Lật mặt vị Giám đốc lợi dụng chức vụ quyền hạn

3 bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Tân Châu.
3 bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Tân Châu.
TPO - Loạt bài điều tra công phu của Tiền Phong đã đưa ra ánh sáng những việc làm khuất tất của ông Trương Anh Kiệt trong thời gian đương chức giám đốc tại bệnh viện Bưu điện TPHCM.

Như tin đã đưa, chiều 29/3, sau 2 ngày xét xử, TAND TPHCM tuyên án vụ gây thất thoát gần 28 tỷ đồng tại Bệnh viện Bưu điện TPHCM.

Theo đó bị cáo Trương Anh Kiệt (nguyên Giám đốc bệnh viện) nhận mức án 6 năm tù; Phạm Anh Sửu (nguyên Trưởng phòng tài chính kế toán) 4 năm tù và Trương Bích Nguyệt (nguyên Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp) 3 năm tù, cùng tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 3 bị cáo cũng phải bồi hoàn 500 triệu đồng tiền chiếm hưởng cá nhân. Liên quan các khoản tiền trong 28 tỷ đồng chiếm đoạt của nhà nước mà trên vai trò giám đốc, Trương Anh Kiệt đã chi, Tòa cho rằng Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã khấu trừ vào lương cán bộ công nhân viên hoàn trả cho VNPT.

Theo nội dung bản án, Bệnh viện Bưu điện TPHCM trực thuộc VNPT, có chức năng khám chữa bệnh, điều dưỡng phục hồi cho cán bộ nhân viên trên 32 địa bàn các tỉnh, thành phía Nam. Từ năm 2009 đến hết năm 2011, với vai trò giám đốc bệnh viện, ông Kiệt đã chỉ đạo các phòng, khoa khám chữa bệnh  làm trái công vụ, lập khống 13 ngàn hồ sơ bệnh án điều dưỡng, điều trị nội trú để quyết toán khống số tiền trên 22 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ tiền ăn phục vụ hoạt động nội trú 5,7 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2013, Tiền Phong từng có loạt bài  phản ánh những tiêu cực tại bệnh viện này như “Bệnh nhân 'ma' ở Bệnh viện Bưu điện TPHCM”, ‘Để lái xe đo chiều cao, cân nặng bệnh nhân là sai luật’ và ‘Lộ diện bệnh nhân 'ma'.

Loạt bài điều tra công phu của Tiền Phong đã đưa ra ánh sáng những việc làm khuất tất của ông Trương Anh Kiệt trong thời gian đương chức giám đốc tại bệnh viện Bưu điện TPHCM.

Ngay sau khi Tiền Phong đăng loạt bài kể trên,  ông Kiệt và thuộc cấp từng sang cơ quan đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM để “giải bày” và mong báo không viết nữa, đồng thời mời phóng viên qua bệnh viện “gặp mặt” để trao đổi thân tình. Tuy nhiên, Tiền Phong từ chối yêu cầu này và tiếp tục vào cuộc một cách quyết liệt.  

Sau khi Tiền Phong đăng loạt bài, Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng vào cuộc. Hơn nửa năm sau, ngày 10/6/2014, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, điều tra làm rõ sai phạm của ông Trương Anh Kiệt cùng thuộc cấp. Trong 2 ngày 28-29/3, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án này và đưa ra những mức án kể trên.

MỚI - NÓNG