MẶT TRÁI MẠNG XÃ HỘI:

Lập thân, lập nghiệp online

TP - Mạng xã hội không chỉ đem lại sự nổi tiếng mà còn giúp một số người dùng thu về những khoản không nhỏ. Vì vậy, tâm lý háo danh, hám lợi khiến một bộ phận người dùng chìm đắm trong hào quang ảo tưởng của thế giới ảo. Sau bài viết Mặt trái mạng xã hội: Quyền lực ảo, hậu quả thật đăng trên Tiền Phong số ra ngày 3/3/2023, nhiều chuyên gia phân tích và đề xuất giải pháp quanh chuyện "háo danh trên mạng xã hội".

Nhiễu loạn cõi mạng

Người dùng mạng xã hội giao tiếp thông qua không gian ảo, bởi vậy họ dễ dàng tham gia vào nhiều vấn đề, bàn luận về nhiều người một cách tự do. Chuyên gia nghiên cứu văn hóa PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhìn nhận, có những ý kiến bàn đúng, sử dụng ngôn từ cẩn trọng nhưng chỉ chiếm số ít. Phần lớn người dùng mạng xã hội có cách bàn bạc, suy nghĩ cực đoan, nặng chê bai phê phán.

Ngày 24/2, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Đặng Thị Hàn Ni (46 tuổi, nhà báo, luật sư) để điều tra về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo điều 331 Bộ luật Hình sự. Bà Hàn Ni vướng nhiều lùm xùm liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam đã bị bắt giam) và bị bà Hằng tố giác. Dư luận biết đến cả hai người từ những vụ livestream đình đám quá đà trên mạng.PV

Tốc độ lan truyền thông tin trên mạng xã hội nhanh chóng mặt, dẫn đến tâm lý háo danh, bất chấp để nổi tiếng. “Nhiều người lập thân, lập nghiệp, kiếm tiền trên mạng xã hội. Suy cho cùng, họ đều muốn nổi tiếng. Có người cố tình đưa ra cách tiếp cận giật gân, phản cảm nhưng vẫn có lượng người hâm mộ nhất định. Các nền tảng mạng xã hội không thiếu những nhân vật nói năng tục tĩu, đập phá đồ đạc… Họ hành xử thiếu văn hóa, thậm chí vi phạm pháp luật nhưng vẫn được tung hô”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung nêu.

Mạng xã hội vừa phản ánh lệch lạc bản chất con người, vừa dễ gây ra sự tha hóa, biến chất trong văn hóa ứng xử. Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, người dùng mạng xã hội có thể kiếm lời qua hai con đường: các nền tảng mạng xã hội trả tiền cho tài khoản có nhiều lượt xem, theo dõi, một số khác nổi tiếng nhờ tai tiếng, chuyển hướng bán hàng trên mạng sau khi được cộng đồng mạng chú ý.

Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Facebook, TikTok... không khó để lướt trúng những nội dung độc hại, cắt ghép, xuyên tạc nội dung, những lời nói cử chỉ thiếu văn minh và hoàn toàn mang tính chất giật gân.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, một trong những vấn đề “nóng” hiện nay là việc xuất hiện một nhóm công chúng mới - công chúng trên mạng xã hội. Họ có thị hiếu, mối quan tâm đa dạng, phong phú nên những hành động gây sốc phản cảm, câu view, câu like dễ nhận được sự quan tâm.

Lập thân, lập nghiệp online ảnh 1

Bà Phương Hằng và Luật sư Hàn Ni cùng bị khởi tố, bắt giam vì vi phạm pháp luật trong khi sử dụng mạng xã hội.

Tâm lý háo danh cũng dẫn đến hiện trạng tràn lan tin giả, tin rác trên cõi mạng. Lý giải về điều này, chuyên gia nghiên cứu văn hóa Phạm Ngọc Trung cho biết, cách ứng xử giao tiếp trên mạng khác với thực tế, dẫn đến sai lệch trong diễn đạt. “Khi suy nghĩ không thể hiện bằng lời nói mà chuyển tải sang chữ viết, nhiều người gặp khó khăn vì thiếu ngôn từ để thể hiện hết tư duy, suy nghĩ”, ông phân tích. Mặt khác, xuất phát từ tâm lý muốn thể hiện bản thân, không ít cá nhân thích thổi phồng, làm quá bản chất sự việc.

Nghệ sĩ cần đứng vững

Trước thực tế bùng nổ mạng xã hội và hệ lụy, người dùng mạng xã hội và đặc biệt người nổi tiếng, nghệ sĩ càng phải cẩn trọng, bởi họ có ảnh hưởng nhất định tới cộng đồng mạng, tới hàng chục, hàng trăm nghìn người theo dõi. “Nghệ sĩ cần giữ gìn hình ảnh thông qua lời nói, cử chỉ, sản phẩm nghệ thuật để khán giả yêu mến, ủng hộ. Như vậy, họ mới tồn tại ở môi trường nghệ thuật thực cũng như trên thế giới ảo”, ông nhận định.

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định, giới nghệ sĩ có vai trò quan trọng trong xây dựng văn hóa, đạo đức xã hội. Không chỉ có hiện tượng một số người bất chấp làm trò để thu hút sự chú ý và trở nên nổi tiếng, mà chính nghệ sĩ không biết giữ mình cũng dễ bị chỉ trích vì háo danh, hám lợi. Có thể kể đến những trường hợp nghệ sĩ nhận quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng sản phẩm, thiếu văn minh khi livestream (phát sóng trực tiếp)...

Nhận thức chưa đầy đủ của văn nghệ sĩ về vai trò của họ và hậu quả của các hành động trên mạng xã hội khiến nhiều người đánh mất hình ảnh. Nghệ sĩ lúc này chưa thực hiện được vai trò định hướng, nhận thức của mình. PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu giải pháp chấn chỉnh những hoạt động này của văn nghệ sĩ, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường xử phạt, có thể xem xét hình thức cấm sóng đối với một số vi phạm. “Xử phạt mang tính làm gương để những bài học đó trở thành bài học chung cho toàn xã hội. Về biện pháp chấn chỉnh, chúng ta đã có Bộ quy tắc đạo đức trên mạng xã hội, Bộ quy tắc đạo đức đối với văn nghệ sĩ... Tuy nhiên các bộ quy tắc này chưa thực sự chạm tới văn nghệ sĩ, chưa thực sự trở thành công cụ để họ biết việc mình được làm và không được làm”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Trong "cuộc chiến" giành lấy môi trường mạng xã hội lành mạnh, nhận thức của công chúng cũng góp phần làm sạch “rác” mạng. “Chúng ta luôn mong muốn có những công chúng thông minh, hiểu được vấn đề quan trọng với sự phát triển đạo đức của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Thông qua đó hình thành nên áp lực dư luận xã hội để định hướng sự quan tâm trong các hoạt động của các văn nghệ sĩ, người nổi tiếng trên mạng xã hội”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.

Chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung nhấn mạnh, hành lang pháp lý và sự tuyên truyền, giáo dục đóng vai trò quan trọng để ngăn chặn những hành vi thiếu văn hóa trên mạng xã hội. “Đã có Luật An ninh mạng nhưng nhiều người vẫn cố tình vi phạm, dùng tin giả gây nhiễu loạn không gian mạng. Nhiều thanh niên mới lớn không hiểu luật, thấy người khác làm cũng làm theo. Bởi vậy, hoạt động tuyên truyền, giáo dục cần được nâng cao hơn nữa. Cơ quan quản lý, nhà mạng không được xao nhãng, bao che, dung túng hành vi xấu”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung đề xuất.