Hiện đã có gần 600 DN FDI được kiểm tra, kết quả cho thấy, các DN này có những thủ thuật khá tinh vi, nhằm trốn thuế hàng ngàn tỷ đồng.
Truy thu ngàn tỷ
Theo Tổng cục Thuế, trong tổng số 585 DN FDI bị thanh tra do nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá trong 9 tháng đầu năm 2011, có 494 DN thuộc diện bị xử lý với nhiều kiểu vi phạm. Sai phạm phổ biến nhất được phát giác là hạch toán chi phí trước nhưng chưa chi; trích lập dự phòng chưa đúng quy định; chi phí không có hóa đơn, chứng từ, vượt định mức; hạch toán chi phí không phục vụ sản xuất kinh doanh; chi phí tiền lương, khấu hao không đúng quy định của Bộ Tài chính; nhập nguyên liệu giá cao nhưng bán sản phẩm giá thấp... Từ đó, nhiều DN lỗ kéo dài, trong khi vẫn mở rộng sản xuất.
Trong số DN bị kiểm tra, có 401 DN bị phát hiện có các sai phạm kể trên. Sau khi yêu cầu hạch toán lại, các DN này giảm lỗ 1.544 tỷ đồng, chiếm gần 54% tổng số giảm lỗ mà Tổng cục Thuế xác định được. Cùng đó, có 104 doanh nghiệp vi phạm hạch toán không đúng lãi vay làm số lỗ phát sinh thêm 258,8 tỷ đồng.
Chuyển giá qua thuế là việc DN chuyển lợi nhuận về nơi ưu đãi thuế hoặc nơi có chi phí nộp thuế thấp hơn. Hiện, do thuế thu nhập DN ở nhiều quốc gia trên thế giới thấp hơn Việt Nam (có thể chỉ 10-15% trong khi của Việt Nam là 25%) nên rất nhiều DN FDI có công ty mẹ tại nước ngoài đã cố tình vi phạm để thu lời cao hơn.
Ngoài ra các DN ngoại này còn có các mánh khác như ghi khống dịch vụ, quên hạch toán. Chỉ tính trên quyết định xử lý 9 tháng, ngành thuế đã loại khỏi số lỗ 3.754 tỷ đồng của các DN FDI.
Ngân sách nhà nước thu về thêm hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó có 978,8 tỷ đồng truy thu thuế; 86,9 tỷ đồng giảm khấu trừ; 272,4 tỷ đồng phạt vi phạm.
Kế hoạch thanh tra 1.276 DN FDI trong năm 2011 xuất phát từ cơ sở phân tích thông tin, các DN này có số lỗ lớn, liên tục, lỗ âm vốn chủ sở hữu nhưng vẫn đầu tư mở rộng.
Liên quan con số gần 90% DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc diện thanh tra trong 9 tháng năm 2011 bị phát hiện có dấu hiệu sai phạm về hạch toán chi phí và chuyển giá, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn lý giải: “Tỷ lệ lớn như vậy là do thanh tra theo nguyên tắc quản lý rủi ro (những DN có dấu hiệu nghi ngờ). Theo ông, việc kiểm tra sát sao các DN FDI lần này không chỉ truy thu cho ngân sách mà hướng tới một môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, giúp DN quản trị tốt hơn và nghiêm túc chấp hành pháp luật”.
Sẽ có biện pháp mới
Một cán bộ Thanh tra Tổng cục Thuế, chia sẻ: “Gần đây tôi cũng nghe ý kiến từ các đại biểu Quốc hội phản ứng gay gắt về vấn đề chuyển giá, nhưng có ai hiểu đi tìm chứng cứ về chuyển giá gian nan và khó như “mò kim đáy bể”.
Không chỉ ở ta, mà nhiều nước đây cũng là vấn đề nan giải đối với quản lý và thanh tra thuế”. Theo ông, chuyển giá từ lâu đã là chiêu được DN nhiều nước sử dụng và họ làm rất bài bản, tinh vi. Tại Việt Nam, ngay đến tài liệu điều tra về DN chuyển giá cũng thuộc dạng văn bản... mật.
Theo cán bộ trên, một cuộc thanh tra chuyển giá có lúc mất từ 5-7 năm, đòi hỏi những cán bộ rất giỏi về nghiệp vụ thuế, thanh tra và phải kiên trì. Lấy vụ 17 DN chè Đài Loan tại Lâm Đồng làm ví dụ (Tiền Phong đã có bài viết về vụ việc này). Đó thực sự là một cuộc đấu tranh quyết liệt.
Công ty mẹ lãi lớn, công ty con tại Việt Nam lỗ nhưng để tìm hiểu thông tin chè đó thực sự bán cho ai, giá bao nhiêu từ phía Đài Loan để lấy chứng cứ đối chứng là điều không đơn giản, cơ quan thuế không thể dễ dàng lấy được thông tin đó. Để làm, cán bộ thuế phải dò theo từng dấu vết, chứng cứ để cuối cùng sau 5 năm kiên trì đấu tranh, 10/17 DN mới chịu nhận đã vi phạm.
“Cái khó nhất hiện nay do Việt Nam là thị trường nhỏ nên dù đã có hiệp định về thuế, nhiều khi chúng ta vẫn thiệt. Nước Mỹ cần thông tin về cá tra, cá ba sa là chúng ta phải lục tung tất cả những dữ liệu kể cả thuế để cung cấp cho họ ngay, nếu không chúng ta sẽ mất bạn hàng, mất thị trường. Nhưng ngược lại, giả sử chúng ta cần thông tin từ một nước lớn, chúng tôi đã từng làm và không dễ dàng gì” - ông khẳng định.
Một lãnh đạo Tổng cục Thuế, cho biết: Về lâu dài chúng ta sẽ phòng hơn là chống. Thứ nhất, phải kiểm soát ngay từ lúc DN đặt chân vào đầu tư. Nhận dạng các chiêu lách thuế, cần phân loại từng đối tượng xem đặc thù của DN từng nước để đặt ra cách thức quản lý, đề phòng ngay từ đầu.
Thứ hai, cơ quan thuế phải có giải pháp thanh tra ngay từ khâu kê khai. Có thể phải sửa luật quản lý thuế theo phương thức quy định mức thu tối thiểu, mà hiện một số nước chưa có công nghệ quản lý tiên tiến đang áp dụng. Cùng đó, có thể ngành thuế sẽ đề nghị sửa Luật DN theo quan điểm hạn chế cấp phép đầu tư mở rộng, nếu DN báo lỗ những năm đầu.