Lập siêu ban chống tham nhũng, Trung Quốc có 'đả hổ' hiệu quả?

Năm 2015, cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang bị kết án tù chung thân vì tội nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và cố ý làm lộ bí mật nhà nước. Ảnh: CCTV
Năm 2015, cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang bị kết án tù chung thân vì tội nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và cố ý làm lộ bí mật nhà nước. Ảnh: CCTV
TPO - Lập một siêu ủy ban “đả hổ diệt ruồi”, Trung Quốc liệu có trở thành câu chuyện thành công về chống tham nhũng giống Singapore và Hong Kong?

Tháng trước, Ủy ban Kiểm tra-kỷ luật Trung ương (Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc) thông báo, một trong những ưu tiên công tác của ủy ban trong năm 2017 là thành lập một siêu ban chống tham nhũng. Siêu ủy ban này sẽ tích hợp các cơ quan chống tham nhũng trực thuộc viện kiểm sát và chính phủ vào Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật Trung ương.

"Ủy ban mới sẽ sử dụng các văn phòng và phần lớn nhân sự của Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật Trung ương", Thứ trưởng Bộ Giám sát Trung Quốc Xiao Pei cho biết.

Siêu ban sẽ có giám sát tất cả cán bộ, công chức Trung Quốc, từ các nhà làm luật tới lãnh đạo trường học. Kế hoạch lập siêu ban cấp quốc gia đang được thí điểm ở ba địa phương, gồm thủ đô Bắc Kinh, tỉnh Chiết Giang và tỉnh Sơn Tây.

Trung Quốc đại lục đang học hỏi kinh nghiệm và sắp áp dụng mô hình Ủy ban Độc lập chống tham nhũng (ICAC) của Hong Kong.

Ngay từ thập niên 80 của thế kỷ trước, Trung Quốc đại lục đã nỗ lực học hỏi kinh nghiệm của Hong Kong. Thời kỳ đó, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Đông trở thành đoàn đầu tiên của đại lục đến thăm ICAC.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Đông rất ấn tượng với mô hình ICAC nên khi trở về thành phố Quảng Châu, ông thành lập đơn vị chống tham nhũng đầu tiên trực thuộc văn phòng công tố viên.

Kể từ đó, nhiều công tố viên cấp tỉnh noi theo, cuối cùng dẫn tới việc thành lập đơn vị chống tham nhũng trực thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc.

Chiến lược 3 gọng kìm

Đơn vị chống tham nhũng trực thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật Trung ương đã áp dụng chiến lược 3 gọng kìm chống tham nhũng: thực thi pháp luật, phòng ngừa và giáo dục.

Tuy nhiên, dường như hai cơ quan của Trung Quốc đại lục chỉ tập trung vào phòng ngừa và giáo dục, như nhận xét của Tony Kwok, cựu Phó chủ nhiệm ICAC.

Ngay từ ngày đầu thành lập, Ủy ban Độc lập chống tham nhũng của Hong Kong (ICAC) đã thành lập một trung tâm hoạt động 24/24h để tiếp nhận mọi thông tin chống tham nhũng từ người dân. ICAC khuyến khích người dân báo cáo mọi dấu hiệu tham nhũng và người dân tin tưởng cao vào trung tâm; hơn 70% số người báo cáo sử dụng tên thật, chứ không phải nặc danh.

Tuy vậy, dường như gọng kìm thực thi pháp luật chưa đủ mạnh, chưa đủ hiệu quả để trừng phạt các đối tượng tham nhũng. Theo ông Tony Kwok, trong nhiều năm, tham nhũng trở thành loại tội ác có độ rủi ro thấp, phát triển tràn lan, trở thành có tổ chức, gây nguy hại tới bộ máy nhà nước.

Vấn đề này đã được chỉnh sửa phần nào kể từ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 diễn ra năm 2012 khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Kể từ đó, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Bí thư Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn gia tăng nỗ lực đưa quan tham ra trước công lý.

Trong 4 năm qua, hàng trăm quan chức, trong đó có nhiều quan chức cấp bộ, đã bị truy tố, kết án. Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng, tham nhũng không được dung thứ.

Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình tập trung vào các “nghiệp đoàn tham nhũng”, đặc biệt là ở tỉnh Sơn Tây và Tứ Xuyên, trong ngành năng lượng và trong quân đội. Điều này đúng với câu chuyện thành công của ICAC trong việc “đào tận gốc trốc tận rễ” các “nghiệp đoàn tham nhũng trong 3 năm đầu tiên sau khi ủy ban này này được thành lập.

Theo ông Tony Kwok, nếu những “nghiệp đoàn tham nhũng” này không bị đập tan, Trung Quốc không thể thiết lập được các hệ thống ngăn ngừa tham nhũng hiệu quả.

Đề cao liêm chính, giám sát nội bộ, điều tra từ nóc

Một trong các nhân tố thành công của ICAC là việc ủy ban này tập trung vào tính liêm chính của đội ngũ cán bộ, nhân viên của mình, vì chỉ cần xuất hiện một vụ tham nhũng nội bộ thôi cũng đủ tổn hại hình ảnh của ủy ban và làm tiêu tan sự ủng hộ của công chúng. Vì thế, một đơn vị giám sát nội bộ được thành lập ngay từ khi ICAC ra đời năm 1974.

Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật Trung ương giờ đây cũng học tập mô hình của Hong Kong, thành lập các đơn vị điều tra nội bộ trong tất cả các đơn vị trực thuộc. Gần đây, ủy ban này tiết lộ rằng đã điều tra tham nhũng trong chính các quan chức trong bộ máy của mình.

Tháng trước, Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật Trung ương cho phát chương trình truyền hình “Để tôi luyện thành thép, sắt phải đủ cứng” gồm 3 phần, nêu nỗ lực phòng chống tham nhũng trong chính cơ quan chống tham nhũng này.

Chương trình đã tiết lộ cách thức các thanh tra viên, quan chức chống tham nhũng lạm dụng quyền lực của mình để đổi lấy quà tặng đắt tiền như ngọc trai, đồng hồ thửa riêng, vàng khối, vàng miếng…

Cái tên “Để tôi luyện thành thép, sắt phải đủ cứng” lấy từ một bài phát biểu của ông Tập vào năm 2012 nhằm phát đi thông điệp rằng, không có vùng cấm, không có điểm mù trong điều tra của Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật Trung ương.

Trong một cuộc họp với các lãnh đạo đảng cấp cao ở Bắc Kinh cuối năm ngoái, ông Tập nhấn mạnh, Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật Trung ương phải “làm sạch ngưỡng cửa của chính mình”.

Phần đầu tiên của chương trình phỏng vấn Chu Minh Quốc, từng là quan chức chống tham nhũng, cựu Chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Quảng Đông (cuối năm 2016, Chu Minh Quốc bị kết án tử hình hoãn thi hành án 2 năm). 

Trả lời phỏng vấn, Chu Minh Quốc nói rằng, khi tại vị, ông ta đã tận dụng các lỗ hổng trong hệ thống giám sát của Đảng để nhận hối lộ. Chu nói ông ta đã nhận nhiều quà tặng, gồm hơn 1.000 chai rượu đắt tiền và tiền mặt từ thập niên 90 rồi cất giấu tiền trong nhà mình.

Ông ta cảnh báo các quan tham khác rằng, chiến thuật hủy bằng chứng hoặc trốn ra nước ngoài hiện không còn hiệu quả vì lưới pháp luật ngày càng to rộng.

Quốc hội sẽ lập cơ quan chống tham nhũng độc lập

Ngoài tính liêm chính, một nhân tố quan trọng khác trong thành công của ICAC là tính độc lập. Tính độc lập này được bảo đảm trong Luật Cơ bản (có giá trị như hiến pháp). Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc vừa có một bước đột phá khi tuyên bố sẽ thành lập một cơ quan chống tham nhũng độc lập, một ủy ban giám sát quốc gia, có trách nhiệm giải trình trước Quốc hội và người đứng đầu ủy ban giám sát này sẽ do Quốc hội bổ nhiệm.

Lập siêu ban chống tham nhũng, Trung Quốc có 'đả hổ' hiệu quả? ảnh 1

“Đả hổ diệt ruồi”. Tranh: Luo Jie

Ủy ban mới này quy về một mối các đơn vị chống tham nhũng trong các viện kiểm sát và cơ quan chính phủ, như Bộ Giám sát, Cục Phòng ngừa tham nhũng quốc gia… Ủy ban này sẽ làm việc với ủy ban của Đảng (cụ thể là Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật Trung ương) và sẽ có quyền điều tra các tổ chức nhà nước, tất cả cán bộ, công chức, bao gồm đảng viên, thẩm phán, công tố viên…

Ủy ban giám sát quốc gia sẽ tương tự ICAC. Bằng cách làm việc với Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật Trung ương, cơ quan độc lập này có thể giải quyết được tình trạng cơ quan đảng thiếu quyền lực pháp lý để điều tra tham nhũng. Điều này sẽ tăng cường pháp quyền của Trung Quốc và cải thiện hình ảnh của nước này trong mắt người dân và cộng đồng quốc tế, ông Tony Kwok nhận định.

Một thay đổi căn bản là việc chia tách đơn vị điều tra và truy tố. Cơ quan mới sẽ chịu trách nhiệm điều tra, trong khi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao sẽ nắm quyền truy tố.

Cách làm này tương tự ở Hong Kong, nơi ICAC đóng vai trò cơ quan điều tra và Sở Tư pháp nắm quyền truy tố. Đây được coi là điểm chính yếu trong hệ thống giám sát và đối trọng lẫn nhau.


Nằm vùng, gài bẫy

Cựu Phó chủ nhiệm ICAC Tony Kwok đề xuất, Trung Quốc đại lục thay đổi quan điểm về nhân quyền, xem xét việc cho phép các cơ quan thực thi pháp luật sử dụng các phương pháp điều tra chủ động, như nằm vùng, gài bẫy… Tham nhũng giờ đây mang tính “liên ngành” rất cao, vì vậy, ủy ban chống tham nhũng của Trung Quốc cần thiết lập thỏa thuận dẫn độ, thu hồi tài sản và hỗ trợ tư pháp với các nước phương Tây và Hong Kong. Ngoài ra, nên đưa giáo dục phòng chống tham nhũng vào chương trình học, đặc biệt ở trường đại học, cao đẳng, để học sinh, sinh viên hiểu rõ cách cách tránh tham nhũng và xung đột lợi ích.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.