Lấy nước sông Hồng “súc rửa” sông Tô Lịch, Hồ Tây: Khả thi đến đâu?

Ô nhiễm trên sông Tô Lịch và kéo dài cả 14 km qua 6 quận, huyện Hà Nội. Ảnh: T.Ðảng
Ô nhiễm trên sông Tô Lịch và kéo dài cả 14 km qua 6 quận, huyện Hà Nội. Ảnh: T.Ðảng
TP - Thời gian qua có nhiều đơn vị đề xuất được xử lý tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch và Hồ Tây. Tuy nhiên nhiều nhà khoa học cho rằng, nếu không thu gom triệt để được nước thải sinh hoạt thì rất khó thực hiện được việc này.

3 giải pháp xử lý “nước chết” sông, hồ

Sau nhiều lần cá chết tại Hồ Tây, cuối năm 2018 Cty Thoát nước Hà Nội đã tổ chức hội thảo để bàn về vấn đề xử lý ô nhiễm nước tại đây đồng thời tạo dòng chảy xử lý ô nhiễm trên sông Tô Lịch. Đề cập đến phương án xử lý, lãnh đạo Cty Thoát nước cho biết, với hệ thống thu gom nước thải xung quanh Hồ Tây đã cơ bản hoàn thiện, riêng sông Tô Lịch thành phố đang triển khai dự án thu gom, xử lý tại Yên Xá (Thanh Trì). Với hệ thống nước tại Hồ Tây, sau khi nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của các đơn vị có chức năng, đơn vị đưa ra 3 phương án bổ cập nước cho hồ Tây và tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch, bao gồm: Lấy nước ngầm thông qua các giếng khoan; Lấy nước sông Nhuệ; Lấy nước từ sông Hồng.

Trao đổi với báo chí cuối tuần qua, đại diện lãnh đạo Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, sau buổi hội thảo, từ các ý kiến trao đổi, đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị đã đưa ra giải pháp cụ thể. Theo đó, giải pháp đề xuất của Cty Thoát nước là lấy nước từ sông Hồng bổ sung cho Hồ Tây. Dự án có tên là “Đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước Hồ Tây”, công suất thiết kế trạm bơm trên 150.000m3 ngày đêm, hiện dự án đã được đơn vị trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt thực hiện”, lãnh đạo Cty Thoát nước thông tin.

Sau Cty Thoát nước, đầu năm 2019, Cty CP Hạ tầng Phương Bắc cũng có đề xuất với thành phố Hà Nội sẽ cải tạo sông Tô Lịch thành sông có dòng chảy tự nhiên. Theo đó, đơn vị này thực hiện cải tạo hệ thống thoát nước thải thành hệ thống đi riêng, nước đổ ra sông sẽ là nước mưa và nguồn nước sạch tự nhiên; xây dựng lại hệ thống kè để tiết kiệm không gian, quỹ đất. Dự án có tính đến sự kết nối với sông Hồng và một số hồ hiện có như Hồ Tây…

Tiếp đó, vào đầu tháng 4/2019, trong chuyến làm việc tại Hà Nội, đoàn chuyên gia về môi trường của Nhật Bản do tiến sĩ Tadashi Yamamura dẫn đầu đã đưa ra ý tưởng, tài trợ thành phố miễn phí thiết bị để thí điểm xử lý ô nhiễm một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ bio-nano.

Khả thi đến đâu?

Cho ý kiến về tính khả thi của 3 giải pháp của 3 đơn vị trên, một số  nhà khoa học, chuyên gia môi trường cho rằng, phương án lấy nước từ sông Hồng để bổ cập, đồng thời tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch thực chất là phục hồi lại dòng chảy cho cả Hồ Tây và sông Tô Lịch. Theo các chuyên gia, từ xưa cả Hồ Tây và sông Tô Lịch đều là một nhánh của sông Hồng, tuy nhiên do quá trình bồi đắp, xây dựng phát triển, hệ thống sông, hồ này bị tách rời khỏi sông Hồng.

Nhiều chuyên gia nhà khoa học đồng tình với việc lấy nước từ sông Hồng để bổ cập cho Hồ Tây đồng thời tạo dòng chảy ra sông Tô Lịch. Đánh giá về  phương án này, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, nếu triển khai được thì đây sẽ là phương án làm một mà đạt hai kết quả. Cụ thể, chỉ cần lấy được nước sông Hồng vào Hồ Tây, lập tức lượng nước được lưu thông sẽ đẩy ra sông Tô Lịch theo hệ thống kênh vốn có. Cùng với cảnh quan, mặt nước trên Hồ Tây và sông Tô Lịch đủ điều kiện để phát triển du lịch, giao thông. 

GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng cho rằng: Việc cải tạo này là chỉ thật sự khả thi khi hệ thống nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý bằng hệ thống riêng. Theo ông Võ, việc cải tạo các sông hồ ô nhiễm các nước Châu Âu, đặc biệt là các nước Pháp, Anh… đã làm rất thành công và hiện nay họ có các con sông rất tự nhiên, thơ mộng như sông Seine (Pháp), Thames (Anh)…

Tuy nhiên PGS-TS Bùi Thị An, cũng lưu ý, trước khi thực hiện phương án lấy nước từ sông Hồng vào Hồ Tây, đơn vị thực hiện cần tính toán để đưa ra mực nước chuẩn, tránh tình trạng biến hồ thành “túi nước” khi mưa lớn, làm giảm khả năng chống ngập cho thành phố. Cùng với đó, do đô thị hóa, chất lượng nước sông Hồng hiện nay không còn được như xưa nên trước khi đưa nước vào hồ cần có hệ thống kiểm tra, xử lý tạp chất.

MỚI - NÓNG