Lao động Việt tại Angola: Quá nhiều rủi ro, bất trắc

Lao động Việt tại Angola: Quá nhiều rủi ro, bất trắc
TP - Đó là khẳng định của ông Lê Thiết Thảo, nguyên Lãnh sự danh dự Mô-zăm-bích tại Việt Nam xung quanh những rủi ro người lao động Việt Nam làm việc chui tại Angola có thể gặp phải.

> Bơ vơ 4,5 vạn người Việt tại Angola
> Người Việt mưu sinh ở Angola: Giàu sang & nước mắt

Đại sứ quán cũng khó bảo vệ

Ông bình luận gì khi gần đây, nhiều người lao động (NLĐ) Việt Nam làm việc tại Angola bị trục xuất về nước vì lý do làm việc chui?

Đa số NLĐ Việt Nam làm việc tại Angola đều mong muốn sẽ tìm cơ hội để cải thiện đời sống, giải quyết khó khăn cho gia đình và để làm giàu. Ai muốn biết NLĐ đi Angola giàu cỡ nào, có thể về các huyện ở Hà Tĩnh để tìm hiểu. Tuy nhiên, nếu ai đó bị bắt, giấc mơ làm giàu sẽ chấm hết.

Lao động Việt Nam làm nghề xây dựng tại Angola
Lao động Việt Nam làm nghề xây dựng tại Angola.

Vậy theo ông, NLĐ đang làm việc tại Angola phải lưu ý điều gì?

Đối với NLĐ đã đến Angola, phải tìm mọi cách để hợp thức hóa Cty mình tới làm việc. Điều này rất khó, nhưng vẫn làm được. Theo quy định của Luật Xuất nhập cảnh Angola, dù NLĐ có thị thực lao động nhưng làm không đúng Cty đã xin thị thực cho mình thì vẫn bị coi là bất hợp pháp. Theo đó, NLĐ sẽ bị bắt và trục xuất về nước, đồng thời phải nộp phạt 5.000 USD. Còn Cty xin thị thực cho NLĐ phải nộp phạt 6.000 USD và Cty sử dụng NLĐ cũng phải nộp 6.000 USD. Nếu các Cty này vẫn tái diễn, ngoài bị phạt lũy tiến còn bị rút giấy phép hoạt động. Do đó, khi xảy ra sự cố, các Cty sử dụng lao động sẽ buông xuôi NLĐ, kể cả người sử dụng là người Việt cũng vậy.

NLĐ phải làm thế nào để bảo vệ mình?

Cách giải quyết tốt nhất là NLĐ phải nhanh chóng rời khỏi Angola trước khi bị phát hiện và bị bắt. Nếu NLĐ cứ phó mặc cho số phận và khi sự việc vỡ lở, NLĐ có kêu ai cũng chẳng được. Khi NLĐ đến Angola làm việc rồi, lẽ ra phải tự hỏi mình xem: Đã bao giờ đến gặp Sứ quán để khai báo lãnh sự chưa, ai biết bằng cách nào mà các bạn sang Angola. Sang Angola làm việc cho ai, làm cái gì, khi có chuyện bất trắc xảy ra liên hệ với ai... Tất cả đều là ẩn số. Vậy khi bị bắt có ai biết được không, có ai đó đã liên hệ với Sứ quán để cung cấp đầy đủ thông tin về việc các bạn bị bắt để kịp thời can thiệp không. Câu trả lời chắc chắn là không.

Như vậy, khi NLĐ bị bắt, Đại sứ quán có can thiệp được không?

Theo tôi, nếu Sứ quán muốn can thiệp cũng rất khó. Phía Angola sẽ đề nghị Sứ quán phải có trách nhiệm hướng dẫn công dân mình đọc kỹ Luật Xuất nhập cảnh của Angola. Cũng có trường hợp NLĐ đến Angola làm đúng theo Cty đã xin thị thực lao động cho mình, nhưng ước mơ đổi đời nhanh đã đưa NLĐ từ sai lầm này đến sai lầm khác: Bỏ Cty đi làm ngoài (không có giấy tờ tùy thân). Do vậy, nếu NLĐ không cẩn thận, khi bị bắt, sẽ bị bỏ tù, bị phạt và bị trục xuất về nước.

Ông có lời khuyên nào cho NLĐ đang muốn sang Angola làm việc?

Các bạn nên tìm hiểu kỹ Luật Xuất nhập cảnh Angola. Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam chưa cấp giấy phép cho một Cty nào đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Angola, nên lao động hiện nay sang Angola đều theo môi giới. Vì thế, khi đến Angola, NLĐ sẽ phải tự tìm việc làm và tìm người thuê mình theo thời vụ hoặc không chính thức.

Có phải vì mức lương hấp dẫn nên dù biết phạm luật, NLĐ vẫn đi Angola?

 “Để NLĐ đàng hoàng sang Angola làm việc, Bộ LĐ-TB&XH phải nhanh chóng vào cuộc nghiên cứu thị trường, cấp phép cho doanh nghiệp khai thác và ký kết hợp tác lao động với Chính phủ Angola”. 

Ông Lê Thiết Thảo - nguyên Lãnh sự danh dự Mô - zăm - bích tại Việt Nam

Nếu NLĐ hiểu về Luật Xuất nhập cảnh Angola, khi bước chân lên máy bay là họ đã biết mình phạm luật. Nhưng họ vẫn cứ đi vì làm việc tại Angola cho thu nhập cao. Tôi cũng đã từng khuyên một số con em của các bạn bè trước khi sang làm việc tại Angola là, trong những năm đầu, cố gắng làm việc cho tốt, chấp nhận mức lương khởi điểm 800 USD và 200 USD tiền ăn một tháng. Họ vâng dạ và hứa sẽ làm tốt. Nhưng chỉ vài ngày sau khi đến Angola, nghe bạn bè rủ rê và mức tiền lương được mời chào hấp dẫn, liền bỏ việc. Chỉ sau một vài tháng lao động tự do, họ đã bị bắt và bị trục xuất về Việt Nam.

Cảnh giác để tránh bị lừa

Liệu NLĐ có dễ bị dụ dỗ hay lừa đảo không?

Đây cũng là một chuyện phải bàn vì ở Angola việc chậm lương hay chậm thanh toán công trình là chuyện thường. Nhiều chủ lao động muốn lợi dụng tình hình đó để không trả lương cho NLĐ. Sau 5 đến 6 tháng làm việc không nhận được lương mà chỉ có tiền ăn, NLĐ sẽ chán dẫn đến bỏ việc. Họ sẽ lấy cớ NLĐ bỏ việc để không trả lương.

Gần 20 năm làm việc tại Angola, ông thấy phía bạn đối xử với NLĐ nước mình thế nào?

Đúng là tôi đã có thời gian sống và làm việc tại Angola trên 18 năm và bây giờ hằng năm, tôi vẫn qua Angola công tác khoảng 6 đến 10 lần/năm. Nếu tôi nhớ không nhầm, năm nào Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và Người nước ngoài Angola (trước đây gọi tắt là DEFA, bây giờ là SME) đều có các chiến dịch truy quét và trục xuất người nước ngoài nhập cảnh và lưu trú bất hợp pháp.

Năm 1994 có chiến dịch Cancer rất lớn, kéo dài 10 ngày và đã có hàng ngàn người nước ngoài bị bắt (trong đó có 20 người Việt Nam). Khi đó, 20 người Việt Nam được phía bạn thả và không xử lý. Qua đây chứng tỏ, Angola cũng nương tay với NLĐ Việt Nam. Nhưng từ đó đến nay đã gần 20 năm. Bây giờ, chúng ta cần phải nghiêm túc tự nhìn lại mình, để làm sao phía bạn tôn trọng và yêu quý như những thập niên 70, 80 và 90 của thế kỷ trước.

Cảm ơn ông.

Phong Cầm
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG