Góp ý dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi):

Lập doanh nghiệp chỉ photo chứng minh thì quá đơn giản

Trong các lĩnh vực như thuế, hải quan rất cần hậu kiểm để tránh DN “ma”. Ảnh (minh họa): Ngọc Châu
Trong các lĩnh vực như thuế, hải quan rất cần hậu kiểm để tránh DN “ma”. Ảnh (minh họa): Ngọc Châu
TP - Ngày 28/5, phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại nghị trường, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc (ĐBQH tỉnh Thái Bình) khẳng định, luật này sẽ tạo ra đột phá mới để phát triển doanh nghiệp.

Cải thiện môi trường kinh doanh

Theo ông Vũ Tiến Lộc, trong thực tế thi hành, Luật Doanh nghiệp (DN) 2005 bộc lộ một số khiếm khuyết khiến DN khởi sự và rút khỏi thị trường đều tốn kém, việc quản trị kém năng động, hiệu quả. Trong khi Chính phủ đã có nghị quyết cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặt việc cải cách vươn tới chuẩn mực quốc tế. Hiện chúng ta xếp hạng 109 trên 189 quốc gia về thủ tục hành chính khởi sự DN. Áp dụng Luật DN hiện hành và các luật có liên quan nảy sinh quá nhiều quy định riêng theo hướng hạn chế kinh doanh, bị vô hiệu hóa từng phần, giấy phép con, giấy phép cháu… “Đề án 30 đã phát hiện sự chồng chéo, lạm dụng, cả rừng pháp luật cản trở quyền tự do kinh doanh”, ông Lộc nói. 


Theo ông Lộc, quy định thành lập DN cần được đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đây là việc có thể giải quyết ngay, tiết kiệm tiền của xã hội, nhà nước và tạo tâm lý phấn khởi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Quan điểm DN được tự do kinh doanh những ngành nghề nhà nước không cấm là việc rất quan trọng. Do vậy, cần bổ sung quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện thay đổi gì để DN biết mà thực hiện.

Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) đồng tình, thủ tục đăng ký thành lập DN và cấp giấy đăng ký kinh doanh, cần ghi rõ các loại hình kinh doanh có điều kiện.

Hậu kiểm để tránh DN ma

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM), tạo điều kiện cho người dân thành lập DN nhưng cũng cần có quy định chặt chẽ, kiểm soát việc thành lập các công ty tràn lan. “Nếu quy định quá dễ dãi, chỉ cần phô tô chứng minh thư cho vào hồ sơ thôi thì quá đơn giản. Vừa qua, do quy định thiếu chặt chẽ, một người có thể thành lập hàng chục công ty và không ít trong đó là công ty ma”, ông Ngân nói. ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho biết, đăng ký thành lập DN nếu quá dễ dãi sẽ bị lợi dụng, kinh doanh trái pháp luật như mua bán hóa đơn, lừa đảo.

Theo ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) hàng loạt DN ma nợ thuế, nợ hợp đồng, nợ bảo hiểm mà không quản lý được. Khi cơ quan thuế đến tìm cũng không ai biết ông chủ ở đâu. “Cần siết chặt đăng ký kinh doanh, nhất là phải có xác định của chính quyền địa phương về địa chỉ công ty. Nếu không, địa chỉ ma sẽ rất nhiều và đó là kẽ hở để họ vi phạm pháp luật. Ai không trung thực trong kê khai phải có chế tài xử lý”, ĐB Ánh phát biểu.

Một số ĐB đề nghị, cần luật hóa quy định chế độ hậu kiểm, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước để hạn chế tối đa DN ma.

Làm rõ vai trò chủ quản

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, đang tồn tại hệ thống doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà việc tái cấu trúc cực kỳ khó khăn. Do vậy, cần phải chế định mô hình quản lý lâu dài đối với DNNN là gì. Bên cạnh đó, làm rõ cơ quan nào đại diện cho DNNN. Tới đây, nên xử lý dứt khoát không để bộ ngành nào làm chủ quản nữa. Vì cơ chế chủ quản hiện nay đang biến dạng, có nhiều vấn đề, dẫn đến không ai muốn tách DNNN khỏi các bộ, ngành. Ngoài ra, cần tách bạch, minh bạch chức danh lãnh đạo tại các DNNN để tránh nhập nhèm trách nhiệm.

“Lâu nay, chúng ta làm theo cách bổ nhiệm quan chức lãnh đạo các DN. Nhưng chúng ta lại không rõ ông này làm thuê cho nhà nước hay là ông chủ, tôi thấy không rõ, không minh bạch. Những vấn đề mấu chốt như vậy, lần này Quốc hội phải thảo luận đến cùng, nếu không vừa mất thời gian mà không giải quyết được gì”, ông Lịch nói.

“Tập đoàn phát triển theo đòi hỏi tự nhiên của các DN. Luật phải hướng đến kiểm soát, hạn chế để không hình thành các tập đoàn gây lũng đoạn, độc quyền. Giống như phải trồng tre để nó tự mọc thành bụi tre chứ không ai lại đi lập ngay những bụi tre”.

ĐB Trần Du Lịch
Về Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại DN, ĐB Lịch góp ý, Nhà nước đi kinh doanh thì không được nhân danh Nhà nước để được ưu đãi, được quyền này, quyền kia. Luật phải có những điểm đột phá và không nên cứng nhắc, gượng gạo trong việc hình thành tập đoàn kinh tế. “Tập đoàn phát triển theo đòi hỏi tự nhiên của các DN. Luật phải hướng đến kiểm soát, hạn chế để không hình thành các tập đoàn gây lũng đoạn, độc quyền. Giống như phải trồng tre để nó tự mọc thành bụi tre chứ không ai lại đi lập ngay những bụi tre”, ĐB Lịch góp ý. 

Cùng nhận định này, ĐB Nguyễn Phi Thường cho rằng, cần định nghĩa và làm rõ hơn khái niệm “cơ quan đại diện chủ sở hữu của DN” để làm rõ trường hợp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố là cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại DN trực thuộc do mình quyết định thành lập. Còn HĐTV tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ là cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn được giao quản lý hoặc tự đầu tư của Tổng công ty (công ty) vào công ty con hoặc công ty liên kết (hay còn gọi là đầu tư vào DN khác).

Lập doanh nghiệp chỉ photo chứng minh thì quá đơn giản ảnh 1 ĐB Nguyễn Phi Thường

Về giám sát hiệu quả đầu tư, ông Thường cho rằng cần phân loại DN và xem xét bổ sung một số chỉ tiêu đánh giá hiệu quả của việc đầu tư vốn nhà nước trong một số hoạt động đầu tư như: chỉ tiêu lợi nhuận tăng thêm trên vốn chủ sở hữu; cổ tức nhà nước nhận được trên vốn nhà nước v.v...

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) tán thành định hướng tạo điều kiện thông thoáng cho mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh chính đáng được thành lập DN. Nhưng cần tăng cường hậu kiểm xử lý những DN lợi dụng để hoạt động phi pháp. “Cần quy định nguyên tắc xác định các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải cụ thể hóa danh mục này và định kỳ rà soát, công bố công khai”, ông Thường đề xuất.

“Hiệu quả hoạt động DNNN phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu, điều hành DN và đây cũng là công việc hết sức đặc thù yêu cầu sự chuyên nghiệp và các tiêu chí riêng. Cho nên việc quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, quyền lợi, trách nhiệm, cơ chế đánh giá người đứng đầu DNNN sát hợp trong dự thảo luật là rất cần thiết”, ông Thường nói và cho rằng, bản chất là phải tạo động cơ, động lực thực sự cho DNNN phát triển và đóng góp.

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị, cần tách bạch rõ chức năng đại diện chủ sở hữu, thẩm quyền hội đồng quản trị, hội đồng thành viên. ĐB này lưu ý với quyền hạn quá lớn, nhưng việc quản lý vốn Nhà nước tới hàng trăm nghìn tỷ đồng còn nhiều hạn chế. Phải có tổ chức đại diện cho Quốc hội kiểm soát hoạt động tại các DN này. Mặt khác, nên hạn chế tối đa việc thành lập DNNN mới. “Phải đổi mới tư duy, quan điểm là gom lại, tái cơ cấu đổi mới DNNN để tăng năng lực, đầu tư vào lĩnh vực mà DN tư nhân không làm, ví dụ như lĩnh vực ngư nghiệp, hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá”, ông Minh kiến nghị.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.