Từ nguyên nhân bé tẹo
Phụ nữ dễ say ôtô hơn nam giới là hoàn toàn đúng, bởi theo lý giải của nhiều nhà khoa học, hệ thần kinh của phụ nữ dễ bị ảnh hưởng, tổn thương hơn nam. Kết luận này đã được chứng minh qua một nghiên cứu về sự điều hòa thăng bằng của não bộ.
Ảnh minh họa |
Cuộc nghiên cứu cũng cho thấy, chứng say tàu xe có nguyên nhân cơ bản từ cơ quan tiền đình nằm trong tai của chúng ta. Đây là hệ thống có cấu trúc phức tạp bao gồm bộ phận tiền đình (tiền đình xương, tiền đình màng) của ống tai, các sợi thần kinh dẫn truyền, nơi tiếp nhận và phân tích cảm giác thăng bằng ở tiểu não - đó là một hệ thống kiểm soát thăng bằng trong di chuyển, cử động và phối hợp động tác.
Khi ta quay đầu, hoặc đi lại, chạy nhảy… những cử động này sẽ tạo nên chuyển động nội dịch trong các ống bán khuyên. Sự chuyển dịch này sẽ kích thích vào các lông rung nhất định của tế bào trong mào thính giác. Luồng xung động cũng được truyền đi theo dây thần kinh tiền đình để báo cho não biết về chiều mỗi chuyển động của cơ thể.
Lý giải cho hiện tượng say tàu xe, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, do tàu xe chạy với vận tốc không đều, lại hay rẽ ngoặt ngoằn ngoèo… khiến người ngồi luôn dao động tròng trành, tư thế luôn dịch chuyển và không theo quy luật nhất định. Nếu người có khả năng thích ứng tốt thì không sao, nhưng với những người có cơ quan tiền đình quá mẫn cảm, kém thích ứng với sự thay đổi vị trí cơ thể thì chứng say tàu xe sẽ có dịp xuất hiện.
Khống chế những cơn say ôtô
Triệu chứng say tàu xe thường diễn ra theo chiều hướng leo thang: bắt đầu bằng cảm giác khó chịu trong người, dễ ngủ gật, buồn nôn, chóng mặt. Cảm giác buồn nôn càng lúc càng dữ dội hơn, kèm theo toát mồ hôi, tiết nước bọt và kết cục thường là nạn nhân bị nôn mửa, đôi khi lạnh toàn thân.
Dù những biểu hiện say tàu xe chỉ là một triệu chứng nhất thời, thường chấm dứt khi chuyến hành trình kết thúc và không để lại di chứng lâu dài với sức khỏe, nhưng chúng lại làm cơ thể người bị say rất khó chịu và gây cản trở trong việc đi lại. Một số mẹo nhỏ sau có thể giúp bạn khống chế được “cơn say” của mình:
- Trước ngày phải di chuyển bằng tàu xe, bạn cần thư giãn tinh thần tránh mệt mỏi.
- Trước khi đi nên ăn nhẹ, không để cơ thể quá đói, hoặc quá no vì dễ kích thích niêm mạc dạ dày gây nôn. Không dùng đồ uống có gas, không uống rượu trước và trong khi đi.
- Khi đã lên tàu xe, bạn nên ngồi ghế phía đầu xe để đỡ xóc, nếu đi tàu thì ngồi ở cuối đoàn tàu. Ngồi cạnh cửa thoáng gió. Tránh khói thuốc lào, thuốc lá.
- Khi xe chạy chỉ nên nhìn ra phía trước mặt, không nhìn phía sau, không nhìn gần hai bên đường để tránh cảm giác các vật đang di động ngược chiều với hướng đi của mình. Thỉnh thoảng nên vận động nhẹ nhàng cho khí huyết lưu thông.
- Đề nghị với bác tài nếu được thì 1-2 tiếng dừng xe một lần để các bạn hay say được thư giãn, và hạn chế tăng/giảm tốc đột ngột.
- Không đọc sách báo trên xe.
- Giữ cho nhiệt độ trong tàu xe vừa đủ mát mẻ, nên mở hé cửa để không khí lưu thông.
- "Đánh lạc hướng" cảm giác say xe bằng cách trò chuyện với bạn bè, tổ chức trò chơi tập thể trên xe…
Ảnh minh họa |
Những trợ giúp đặc biệt khi bạn say xe
Bạn có thể dùng thuốc để chế ngự những cơn say không mong muốn này như:
Cinnarizin: Các biệt dược: apotomin, cerepar, glanil, stugeron, vasozine... có tới hơn 60 tên thương mại. Thuốc dạng viên nén 10-15-25mg và 75mg. Dẫn chất piperazin làm giảm kích thích đến bộ phận tiền đình ở tai trong; gây giãn mạch não và ngoại vi (nhưng không ảnh hưởng đến huyết áp) còn có tác dụng kháng histamin và serotonin. Với người lớn, trước lúc khởi hành 30 phút uống 15-25mg để phòng ngừa STX. Thuốc có tác dụng phụ có thể gây buồn ngủ nhẹ. Nếu dùng liều cao có thể rối loạn tiêu hóa. Không uống rượu khi đang dùng thuốc.
Dimenhydinat: Các biệt dược: agolene, bontourist, dramamine, emedyl, lomarin... với khoảng 80 tên thương mại. Thuốc dạng viên nén 50mg; thuốc đạn 25 và 100mg. Là thuốc kháng histamin, chống nôn và chóng mặt. Người lớn, trước khi khởi hành 30 phút uống 1-2 viên để phòng ngừa. Hoặc đặt một viên thuốc đạn 100mg. Sau khi uống thuốc nếu cần cứ 4 giờ uống một viên. Không dùng thuốc cho phụ nữ có thai, hoặc người nuôi con bú. Không uống rượu khi đang dùng thuốc. Tác dụng phụ có thể gây buồn ngủ, quánh dịch nhày đường hô hấp, khô miệng, táo bón...
- Diphenhydramin: Các biệt dược: diphenacen, histaxin, luporvalin, nautamine, restamin... với gần 100 tên thương mại. Dạng thuốc viên nén 10mg, viên nang 25mg, ống tiêm 10-30mg. Là thuốc kháng histamin, còn có tác dụng an thần chống nôn và chống co thắt. Không dùng thuốc cho người có thai, hoặc đang nuôi con bú. Không uống rượu khi đang dùng thuốc. Thuốc có thể gây buồn ngủ, quánh dịch nhày phế quản, khô miệng, táo bón...
Scopoderm TTS: hoạt chất là scopolamin, là thuốc hệ điều trị qua da để dán vào da. Khi dán vào da dược chất trong miếng dán sẽ thấm xuyên qua da để vào tĩnh mạch dưới da, vào máu và cho tác dụng giảm
sự kích thích, giảm sự co thắt chống buồn nôn và nôn. Dán một miếng phía sau tai, ở chỗ da khô không có tóc, trước khi khởi hành 6-12 giờ để cho thuốc ngấm. Khi đến nơi gỡ miếng dán bỏ đi. Một miếng dán đủ để phòng cho một chuyến đi trong 72 giờ. Nếu đi lâu hơn, sau 72 giờ sẽ bỏ miếng cũ đi, và dán 1 miếng mới ở phía tai bên kia.
Dùng gừng: Nếu không muốn dùng thuốc hóa dược, hoặc trường hợp có chống chỉ định thì người say tàu xe có thể dùng gừng tươi hoặc bột gừng khô. Những nghiên cứu dược lý hiện đại đã chứng minh một số chất trong củ gừng có tác dụng kháng histamin, chống nôn, chống co thắt cơ trơn, có tác dụng phòng ngừa say tàu xe không kém so với thuốc hóa dược.
Lưu ý: Những dòng thuốc trên không được dùng cho trẻ em dưới 15 tuổi. Không dùng cho phụ nữ đang cho con bú. Khi dùng thuốc cần kiêng rượu. Ở một số người già khi dùng thuốc có thể bị lú lẫn, hoặc mờ mắt, ảo giác. Nếu bị thì ngừng dùng ngay - gỡ miếng dán bỏ đi.