Lễ hội Khinh khí cầu, Dù lượn tại Đà Lạt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đà Lạt là địa phương đầu tiên của Việt Nam du nhập môn thể thao mạo hiểm dù lượn và sẽ tổ chức Festival Khinh khí cầu - Dù lượn quốc tế trong tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng năm 2023.
Lễ hội Khinh khí cầu, Dù lượn tại Đà Lạt ảnh 1

Dù lượn trên rừng nguyên sinh ở Lâm Đồng

Ngày 28/1, Sở VH-TT&DL Lâm Đồng cho biết, UBND tỉnh vừa có văn bản thống nhất chủ trương cho tổ chức Festival Khinh khí cầu - Dù lượn quốc tế từ ngày 27/4-3/5.

Cục Tác chiến đã cấp phép tổ chức bay khinh khí cầu kết hợp dù lượn tại quảng trường Lâm Viên (TP Đà Lạt) với khung thời gian bay từ 6h đến 23h hàng ngày. Các vật thể bay bao gồm 25 quả khinh khí cầu và từ 3-5 dù lượn có động cơ.

Lễ hội Khinh khí cầu, Dù lượn tại Đà Lạt ảnh 2
Bay khinh khí cầu ở Khu du lịch Pi Ni Đà Lạt.

Trong số đó, có 10 quả khinh khí cầu dùng trang trí, đặt tại khu vực tổ chức để trình diễn bay, 10 quả khinh khí cầu bay tại chỗ (đường kính khi đầy khí là 19 m, cao 23 m) với sức chứa 5 người/1 quả, 5 quả khinh khí cầu bay tại chỗ (đường kính khi đầy khí 23 m, cao 29 m) sức chứa 12 người/1 quả.

Dù lượn được 2 phi công người Pháp là Didier và Stephane du nhập vào Việt Nam từ năm 1994, tổ chức bay tại TP Đà Lạt. Thời gian gần đây, một số công ty khác đã tổ chức bay tại hồ Xuân Hương (TP Đà Lạt) và đỉnh Con Ó (xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh).

Lễ hội Khinh khí cầu, Dù lượn tại Đà Lạt ảnh 3

Người tham gia bay dù lượn được trang bị nhiều thiết bị an toàn.

Anh Nguyễn Văn Trí (phường 1, Đà Lạt) cho biết khi đăng ký bay, anh được khuyến cáo phải có sức khỏe tốt, chuẩn bị trang phục thể thao và một số vật dụng bảo hiểm. Trước khi bay khoảng 10 phút, anh được hướng dẫn kỹ năng an toàn, kỹ thuật chạy đà khi cất hạ cánh…

“Huấn luyện viên còn lưu ý, để tránh bị choáng, đầu tiên hãy hướng mắt ra phía xa chứ đừng nhìn xuống đất. Với những người mới bay lần đầu, nếu bị chóng mặt thì nhắm mắt đôi chút rồi mở ra nhìn ngắm cảnh vật xung quanh”, anh Trí chia sẻ kinh nghiệm bay.

Lễ hội Khinh khí cầu, Dù lượn tại Đà Lạt ảnh 4
Bay trên bầu trời Đà Lạt.

Về khinh khí cầu, từ đầu năm nay, một số doanh nghiệp đã tổ chức bay tại Cao đẳng Đà Lạt và Khu du lịch Pi Ni.

Đây là 2 địa điểm bay lý tưởng bởi Cao đẳng Đà Lạt nằm trên đồi và có kiến trúc độc đáo. Trường này có tháp chuông cao hơn 50 m, được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20.

Lễ hội Khinh khí cầu, Dù lượn tại Đà Lạt ảnh 5

Nhiều bạn trẻ hưởng ứng dịch vụ bay khinh khí cầu ở Cao đẳng Đà Lạt.

Từ trên quả khinh khí cầu xinh xắn cách mặt đất nhiều chục mét, du khách thỏa thích ngắm khu du lịch phức hợp Pi Ni Đà Lạt thơ mộng trong thung lũng thanh bình, bao quanh là những cánh rừng xanh ngút ngát, bốn mùa nghe thác reo, suối hát.

Vừa mới xuất hiện nhưng các sản phẩm du lịch mới mẻ, có tính thể thao mạo hiểm này nhanh chóng thu hút những du khách trẻ trung, năng động, thích trải nghiệm khám phá thiên nhiên cũng như bản thân mình.

Lễ hội Khinh khí cầu, Dù lượn tại Đà Lạt ảnh 6

Ngắm cảnh đẹp từ khinh khí cầu.

Một số chuyên gia trong ngành du lịch cho rằng khinh khí cầu và dù lượn là loại hình thể thao mạo hiểm thu hút được nhiều du khách, thế nhưng Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng chưa chú trọng đầu tư khai thác bài bản.

MỚI - NÓNG