Latvia: Nghị sĩ chưa tiêm vắc xin bị giảm lương, không được bỏ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh hoạ: Euro News
Ảnh minh hoạ: Euro News
TPO - Những nghị sĩ Latvia từ chối tiêm vắc xin COVID-19 sẽ không được bỏ phiếu và tham gia các cuộc thảo luận. Quy định trên được Quốc hội Latvia bỏ phiếu thông qua hôm 12/11.

Latvia - một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở Liên minh châu Âu (EU) - đã trở thành quốc gia đầu tiên trong khối áp dụng quy định tiêm chủng đối với các thành viên quốc hội khi số ca COVID-19 tăng cao đe dọa áp đảo hệ thống y tế.

Theo quy định, những nghị sĩ không tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sẽ bị giảm lương, bị cấm bỏ phiếu và tham gia các cuộc thảo luận. Truyền hình nhà nước đưa tin đã có ít nhất 9 nghị sĩ Latvia từ chối tiêm chủng.

Quy định được 62/100 nghị sĩ ủng hộ và sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 15/11 đến giữa năm 2022. Nghị sĩ Janis Rancans cho rằng đây là một việc làm cần thiết để thúc đẩy niềm tin của công chúng về các chính sách của chính phủ trong việc hạn chế nguy cơ lây lan COVID-19.

Latvia - quốc gia 1,9 triệu dân - đã phát hiện 236.765 ca bệnh và 3.646 ca tử vong do COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát.

Ngoài Latvia, nhiều quốc gia khác như Hà Lan, Đức, Áo và Cộng hòa Séc cũng đã bắt đầu áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế chặt chẽ - đặc biệt nhằm vào đối tượng chưa tiêm chủng - để kiểm soát tình hình dịch COVID-19.

Tại Hà Lan, lệnh phong toả một phần đã được áp dụng từ ngày 13/11 và sẽ kéo dài 3 tuần. Các nhà hàng, cửa hiệu được yêu cầu đóng cửa sớm. Khán giả bị cấm tham gia các sự kiện thể thao.

Tại Đức, quyền Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết người dân sẽ bắt đầu được xét nghiệm COVID-19 miễn phí từ ngày 13/11. Một dự thảo luật sắp được ban hành ở Đức cũng sẽ cho phép chính phủ nước này tiếp tục áp dụng các biện pháp như bắt buộc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách ở nơi công cộng… cho đến tháng 3 năm sau.

Tại Áo, Thủ tướng Alexander Schallenberg cho biết chính phủ ngày 14/11 có thể sẽ ra quyết định về việc áp đặt một số lệnh cấm đối với những người chưa tiêm chủng.

Khoảng 65% dân số của Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) - bao gồm EU, Iceland, Liechtenstein và Na Uy - đã được tiêm đủ liều vắc xin. Nhưng tốc độ tiêm chủng đã chậm lại trong những tháng gần đây.

Giới chuyên gia khuyến cáo các quốc gia châu Âu nên mở rộng đối tượng tiêm liều vắc xin bổ sung - ngoài nhóm người cao tuổi, suy giảm miễn dịch - để tránh việc phải tái phong toả.

Trong thời gian tới, Na Uy sẽ triển khai tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ ba cho tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên. Hiện tại, quốc gia này mới chỉ tiêm liều tăng cường cho những người trên 65 tuổi. Từ ngày 1/12, Ý cũng sẽ bắt đầu tiêm vắc xin liều tăng cường cho những người trên 40 tuổi.

Tuy nhiên, các chuyên gia dịch tễ học cho rằng vắc xin không phải là biện pháp duy nhất giúp các quốc gia chiến thắng đại dịch về lâu dài.

Một số người lấy ví dụ Israel, vì ngoài tiêm chủng, quốc gia này còn tăng cường yêu cầu đeo khẩu trang và sử dụng “thẻ xanh” khi số ca bệnh tăng đột biến vài tháng trước.

Antonella Viola, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Padua của Ý, cho biết các biện pháp như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang cũng rất cần thiết đối với những người tập trung tại các địa điểm trong nhà.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.