Lấy ý kiến về ga ngầm bên hồ Hoàn Kiếm: Cần phương án bảo tồn di sản

Người dân Thủ đô tham quan, đóng góp ý kiến về quy hoạch nhà ga C9. Ảnh: Duy Phạm.
Người dân Thủ đô tham quan, đóng góp ý kiến về quy hoạch nhà ga C9. Ảnh: Duy Phạm.
TP - Trao đổi với Tiền Phong, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, vị trí nhà ga ngầm C9 đặt cạnh hồ Hoàn Kiếm là hợp lý. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu giải pháp về bảo vệ di sản, hệ thống cây xanh phía trên và hình thức thiết kế các lối lên xuống phù hợp với cảnh quan.

Nhiều ý kiến đồng tình

Từ ngày 9/3, theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Ban Quản lý dự án đường sắt Hà Nội công khai quy hoạch tổng thể mặt bằng Ga ngầm tuyến đường sắt trên cao đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo nằm cạnh hồ Hoàn Kiếm (C9) để lấy ý kiến đóng góp của người dân trước khi hoàn thiện để phê duyệt, chuẩn bị cho quá trình đầu tư xây dựng. Theo phương án quy hoạch, ga ngầm C9 được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa hồ Hoàn Kiếm. Nhà ga dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m, có 3 tầng. Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới hồ Hoàn Kiếm khoảng 10m, tới tượng đài Cảm tử 81m, đến đền Bà Kiệu 83m, đến Tháp Bút 36m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120m. Ga có bốn cửa lên xuống, gồm cửa số 1 được bố trí cùng cụm công trình phụ trợ trong khuôn viên Tổng Cty Điện lực Hà Nội; cửa số 2 có một phần nằm trên vỉa hè đường Trần Nguyên Hãn và trên một phần đất của Tổng Cty Điện lực miền Bắc; cửa số 3 đặt bên cạnh thân ga trên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm; cửa số 4 bố trí phía sau tượng đài Cảm tử, phố Hàng Dầu.

Góp ý về phương án quy hoạch, nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng công trình ga C9 rơi vào một vị trí cực kỳ nhạy cảm nên nhận được sự quan tâm của nhiều giới, nhiều người. Những người có trách nhiệm với Thủ đô, với đất nước đã tính toán một cách kỹ lưỡng, tham khảo rộng rãi ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu nhằm tìm ra những giải pháp hợp lý. Sau khi được chủ đầu tư tham vấn, bản thân ông cũng đã có những ý kiến phản biện, thậm chí là rất gay gắt. “Rất mừng là ý kiến đã được ghi nhận để chỉnh sửa nên cá nhân tôi thấy rất yên tâm. Giờ là lúc các cơ quan chức năng phải tập trung tuyên truyền giải thích nhằm tạo được sự đồng thuận trong đông đảo nhân dân”, ông Lan bày tỏ. Trong khi đó, theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội), việc đặt ga ngầm ở hồ Hoàn Kiếm đã được thảo luận nhiều lần nhưng dư luận chưa hết băn khoăn. Ông cho biết, đã nhiều lần giới kiến trúc sư có ý kiến đưa vị trí ga lùi xa hồ, có ý kiến đề nghị dịch chuyển ga về phía sông Hồng để tạo ra những giá trị đô thị mới và bảo tồn nguyên vẹn không gian hồ Hoàn Kiếm. Ông Ánh cho rằng, Hà Nội đã thành công trong việc tổ chức không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, làm nên sự hài hoà trong bức tranh đô thị. Nhưng nếu xây ga C9 cạnh hồ, sẽ làm tăng lưu lượng người và phương tiện, như vậy là mâu thuẫn với mục đích của việc tổ chức không gian đi bộ là tạo một không gian tĩnh ở trung tâm Thủ đô. Không chỉ nhận được ý kiến góp ý của các chuyên gia, bản quy hoạch nhà ga C9 cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của người dân. Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Ban tổ chức triển lãm cho biết, đến trưa 11/3, đã tiếp nhận hàng nghìn lượt khách đến tham quan, nhận được khoảng hơn 200 văn bản đóng góp ý kiến, trong đó có nhiều người nước ngoài. “Đa phần các ý kiến đều đồng tình với phương án quy hoạch”, người này nói.

Phải bảo vệ cảnh quan, di sản

Là người tham gia đóng góp ý kiến ngay từ đầu về quy hoạch nhà ga C9, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm khẳng định, tuyến đường sắt đô thị đi qua hồ Hoàn Kiếm là rất cần thiết, nằm trong định hướng phát triển Hà Nội, đặc biệt là định hướng phát triển hệ thống giao thông đã được nghiên cứu cẩn thận, lấy ý kiến của nhiều cơ quan tư vấn, cả chuyên gia nước ngoài. “Đây là cơ sở pháp lý, là điều kiện thuận lợi cho phát triển, nhưng bố trí nhà ga ở khu vực hồ Hoàn Kiếm là di tích quốc gia đặc biệt, cần phải tuân thủ những quy định của bảo tồn di sản”, ông Nghiêm nói. Theo ông Nghiêm, việc quy hoạch nhà ga này cũng tuân thủ hiến chương bảo tồn di sản mà Việt Nam đã tham gia, yêu cầu đối với các khu đô thị lịch sử, các khu di tích, việc bảo tồn là cần thiết để tạo ra đặc thù đô thị nhưng không phải bảo tồn để giữ một cơ thể chết mà phải phát huy giá trị để cho nó sống và quảng bá được giá trị của nó. “Lúc đầu nhà ga C9 đặt ở vị trí không thích hợp, quá sát mép nước, lấn chiếm khu vực Tháp Bút. Sau nhiều lần nghiên cứu và đặc biệt tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, tôi thấy vị trí ga hiện nay là có thể chấp nhận được. Một số chuyên gia, nhà sử học cũng bày tỏ ủng hộ khi nhà ga sẽ là một trong những điều kiện thuận lợi để phát huy giá trị của di tích quốc gia hồ Hoàn Kiếm, đồng thời tăng cường ý nghĩa, chức năng của khu trung tâm cảnh quan đang chuyển hóa thành khu đi bộ và giữ gìn, bảo tồn phát huy giá trị truyền thống”, ông Nghiêm nói.

Tuy nhiên, theo ông Nghiêm còn một số vấn đề cần tiếp tục tham khảo ý kiến, nghiên cứu. Thứ nhất, việc làm ga ngầm phải có kỹ thuật để đảm bảo không ảnh hưởng gì đến hệ sinh thái, cụ thể là hệ thống cây xanh bên trên nhà ga. “Bài học Hà Nội vấp phải trước đây khi làm một số ga ngầm như ở Vườn hoa Lý Thái Tổ, ga ngầm bên cạnh vườn hoa Tao Đàn hay ga ngầm ở vườn hoa Hàng Đậu giải quyết được khâu kết nối nhưng thiếu giải pháp kỹ thuật để bảo tồn cây xanh ở phía trên. Vì vậy, cần phải xem xét, có nghiên cứu vững chắc hơn nữa để bảo tồn hệ thống cây xanh bên trên nhà ga C9”, ông Nghiêm nói. Bên cạnh đó, ông Nghiêm cũng cho rằng, hiện nay giải pháp thiết kế kiến trúc các lối lên xuống nhà ga C9 còn quá khiên cưỡng và quá mới. “4 cửa lên xuống thì 3 cửa tương đối hợp lý, còn cửa lên xuống khu vực đền Bà Kiệu cần phải xem xét lại. Cũng cần phải đưa ra hình thức kiến trúc phù hợp với giá trị di sản hồ Hoàn Kiếm. Không thể đưa kiến trúc hiện đại, càng không thể đưa kiến trúc “nhại” cổ được”, ông Nghiêm góp ý. Ông Nghiêm cũng nhấn mạnh, khi xây dựng nhà ga C9, cần quan tâm đến việc tổ chức giao thông, kết nối các tuyến đường công cộng để người dân đi bộ vào khu vực nhà ga thì mới bảo tồn và phát huy giá trị toàn bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội), việc đặt ga ngầm ở hồ Hoàn Kiếm đã được thảo luận nhiều lần nhưng dư luận chưa hết băn khoăn. Ông cho biết, đã nhiều lần giới kiến trúc sư có ý kiến đưa vị trí ga lùi xa hồ, có ý kiến đề nghị dịch chuyển ga về phía sông Hồng để tạo ra những giá trị đô thị mới và bảo tồn nguyên vẹn không gian hồ Hoàn Kiếm. Ông Ánh cho rằng, Hà Nội đã thành công trong việc tổ chức không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, làm nên sự hài hoà trong bức tranh đô thị. Nhưng nếu xây ga C9 cạnh hồ, sẽ làm tăng lưu lượng người và phương tiện, như vậy là mâu thuẫn với mục đích của việc tổ chức không gian đi bộ là tạo một không gian tĩnh ở trung tâm Thủ đô.

MỚI - NÓNG