Lê Bảo Quốc khai có quan hệ với cán bộ TAND Tối cao

Lê Bảo Quốc khai có quan hệ với cán bộ TAND Tối cao
Sau khi bị bắt, luật sư chạy án Lê Bảo Quốc đã khai ra những mối quan hệ của mình ở các cơ quan pháp luật. Trong số này có ông Đặng Xuân Đào - thẩm phán kiêm Trưởng ban Thư ký TAND Tối cao.

Điều này khá trùng khớp với đơn tố cáo một công dân Hà Nội, ông Hoàng Minh Chính, gửi trung tướng Nguyễn Việt Thành (Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát).

Theo lá đơn, ông Chính mang ơn cứu mạng của một người bạn ở TPHCM. Năm 2004, người này rơi vào vòng kiện tụng, với kết quả là bản án phúc thẩm của TAND TPHCM tuyên huỷ hợp đồng mua bán nhà đã thực hiện từ hơn 20 năm trước, và buộc ông này phải trả lại nhà. Để trả ơn bạn, ông Chính viết nhiều đơn kêu cứu tới các cơ quan trung ương.

Tháng 1, khi ra Hà Nội, Lê Bảo Quốc bằng cách nào đó nắm bắt được một số vụ việc oan khuất mà TAND Tối cao đang giải quyết. Trong số này có cả việc bạn ông Chính. Quốc đến nhà ông Chính, khoe khoang quen biết nhiều người ở TAND Tối cao trực tiếp thụ lý, giải quyết các vụ kêu oan. Qua họ, Quốc đã giúp giải quyết nhiều vụ khó khăn, phức tạp ở TPHCM.

Trong những người mà Quốc đề cập có ông Đặng Xuân Đào. Quốc nói thẳng: Nếu không nhờ Quốc và qua ông Đào - người gác cổng cho lãnh đạo TAND Tối cao - thì dù các cấp tòa có trình xin kháng nghị bản án vì có oan khuất, cũng không thể tới được lãnh đạo. Thậm chí, chỉ cần chậm vài ngày để việc thi hành án xong xuôi, thì lúc đó có trình cũng muộn, vì hiếm khi án đã thi hành bị lật lại.

Ông Chính cho biết, để chứng minh quan hệ, Quốc đã bấm điện thoại cố định, trao đổi với ông Đào. Qua điện thoại, Quốc nói rõ là nhờ ra kháng nghị bản án mà TAND Tối cao đang xem xét. Đầu dây bên kia trả lời đồng ý và nói trong một tuần là xong. Trao đổi một lúc, đầu dây bên kia hỏi Quốc đang nói ở số máy nào đó. Quốc trả lời: “Nhà người quen”. Bên kia ngắt luôn: “Thôi chuyện đó để lúc khác hãy nói”... Toàn bộ cuộc trao đổi đã được ông Chính ghi lại.

Bị các quan hệ của Quốc thuyết phục, ông Chính đã bấm bụng gọi con cái góp đủ 500 triệu đồng, ký hợp đồng nhờ Quốc lo việc kháng nghị với mong muốn trả ơn người đã cứu mạng mình. Vụ án sau đó được TAND Tối cao ra kháng nghị hủy toàn bộ để xét xử lại từ sơ thẩm.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ông Chính, việc kháng nghị hoàn toàn chỉ căn cứ vào nội dung vụ án và đúng pháp luật. Quốc có chăng chỉ tác động thúc đẩy, chi tiền “đón gió” thông tin giải quyết vụ án... Về sau, Quốc giải thích chi phí cho việc đó là 425 triệu đồng giao thẳng tay ông Đào, Quốc chỉ hưởng phần còn lại.

Ngoài vụ Quốc nhận 3 tỷ đồng để “cản đường” kháng nghị vụ tranh chấp đất đai ở Bình Dương giữa bà Trần Thị Ngọc và Ngô Thị Đăng Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Bình Dương đang tiếp tục xác minh nhiều vụ “chạy án” khác liên quan đến Quốc, trong đó có việc của ông Chính.

Về phía TAND Tối cao, sau khi có dư luận về quan hệ của Quốc với người trong tòa, đã yêu cầu những cán bộ này giải trình. Đã có hai người nộp bản giải trình: một thẩm tra viên ở Tòa dân sự TAND Tối cao và cán bộ văn thư.

Việc giải trình cho thấy, vụ tranh chấp xảy ra giữa bà Trần Thị Ngọc và bà Ngô Thị Đăng Nam, liên quan đến hợp đồng bán lô đất vườn 86 ha tại Vĩnh Hòa, Phú Giáo, Bình Dương khá phức tạp, nhiều cơ quan ban ngành quan tâm.

Trong quá trình giải quyết, tòa địa phương đã báo cáo lên TAND Tối cao. Một thẩm tra viên Toà dân sự TAND Tối cao được giao nghiên cứu, cho ý kiến trao đổi nghiệp vụ. Sau đó, cả hai cấp tòa sơ thẩm của Bình Dương, phúc thẩm của TAND Tối cao tại TP HCM đều tuyên huỷ hợp đồng chuyển nhượng đất, buộc bà Nam trả lại đất cho bà Ngọc, và ngược lại bà Ngọc hoàn trả tiền đã nhận cho bà Nam.

Nhưng không lâu sau khi án phúc thẩm tuyên, bà Nam đã khiếu nại giám đốc thẩm. Đơn gửi lên đại biểu Quốc hội và sau đó chuyển về cho lãnh đạo TAND Tối cao. Để có thời gian nghiên cứu hồ sơ, lãnh đạo TAND Tối cao đã ra công văn yêu cầu hoãn thi hành án.

Việc nghiên cứu, soạn thảo công văn này được giao cho thẩm tra viên kể trên. Dưới sự giám sát của một phó chánh Tòa dân sự, công văn được thảo, Phó chánh án Nguyễn Như Bích ký, chuyển văn thư đóng dấu.

Theo thẩm tra viên này, công văn được lập 15 bản, đóng dấu đỏ, và theo đường công văn đều chuyển đến đúng địa chỉ. Căn cứ hoãn thi hành án cũng như thủ tục chuyển công văn không có gì thiếu sót.

Những người có kinh nghiệm trong hoạt động tòa án cho rằng, rất có thể Lê Bảo Quốc đón trước được chiều hướng sự việc, là có hoãn thi hành án nhưng khó có thể ra kháng nghị. Bởi khi xét xử, tòa địa phương đã có trao đổi nghiệp vụ với TAND Tối cao. Trên cơ sở này, Quốc mới dùng công văn của TAND Tối cao lòe bà Ngọc - người đang rất sợ bản án phúc thẩm bị hủy.

Nhưng vấn đề đặt ra ai là “tay trong” giao cho Lê Bảo Quốc văn bản dấu đỏ, và trước đó đã fax bản sao làm tin. TAND Tối cao đã có văn bản kiến nghị cơ quan điều tra làm sáng tỏ việc này.

MỚI - NÓNG