Lễ cầu ngư 'đặc biệt' của làng Nam Ô

Tiếng mõ khai lễ cầu ngư làng Nam Ô nhắc nhở bao điều. Ảnh: Nguyễn Thành.
Tiếng mõ khai lễ cầu ngư làng Nam Ô nhắc nhở bao điều. Ảnh: Nguyễn Thành.
TP - Hôm qua (1/4), lễ cầu ngư của làng Nam Ô được tổ chức đúng theo lịch thường niên của dân làng (16/2 âm lịch) đã trở thành buổi lễ “đặc biệt” nhất trong lịch sử hơn 700 năm của ngôi làng chài cổ này.

Làng Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, hình thành song song với quá trình mở đất phương Nam của cha ông ta. Trải qua nhiều thế kỷ, nơi đây đã hình thành nên đời sống tinh thần và tâm linh khá phong phú với hệ thống di tích lịch sử, tâm linh có giá trị. Vệt giải toả để xây dựng khu du lịch sinh thái Nam Ô có đi ngang qua các di tích thờ phụng mà nhân dân và các chư phái tộc làng Nam Ô đang gìn giữ. Lăng Cá Ông, Dinh Âm hồn, Miếu bà Liễu Hạnh… nằm gọn trong vệt dự án, giờ trơ trọi sau khi nhà cửa của dân làng được chính quyền địa phương giải tỏa, để bàn giao đất cho chủ đầu tư.

Theo ngư dân địa phương, lăng Cá Ông ở làng Nam Ô được xây dựng từ thời vua Gia Long (1802). Lúc đầu lăng có kiến trúc như sườn gỗ, tường đá trát vôi vữa, mái lợp lá kè; đến năm Tự Đức thứ 4 (1851), lăng được tôn tạo to đẹp hơn. Năm Bảo Đại thứ 10 (1935), lăng được làm mới, mái lợp ngói âm dương, từ đó đến nay lăng được sửa chữa, gia cố nhiều lần nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, tôn nghiêm, nằm trên khuôn viên rộng chừng 360m2, cách mép nước biển khoảng 50m ở khu vực tổ 35, phường Hòa Hiệp Nam.

Lăng là nơi cất giữ hài cốt cá Ông đã được cải táng. Trong lăng hiện có một ngôi mộ Ngư Ông còn khá mới. Tương truyền Ngư Ông sau khi bị lụy trôi dạt vào bờ sẽ được người dân mai táng, sau 3 năm sẽ được bốc cốt đưa vào lăng để thờ. Đến nay, tại lăng thờ tự hơn 40 bộ hài cốt Ngư Ông. Hằng năm, dân làng Nam Ô tổ chức lễ cầu ngư với niềm mong ước, khát vọng được thần Nam Hải che chở, bảo vệ cho những chuyến ra biển đánh bắt.

Lễ cầu ngư năm nay, dân làng Nam Ô vẫn tổ chức nhưng sẽ là lễ hội vắng vẻ nhất từ trước đến nay khi vắng đi bóng dân làng. Cảnh xưa không còn, dân làng đi hết nên phần hội với những hoạt động sôi nổi đã không còn. Lễ hội cầu ngư đã mất đi một nửa giá trị văn hóa truyền thống vốn có.

Ông Huỳnh Văn Thắng (75 tuổi), Trưởng ban nghi lễ làng Nam Ô, chia sẻ: Vì chủ trương chung của thành phố nên dân làng đã đồng thuận, tự tháo dỡ nhà cửa, nhường đất cho dự án. Dân làng di dời, nhưng nghi lễ truyền thống của dân làng không thể bỏ. Năm nay, dân làng tổ chức nghi lễ nhưng ai cũng trĩu nặng lòng, cảm thấy buồn vì cảnh vật nay đã khác xưa, dân làng tan tác, con cháu vắng thưa người về. Hội không còn, chỉ còn phần lễ để bậc cao niên tưởng nhớ tiền nhân, thần linh, cầu khấn rồi đây mọi việc sẽ êm bề, di tích nghi lễ còn mãi với thời gian.

“Buồn lắm. Đau lắm. Nhưng phải đành vậy. Âu cũng là sự thăng trầm của lịch sử. Giờ làng không còn, nhưng tín ngưỡng, tâm linh vẫn phải giữ nguyên”, ông Thắng tâm sự.

Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô, nói rằng, bao đời nay, người dân Nam Ô bám biển, những dinh, lăng, miếu thờ tự hay ghềnh đá Nam Ô gắn với huyền tích Huyền Trân công chúa là những phần hồn cốt của làng Nam Ô. Những nghi lễ truyền thống là nét văn hóa độc đáo hiếm nơi nào có được. Mảnh đất giàu truyền thống này đang chờ sự đổi thay, nhưng theo ông Vinh, phát triển không có nghĩa rũ bỏ quá khứ, quên công ơn của tiền nhân giữ đất giữ làng. Người dân cảm thấy vui khi hay tin thành phố quyết giữ lại những công trình linh thiêng của dân làng Nam Ô, giữ lại ghềnh đá. Đó là việc làm đúng đạo lý, nhân văn để giữ lại phần nào ký ức cho làng chài, cho con cháu mai sau.

 “Dân làng chỉ mong những lăng miếu rồi đây sẽ được tôn tạo, sửa sang lại khuôn viên cho tươm tất, sạch đẹp, xứng đáng với giá trị văn hóa, lịch sử của từng công trình. Trải qua bao chiến tranh, thăng trầm, khó khăn, dân làng đã gìn giữ được. Chẳng lẽ giữa thời bình này, chúng ta không níu giữ lại được chút ký ức cuối cùng cho chính con cháu chúng ta”, ông Vinh trăn trở.

Nước được múc lên từ giếng Chăm cổ trong vắt bên cạnh lăng để nấu nướng cho lễ cúng Ngư Ông. Nghi lễ kết thúc, bữa cơm thân mật của dân làng soạn ra, quây quần dưới mái lăng là một nét đẹp công đồng.

Thời gian qua, câu chuyện làng Nam Ô xôn xao dư luận xung quanh việc chặn lối xuống biển và di dời các di tích, dinh, miếu linh thiêng. Nhưng nay chính quyền thành phố đã quyết định để nguyên các di tích, bà con cũng phần nào ấm lòng.

MỚI - NÓNG