Lầu Năm Góc nói đồng minh NATO đang đe dọa an toàn binh sĩ Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Quân đội Mỹ cho biết các cuộc không kích gần đây của đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria "đe dọa sự an toàn" của các binh sĩ Mỹ vẫn còn ở nước này. Washington tin rằng sự leo thang hơn nữa của tình hình có thể làm tổn hại đến nỗ lực đánh bại tàn dư của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Lầu Năm Góc nói đồng minh NATO đang đe dọa an toàn binh sĩ Mỹ ảnh 1
Khói bốc lên từ một kho chứa dầu ở gần thị trấn Qamishli, Syria, bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ tấn công ngày 23/11. Ảnh: AP

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 23/11, Lầu Năm Góc bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình trạng gia tăng căng thẳng ở Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, lưu ý rằng các cuộc không kích của Ankara nhằm vào các nhóm dân quân người Kurd hồi đầu tuần này có nguy cơ gây tổn hại cho các lực lượng Mỹ đóng quân gần đó.

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho biết: “Các cuộc không kích gần đây ở Syria đã đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của các binh sĩ Mỹ ở nước này. Họ đang cùng các đối tác địa phương đánh bại IS và duy trì việc giam giữ hơn 10.000 tù nhân IS. Sự leo thang này đe doạ tiến trình kéo dài nhiều năm của Liên minh Đối phó IS Toàn cầu.”

Chỉ một ngày trước đó, Nhà Trắng đã lên tiếng ủng hộ chiến dịch “Claw-Sword” mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành ở Syria và Iraq.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói rằng “Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tục hứng chịu mối đe dọa khủng bố, đặc biệt là ở phía Nam, do đó họ chắc chắn có quyền để tự bảo vệ mình và công dân của mình.”

Lầu Năm Góc cũng công nhận “những lo ngại về an ninh chính đáng” của Ankara, nhưng vẫn cảnh báo về “các hành động quân sự không phối hợp” ở Iraq – quốc gia, giống như Syria, có chung đường biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, vì cho rằng việc này có thể làm suy yếu chủ quyền của Baghdad. Lầu Năm Góc kêu gọi “giảm leo thang ngay lập tức” trong khu vực để “đảm bảo an toàn và an ninh cho lực lượng ở thực địa”.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một cuộc không kích và pháo kích vào miền Bắc Syria và Iraq vào ngày 20/11, sau khi đổ lỗi cho người Kurd về vụ đánh bom ngày 13/11 trên Đại lộ Istiklal của Istanbul khiến 6 người thiệt mạng và 81 người khác bị thương.

Đến thời điểm hiện tại, 254 "kẻ khủng bố" đã bị loại bỏ và 471 mục tiêu “khủng bố” ở Syria và Iraq đã bị tấn công.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa vượt qua biên giới Syria hoặc Iraq, mặc dù Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói với các phóng viên rằng chiến dịch "Claw-Sword” sẽ không chỉ giới hạn trong các cuộc không kích.

Theo ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sớm tiến hành một cuộc tấn công đổ bộ vào các khu vực do người Kurd kiểm soát. Tuy nhiên, ông trấn an chính phủ Iraq và Syria rằng hoạt động của Ankara không phải là thách thức đối với chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ của hai nước láng giềng, vì mục đích của chiến dịch là bảo vệ an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hơn 900 binh sĩ Mỹ vẫn đang đóng quân tại Syria, bảy năm sau khi cựu Tổng thống Barack Obama lần đầu tiên phê duyệt việc triển khai lực lượng đến quốc gia Trung Đông. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, hoạt động này đã công khai biến thành một chiến dịch nhằm “bảo vệ các mỏ dầu”.

Quân đội Mỹ hợp tác với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo, bất chấp sự phản đối từ chính phủ Syria, vốn nhiều lần yêu cầu chấm dứt sự hiện diện trái phép của quân đội Mỹ ở nước này.

Theo RT
MỚI - NÓNG