Ám ảnh siêu thực
Những ngày giữa tháng 9, trong không gian nghệ thuật Manzy, Lê Hoàng Bích Phượng lặng lẽ khoe với công chúng thủ đô 9 tác phẩm nằm trong triển lãm “Bên kia những ngọn đồi”, bao gồm 7 tranh lụa và 2 tác phẩm sắp đặt. Mỗi tác phẩm như một phần nhật ký tâm lý bằng hình của Bích Phượng, là trải nghiệm cá nhân của cô về sự mất mát người thân, về người ông đáng kính, về nhận thức bản ngã, về sự sống và cái chết.
Quang cảnh trong mơ hiện ra với Phượng khi ông cô qua đời là chủ thể cho những tác phẩm lụa tinh tế ở “Bên kia những ngọn đồi”. Phượng nỗ lực tìm hiểu và đưa vào tác phẩm của cô các ý niệm về thời gian và không gian theo cách thức tự nhiên nhất. Những nhân vật trong sáng tác của Phượng nổi lên trên bề mặt lụa thô. Cách dùng màu nhẹ tênh của nữ họa sĩ làm những nhân vật trong tranh cô như phiêu linh ở một cõi huyền ảo nào đó.
Ở triển lãm lần này hay những cuộc trước đây, người ta đều thấy ở tranh Lê Hoàng Bích Phượng có sự pha trộn giữa truyền thống vẽ tranh lụa của Việt Nam và nghệ thuật điêu khắc gỗ truyền thống ukiyo-e của Nhật Bản, lại có hơi hướng của thế giới truyện tranh
đại chúng.
Nói về mối duyên này, Phượng cho biết, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM, năm 2011, cô vinh dự được Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam mời tham dự chương trình nghệ sĩ lưu trú tại Sapporo, Nhật Bản. Do đó, kỹ thuật và phong cách sáng tác nghệ thuật của cô chịu nhiều ảnh hưởng từ nền văn hóa xứ phù tang.
Những sáng tác của nữ họa sĩ trẻ sinh năm 1984 này còn có sự ám ảnh sâu sắc về những truyện huyền ảo của Việt Nam và thế giới. Đó có thể là cổ tích Việt Nam, thần thoại La Mã, Hy Lạp hay cũng có khi là những câu chuyện ngụ ngôn của Ê-dốp cùng những bài đồng dao trẻ con.
Phượng thường tạo ra những chiếc mặt nạ vô hình, như mang đến sự bảo vệ cho con người trong cuộc sống đương thời. Đôi lúc có cái gì rờn rợn. Đó là những hình hài nửa quạ nửa người, nửa nai nửa người, những con lừa với bộ răng so le và đôi bàn tay khẳng khiu; một con gấu già nhoi hẳn lên như một cái áo khoác có mũ trùm đầu quá cỡ trên gương mặt một đứa trẻ; một con heo có vẻ bệnh với cái mũi đỏ sưng tấy và chảy dãi; hay một chiếc mặt nạ sân khấu Nhật Bản mang hình con cáo đứng kéo môi mình ra. Kèm theo những tấm tranh này là một loạt các điêu khắc gốm nhỏ mang hình hài những con người đã bị gắn chặt với mặt nạ của họ; một vài cái mất xương sườn, trong khi một cái khác thì có não chứa trong bể cá. (Triển lãm cá nhân đầu tiên “Thay hình đổi dạng” - 2012)
Luôn muốn mỗi một cuộc chơi là một thử nghiệm mới, nên năm 2015, Phượng trình làng những sáng tác với chất liệu gốm, sứ trong triển lãm “Trắng, Đen & Vàng”. “Việc tôi tìm đến gốm, sứ không có gì lạ, bởi từ sau khi tốt nghiệp, tôi đã rất quan tâm tới chất liệu truyền thống. Tôi muốn kết hợp ý tưởng sáng tác của mình với kỹ thuật làm gốm truyền thống của Việt Nam. Tất cả các tác phẩm đều được làm bằng gốm, sứ và hoàn toàn thủ công, dưới sự hỗ trợ của các nghệ nhân có tay nghề tại làng gốm Bát Tràng. Qua dự án này, tôi mong muốn gây dựng lại sự yêu thích của công chúng với nghệ thuật thủ công truyền thống đang mai một theo thời gian”- Bích Phượng chia sẻ về sự trải nghiệm mới của mình trong nghệ thuật.
“Cả hai chất liệu lụa và sứ đều mong manh, và tôi thích điều đó”, cô nói, “đây không phải những đồ dùng hàng ngày, vì vậy, bạn cần hết sức cần thận và chọn một vị trí thích hợp để trưng bày và bảo vệ chúng. Mua một tác phẩm này không giống như mua một vật dụng nào đó, như một chiếc gọt bút chẳng hạn, bạn có thể vứt vào một góc, lãng quên, rồi lại mua một chiếc mới. Tôi muốn công chúng mua những tác phẩm của mình để trân trọng và bảo vệ, nếu không, chúng tự nhiên sẽ bị hủy hoại. Bề mặt lụa rất dễ rách và bị gián gặm. Nếu không bảo quản kĩ lưỡng, bạn sẽ đánh mất tác phẩm”.
Phượng rất thích những chất liệu tạo cảm giác trong trẻo và mỏng manh, nên trong triển lãm chung “Trên dưới trời” với họa sĩ Lê Giang, người ta thấy Phượng còn dùng thủy tinh, kính và màu nước trên lụa. Hay thêu tay trên mặt lụa trong “Giấc mơ mẫu đơn”, triển lãm cá nhân thứ hai của cô.
Tuy nhiên, với cô, dù với chất liệu nào, trường phái nào thì cũng chỉ là cách thức, phương tiện để thực hiện ý tưởng cho mình. “Tôi không đặt nặng chuyện phải có dấu ấn cá nhân, mà điều quan trọng nhất là lắng nghe cảm xúc và thành thật với bản thân khi sáng tác”.
Chơi với lụa
Phượng vui vẻ kể, “Tôi không nhớ mình biết vẽ từ lúc nào, chỉ nhớ là hồi còn rất nhỏ, tôi đã vẽ rất nhiều. Rồi mẹ khuyên tôi nên theo nghệ thuật, đơn giản vì tôi học toán rất tệ”. Cũng chính mẹ là người đã nộp đơn cho Phượng thi vào trường ĐH Mỹ Thuật TP.HCM. Lúc bấy giờ, Sơn dầu là khoa khá nổi tiếng, nên cô chọn luôn khoa này. Chỉ đến cuối khóa, được chọn thêm môn học khác, Phượng mới mạnh dạn thử sức với tranh lụa trong cả lớp tìm hiểu về tranh thuỷ mặc. Và cũng từ đó, cô như trúng bùa mê với dòng tranh đặc biệt này.
Tranh lụa Việt Nam khác tranh lụa tại các nước lân cận như Trung Hoa, Nhật Bản ở chỗ màu sắc trong tranh hiện hình dần dần qua rất nhiều lần nhuộm màu trên bề mặt lụa ướt, trái với cách vẽ trực tiếp lên lụa khô thường thấy. “Kỹ thuật vẽ tranh lụa rất cơ bản, điều khó nhất là kiên nhẫn vì để vẽ xong một bức tranh lụa đòi hỏi nhiều thời gian cho các lớp màu khô và sự lập lại các bước dễ khiến ta nhàm chán”, Phượng chia sẻ.
Thời gian cần cho một lớp màu có thể là một tiếng. Lớp đầu tiên thường đơn giản nhưng khi đến các lớp chi tiết hơn, thời gian thực hiện sẽ dài hơn. Nếu muốn có được những gam màu tối, đôi khi phải mất đến hai tháng, còn màu sắc tươi sáng nhẹ nhàng thì cũng cần ít nhất một tháng để hoàn thiện.
Phượng sống bằng nhiều nguồn, ngoài việc bán tranh, cô vẽ minh hoạ, vẽ quảng cáo để lấy ngắn nuôi dài. “Là họa sĩ, ai cũng muốn bán được nhiều tranh, tôi cũng thế, nhưng tôi không chạy theo thị hiếu của người khác, tôi vẽ cho chính tôi và đi tìm những tâm hồn đồng điệu. Vẽ tranh cũng như viết nhật ký nhưng khác biệt là những kí ức được lưu lại bằng ngôn ngữ hội hoạ. Lụa là chất liệu mang tính trong suốt nhưng rất bền, vừa mong manh nhưng lại vững chắc. Và tôi yêu điều đó”- Lê Hoàng Bích Phượng tự tin khẳng định con đường nghệ thuật của mình.
Triển lãm “Bên kia những ngọn đồi” của Lê Hoàng Bích Phượng đang diễn ra tại không gian nghệ thuật Manzy (Hà Nội) và kéo dài đến hết ngày 2/10/2017.
Sống với tĩnh lặng
Vì công việc đòi hỏi tính tỉ mẩn nhiều nên Phượng thích sự tĩnh lặng. Dù sống giữa thành phố ồn ào, náo nhiệt, cô vẫn cố tìm cho mình một góc nhỏ hướng ra công viên yên tĩnh để làm xưởng vẽ. Đó là một căn phòng vuông vắn, hoàn toàn trống rỗng với những mảng tường trắng trơn và không có bất kỳ họa tiết hay đồ vật trang trí nào. Phượng bảo, cô không muốn bị phân tâm bởi yếu tố nào khác ngoài công việc của mình, vậy nên cũng cũng không muốn có những đồ vật khiến mình phải lau chùi dọn dẹp. Mọi thứ nên thật đơn giản. Xưởng vẽ của Phượng có rất nhiều cửa sổ, chan hòa ánh sáng mặt trời, tĩnh lặng nhưng cũng nghe thấy tiếng chim hót. Chỉ cần rảnh rỗi là cô lao ngay đến đó.
Nếu không thấy Phượng ở xưởng vẽ, thì có nghĩa cô đang đi tìm cảm hứng, bằng cách đọc sách, hoặc đi… dạo chợ. “Mỗi lần đi chợ, tôi thường quan sát những thứ xung quanh. Như khoai tây chẳng hạn, tôi thấy đặc tính của khoai tây khá thú vị, như cách khoai tây được trồng như thế nào. Tôi cũng bị cuốn hút bởi lựu và đặc biệt thích màu sắc của loại quả này”.
Phượng cũng hay nảy ra ý tưởng lúc… tắm. “Có thể lúc đó tôi dùng vòi hoa sen xối qua tóc của mình rồi một ý tưởng bất ngờ xuất hiện. Tôi cứ đứng đó và nghĩ mãi. Tôi rất thích nước. Đắm mình trong nước khiến mọi thứ đều thanh sạch và rõ ràng”.
Khi đã có những ý tưởng hay ho, Phượng không vội vàng bắt tay vào vẽ ngay. Cô đến xưởng và ngồi im, nhắm mắt trong không gian yên tĩnh, để đầu óc mình bay bổng rồi mới vẽ vài nét. “Tôi nghĩ đến những ngón tay, những củ khoai tây, những màu lựu, những suối tóc. Rồi tôi vẽ lại chúng theo trí nhớ của tôi. Tôi tưởng tượng hình dáng tác phẩm khi được hoàn thiện, và bắt đầu phác thảo. Sau rất rất nhiều lần phác thảo, tôi sẽ chọn ra tấm thích nhất và bắt đầu vẽ”.
Tuy nhiên, cũng có những lúc bị tụt cảm hứng, đầu óc rơi vào trạng thái hoàn toàn trống rỗng, Phượng sẽ nằm xuống và cố tránh ý nghĩ mình đang bí ý tưởng. Nhiều khi, cứ nằm thế cả ngày. Thậm chí, không thoát ra được, lại phải bật dậy hẹn hò bạn bè hoặc chạy ra quán ăn thật nhiều đồ ngọt.