phần ngột ngạt vì nó hỗn loạn quá. Tâm trạng lần nào cũng nặng nề.

Cho nên tôi thấy lạ khi nhiều người đến Bất Bạt thăm mộ xong hớn hở ra về với tảng thịt bê, bịch ngô khoai sắn, giỏ trứng gà trên tay, rẻ hơn nội thành Hà Nội mấy giá. Với quy hoạch tệ hại như vậy, có gì đảm bảo chất lượng môi trường ở vùng này?

Về tục cải táng - bốc mộ, thì như nhiều chuyên gia đã nói: Bỏ đi được rồi. Ô nhiễm, tốn kém. Cực hình cho người sống.

Nhiều bài báo phản ánh tục lệ này. Có bộ phim tài liệu về nó, giả dụ mang chiếu nước ngoài chắc được liệt vào dòng phim kinh dị. Dọa được ối người.

Những người làm nghề bốc mộ kể trên báo chí rằng họ có cuộc sống không thể giống mọi người. Đi ăn cỗ bị từ chối ngồi cùng mâm. Từ chối bắt tay và cầm tay ở bất cứ đâu. Nói chung là bị xa lánh. Chẳng qua vì sinh kế nên không thể bỏ. Tôi cũng cho rằng tận khổ, không biết sợ là gì mới phải làm nghề này.

Thời này là thời nào rồi mà còn bốc mộ, cải táng. Vô cùng mất vệ sinh mà lại gây bao hệ lụy cho người sống. Sinh bệnh như chơi. Hóa vàng, đốt giấy đốt nến còn chả nên nữa là. Di hại cho cả xã hội chứ đâu chỉ phiền toái cho người thân.

Giữa năm ngoái cậu ruột tôi qua đời, gia đình chọn nơi an nghỉ là công viên Thiên Đức (Phú Thọ), chọn hỏa táng lưu cốt, nghĩa là không thiêu ra tro mà thiêu đến một nhiệt độ nhất định để vẫn còn bộ cốt. Chứng kiến nhân viên nhà tang lễ mở áo quan cho thấy bộ cốt mà anh ta khen “đẹp” rồi rải hoa nhài khô, cuối cùng phủ tấm vải đỏ lên nắp quan, tất cả người nhà tôi sau đó đều phát biểu họ cảm thấy vô cùng thư thái nhẹ nhõm. Thế rồi so sánh với thổ táng và bốc mộ, để thấy lựa chọn của mình sáng suốt thế nào. Nào là đào bới, rửa từng đốt xương, thậm chí róc từng miếng thịt (trường hợp xác không tiêu hủy được), các thứ… Nghĩ mà khiếp.

Và hãy nhìn nghĩa trang ở các nước tiên tiến, chỉ nhô lên mỗi tấm bia còn thì là mộ ngầm, bằng phẳng. Ở ta thì ngay một nơi tân tiến như Thiên Đức, nghiêm ngặt từ việc trồng cây gì cỏ gì trở đi, song bia mộ cũng phải xây nhô cao lên cơ, trông kém đẹp hẳn so với nước ngoài. Lại nữa, báo chí phản ánh Thiên Đức bị dân quanh vùng kêu bất an vì mùi khét tỏa ra từ đó, và từ khi mở rộng dự án (90ha nay tăng thêm 81,4ha nữa) thì gây ra nhiều hệ lụy khác: nước thải của nghĩa trang chảy ra ruộng lúa khiến nhiều người dân cứ xuống cấy là ngứa. Hoặc đất dự án nghĩa trang sạt lở khiến vùi lấp đất canh tác, hoa màu, ao cá của họ…

Ở tuổi 82, nữ sĩ Quỳnh Dao người Đài Loan hiện vẫn miệt mài viết lách. Ba năm trước, bà công khai di chúc trong thư gửi con gái, cho thấy một con người văn minh thế nào: “Khi còn sống nguyện là ánh lửa, cháy tới phút cuối đời. Chết đi nguyện là hoa tuyết, lất phất rơi, hóa thành cát bụi”. Bà dặn nếu mình lâm bệnh trọng thì không cần cố chạy chữa đau đớn, “Đừng để mẹ sống không được chết không xong. Làm thế, các con mới là đại bất hiếu”. Và dặn con không làm lễ truy điệu, lập linh vị, đốt vàng mã. Không loan tin bởi cái chết là việc riêng không phải để làm phiền người khác. “Ngày giỗ, tiết thanh minh cũng không cần cúng bái. Trái đất ngày một ấm lên, đốt giấy đốt hương là phá hoại. Chúng ta có nghĩa vụ giữ gìn môi trường cho những sinh mệnh nối tiếp nhau chào đời...”.

Nếu được chọn, tôi thích “làm tro bón cây”, nhưng đâu dễ có sẵn vườn tược mà bón. Hoặc ra sông ra biển nếu việc này không gây hại cho sông và biển. Làm “hoa tuyết lất phất rơi” để tan vào cát bụi như Quỳnh Dao, quá được nhưng cũng phải lựa chỗ mà rơi và tan để không khí được trong lành, nhỉ.

Hãy thôi tự thắt buộc bằng những quan niệm lỗi thời, những hủ tục. Loại bỏ tạp niệm, thanh lọc tâm hồn, chuẩn hóa nhân sinh quan, tập trung vào những công việc quan thiết và ý nghĩa của đời người… mới mong có được hạnh phúc cho mình và góp phần làm đẹp cho đời.

Thiên tài Steve Jobs trước khi ra đi ở tuổi 56, có bộc bạch rằng giá biết mình sẽ chết sớm hẳn ông đã chọn cách sống khác, bớt kiếm tiền và đâm đầu vào công việc mà chăm chút đời sống tinh thần hơn. Đa số chúng ta, khi còn sống thì “vụng dại trong trình độ làm người” mà đến khi chết, chuẩn bị cho cái chết cũng vẫn loay hoay bấn bíu. Chuẩn bị cho mình và cho người thân đều như vậy. Cho nên đọc lại đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” của Vũ Trọng Phụng trong tiểu thuyết Số đỏ, thấy vẫn nguyên giá trị. Bi hài. Chỉ một tang gia mà cho thấy bộ mặt của cả xã hội.

MỚI - NÓNG