Lao động Việt ở nước ngoài lao đao vì lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau một thời gian dài mòn mỏi chờ thị trường “phá băng”, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục đối mặt với tình trạng thu nhập giảm sút do đồng tiền mất giá. Đặc biệt, lạm phát ở các nước tăng cao kỷ lục khiến lao động Việt phải chắt bóp đủ đường để sống nơi đất khách.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, anh Nguyễn Văn Quốc (34 tuổi, Yên Thành, Nghệ An), công nhân ngành chế biến thực phẩm Hokkaido (Nhật Bản) cho biết, suốt mấy tháng nay, anh không dám gửi tiền từ Nhật về nhà vì sợ tiền “bốc hơi”. Từ tháng 3 tới nay, đồng Yên Nhật mất giá tới khoảng 20% so với đầu năm và hiện ở mức giảm mạnh nhất trong vòng 24 năm qua nên thu nhập của anh giảm rõ rệt.

Lao động Việt ở nước ngoài lao đao vì lạm phát ảnh 1

Lạm phát tăng cao khiến thu nhập của lao động Việt ở nước ngoài giảm mạnh

Theo anh Quốc, trước đây, trung bình mỗi tháng thu nhập của anh tính ra tiền Việt khoảng 20-22 triệu đồng, nhưng giờ chỉ còn 17 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, những ngày này, tình trạng lạm phát ở Nhật đang ở mức cao kỷ lục, giá hàng hoá, nhất là thực phẩm và chi phí sinh hoạt tăng chóng mặt.

“Bây giờ những cuộc gặp gỡ bạn bè hay giao lưu với mọi người, chúng tôi đều rất hạn chế. Các khoản chi tiêu tiền ăn, đi lại đều phải chắt bóp tối đa. Lao động đi làm việc ở Nhật giờ rất khó để tiết kiệm”, anh Quốc chia sẻ.

Sang Nhật lao động được khoảng gần 2 năm, chị Trần Thị Tuyết (Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết, đến nay đã “gỡ” lại được 1/2 số tiền phí đóng cho công ty môi giới.

Theo chị Tuyết, lúc mới sang Nhật, thu nhập của chị có thể đạt khoảng 1-1,3 triệu đồng/ngày. Những tưởng chỉ cần làm việc chăm chỉ, sau khoảng 1 năm, chị có thể trả hết số tiền vay ngân hàng. Tuy nhiên, từ năm ngoái dịch COVID-19 ở Nhật bùng phát mạnh khiến công việc của chị thất thường.

“Từ đầu năm nay, đồng Yên mất giá mạnh. Giờ tính ra mỗi ngày, thu nhập chỉ còn 600-700 nghìn đồng. Nhiều bạn bè khuyên giữ tiền trong tài khoản, khi nào tỷ giá tăng thì gửi về Việt Nam, nhưng vì áp lực khoản vay ngân hàng nên tôi chấp nhận thiệt, vẫn gửi về trả nợ”, chị Tuyết nói.

Tình trạng này diễn ra tương tự đối với những lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện mức lương trung bình đối với lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc dao động 1.400-1.800 USD (32-40 triệu đồng) mỗi tháng. Tuy nhiên, tình trạng lạm phát ở Hàn đang ở mức cao nhất trong 14 năm gần đây khiến thu nhập và đời sống của lao động Việt trở nên khó thở hơn trước.

Anh Lê Văn Tiến (huyện Như Xuân, Thanh Hoá), lao động ngành nông nghiệp chia sẻ, ở Hàn Quốc, giá các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ đầu năm tăng tới hơn 30%. Điển hình, như giá tỏi tính theo tiền Việt hiện khoảng 180.000 đồng/kg, xà lách khoảng 140.000 đồng/gói, thịt lợn hơn 200.000 đồng/kg…

Lao động không còn mặn mà xuất cảnh

Theo các doanh nghiệp (DN), nhu cầu tuyển dụng của thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc… sau 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang phục hồi nhanh. Nhiều ngành nghề như xây dựng, y tế, chế biến thực phẩm…đang rất “khát” lao động. Tuy vậy, trước việc đồng tiền những nước này mất giá nhiều lao động tỏ ra ít mặn mà hơn để ra nước ngoài làm việc trong hiện tại.

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Trần Thị Vân Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Nhân lực số 1 Hà Nội cho biết, hiện việc tuyển dụng lao động cho các đơn hàng đi làm việc ở Nhật khó hơn trước rất nhiều. Phía công ty đưa ra không ít chính sách ưu đãi để thu hút, tuyển dụng lao động nhưng số lượng đăng ký khá hạn chế. Thậm chí, có lao động đăng ký học tiếng xong nhưng sau khi được người thân, bạn bè thông tin về tình hình thu nhập ở Nhật, đã huỷ tham gia và chờ đợt khác.

Theo bà Vân Anh, trước ảnh hưởng của tình trạng lạm phát tăng cao, chi phí quản lý lao động mà phía DN Nhật trả cho phía DN Việt Nam giảm khoảng 30%.

Lãnh đạo một DN phái cử lao động sang Đài Loan (Trung Quốc), chia sẻ, đến nay thị trường này vẫn duy trì việc kiểm tra phòng chống dịch COVID-19 khắt khe. Lao động khi xuất cảnh sang Đài Loan làm việc đều phải cách ly trong phòng riêng, nhiều thủ tục ngặt nghèo nên đẩy chi phí xuất cảnh của người lao động tăng cao đáng kể. Trong khi đó, thu nhập lao động giảm sút nên từ đầu năm đến nay, công ty chủ yếu đưa những lao động còn tồn đọng xuất cảnh. Còn số lượng tuyển dụng mới hầu như chưa có.

Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện ở Nhật Bản có khoảng 250.000 lao động Việt Nam; Đài Loan có 230.000 người và Hàn Quốc 40.000 người. 6 tháng đầu năm, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 51.677 người, trong đó lao động đi làm việc tại Nhật Bản chiếm 62%, Đài Loan chiếm 30%, Hàn Quốc 2,3%...

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Nhật, Hàn Quốc vẫn là những thị trường trọng điểm, hấp dẫn với lao động Việt Nam. Trước tình trạng lao động Việt Nam gặp không ít khó khăn, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

*“Chi tiêu đắt đỏ buộc chúng tôi phải cắt khẩu phần ăn. Thậm chí, giờ nhiều người Việt trong công ty còn không ăn bữa tối để tiết kiệm. Còn nếu sắm đồ dùng cá nhân, chúng tôi chờ những dịp giảm giá hoặc chuyển sang mua đồ cũ”, anh Lê Văn Tiến, người đang làm việc ở Hàn Quốc nói.

*Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, 6 tháng đầu năm, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 51.677 người, trong đó lao động đi làm việc tại Nhật Bản chiếm 62%, Đài Loan chiếm 30%, Hàn Quốc 2,3%...

MỚI - NÓNG