Lắp camera giám sát trường, lớp học: Hà Nội, TPHCM đi tiên phong

Nhiều phụ huynh đi làm vẫn “bám” màn hình điện thoại để xem con ở lớp
Nhiều phụ huynh đi làm vẫn “bám” màn hình điện thoại để xem con ở lớp
TP - Trước hàng loạt vụ bạo hành, bạo lực trường học xảy ra, một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đã triển khai việc lắp camera giám sát trường, lớp học.

Sau nhiều sự việc bạo hành trẻ mầm non bị phát hiện gây rúng động dư luận, từ năm học 2018 - 2019, TPHCM thí điểm lắp đặt camera tại các cơ sở giáo dục mầm non ở quận 1, quận 12 và huyện Hóc Môn với mong muốn tăng kênh giám sát. Năm học này, ngành GD&ĐT thành phố cho biết sẽ mở rộng ra các quận, huyện còn lại.

Tuy nhiên, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, do các quận huyện triển khai thí điểm chưa đồng bộ được cơ sở hạ tầng nên đến năm học này (2019- 2020) mới bắt đầu thực hiện lắp camera thí điểm ở 2 quận (1 và 12), theo đề án thành phố thông minh.

Bà Thu cho rằng, đối với mầm non việc lắp camera là vấn đề bức thiết, song với học sinh tiểu học trở lên thì không cần thiết. Năm học 2018-2019, bạo lực học đường giảm nhiều so với những năm trước. “Camera không phải là giải pháp duy nhất ngăn ngừa bạo lực học đường mà phải thực hiện nhiều giải pháp từ bên trong như: xây dựng quy tắc ứng xử trong nhà trường, giảm áp lực giáo viên, tăng cường giáo dục đạo đức giáo viên…

Bên cạnh đó, nếu lắp camera cũng cần phải có quy định cụ thể, không phải ai cũng xem được, không phải phụ huynh nào cũng trích xuất được hình ảnh nhằm tránh trường hợp hình ảnh của giáo viên học sinh bị lợi dụng, bà Thu phân tích.

Chỉ thị tăng cường giải pháp, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký tháng 4/2019 có nêu việc lắp camera là một kênh cung cấp thông tin. Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên cho biết: việc đầu tư, thực hiện đến đâu là do điều kiện của các địa phương và mỗi trường. Giáo viên phải được bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng sư phạm, ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm làm sao cho hiệu quả.

Bà Vũ Thị Thu Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Long Biên, Hà Nội cho biết, lâu nay, 100% trường mẫu giáo công lập đã được lắp camera nhằm giám sát các hoạt động trong lớp. Hiện nay đơn vị đang có đề án xin UBND quận cho tất cả các trường lắp camera, trước mắt chỉ lắp ở những vị trí đảm bảo an ninh cho học sinh như cổng trường, hành lang...

Bà Hà cho rằng, việc lắp camera là cần thiết, giúp hiệu trưởng giám sát hoạt động trong lớp học. Tuy nhiên, trước khi thực hiện nên xin ý kiến giáo viên các trường. Nếu có sự đồng thuận mới nên triển khai, vì nếu giáo viên phản đối, các hoạt động trong lớp dễ bị đối phó.

Ông Hoàng Việt Cường, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho rằng, trong quản lý thì giải pháp lắp camera là rất tốt. Tuy nhiên, hiện nay ở đơn vị chưa có điều kiện kinh phí nên chưa lắp camera.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.