Lao động Việt mòn mỏi chờ ngày về nước

Những lao động Việt Nam tại Nhật hết hạn hợp đồng chờ về nước đang sống nhờ tại chùa Nisshinkutsu (Tokyo, Nhật Bản)
Những lao động Việt Nam tại Nhật hết hạn hợp đồng chờ về nước đang sống nhờ tại chùa Nisshinkutsu (Tokyo, Nhật Bản)
TP - Qua nhiều tháng tạm dừng các chuyến bay quốc tế, đến nay có hơn 10 nghìn lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng.

Anh Nguyễn Văn Lê (29 tuổi, Hà Tĩnh) sang Nhật Bản làm việc theo diện thực tập sinh tại một công ty xây dựng vào tháng 6/2018. Công việc của anh vẫn diễn ra đều cho đến khi dịch COVID-19 xảy ra. Đầu tháng 2 năm nay, công ty thông báo “tạm thời nghỉ việc” do phải thu hẹp sản xuất.

“Hơn 80% lao động của công ty phải nghỉ việc. Ban đầu, công ty hứa sẽ tìm việc mới giúp, nhưng sau gần 2 tháng vẫn không xin được công việc nào”, anh Lê nói.

Từ đó đến nay, anh rơi vào cảnh thất nghiệp. Mặc dù được công ty hỗ trợ một phần chi phí, nhưng số tiền ít ỏi không giúp anh đủ trang trải cuộc sống. Anh Lê phải xoay xở từng ngày, nhờ bạn bè giúp đỡ để trụ lại nơi đất khách quê người.

Suốt mấy tháng nay, anh cùng một nhóm người Việt Nam tại tỉnh Osaka nhiều lần gửi email đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản để bày tỏ nguyện vọng về nước nhưng chỉ nhận được hồi âm “chờ đợi”. Các lao động cho biết, rất suốt ruột vì không biết có thể cầm cự được bao lâu nữa.

Cùng hoàn cảnh, anh Trần Đức Tuấn (39 tuổi, Nghi Lộc, Nghệ An) chia sẻ, chưa bao giờ trải qua tình cảnh như đợt dịch COVID-19 lần này. Dù đã hết hạn hợp đồng làm việc từ tháng 3/2020, nhưng vì dịch bệnh anh Tuấn không thể về nước do các đường bay quốc tế bị “đóng băng”.

 “Các lao động Việt Nam ở trong khu vực đều muốn về nước cho an toàn nhưng đều không được. Hơn nửa năm ở Nhật, chi phí sinh hoạt cao khiến nhiều người không gánh nổi”, anh Tuấn cho hay.

Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng hơn 400 nghìn thực tập sinh, lao động đang làm việc tại Nhật Bản, trở thành nước có số lượng thực tập sinh nước ngoài lớn nhất làm việc tại nước này. Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều xí nghiệp, công ty Nhật Bản phải cắt giảm sản xuất, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của những lao động nước ngoài. Nhiều lao động hết hạn hợp đồng, thất nghiệp chờ về nước phải đến thuê tạm ở khu trọ dành cho người vô gia cư, hoặc nương nhờ ở các chùa.

Không chỉ ở Nhật, tại các nước khác như Hàn Quốc, Ả rập xê út, Malaysia…nhiều lao động hết hạn hợp đồng cũng mong muốn được về nước.

Chị Đ.T.L (36 tuổi, Thanh Hóa), đi làm giúp việc tại Ả rập Xê út cho biết, đã hết hạn hợp đồng vào tháng 2/2020. Tuy nhiên, chủ nhà không muốn gia hạn hợp đồng, chị phải xin ở lại làm việc không lương vì không có chuyến bay về nước.

“Điều kiện sống và văn hóa ở đây cũng khác nhiều so với mình. Visa hết hạn, chẳng may, ra ngoài bị tai nạn hay ốm đau sẽ rất nguy hiểm. Chồng tôi qua đời mấy tháng nay để hai đứa nhỏ đang bơ vơ. Vào hồi tháng 8,  Đại sứ quán Việt Nam  tổ chức đưa công dân tại Ả rập Xê-út về nước, nhưng số lượng có hạn nên tôi vẫn không về được”, chị L nói.    

Sớm nối lại các chuyến bay

Trao đổi với Tiền Phong, ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, sau nhiều tháng các chuyến bay quốc tế bị tạm dừng, hiện số lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng khá lớn với khoảng 10 nghìn người. “Cục đang tổng hợp danh sách cụ thể để báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 lên kế hoạch đưa các lao động hết hạn hợp đồng, ốm đau…về nước”, ông Nam nói.

Theo ông Nam, trong số 10 nghìn lao động này không phải ai cũng có nguyện vọng về nước. Như ở Nhật, Chính phủ nước này cho phép những lao động nước ngoài hết hạn hợp đồng được gia hạn visa kéo dài tư cách lưu trú ít nhất thêm 1 năm, hoặc được phép chuyển đổi sang lao động kỹ năng đặc định… Hay ở Hàn Quốc, phía bạn cũng đang tạo điều kiện cho các lao động hết hạn hợp đồng đang chờ về nước chuyển sang làm việc thời vụ. Do vậy, đối với lao động hết hạn hợp đồng nếu chưa muốn về nước có thể tiếp tục ở lại làm việc.

Đối với kế hoạch cách ly sau khi về nước, ông Nam cho biết, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang đề xuất phương án cho phép lao động hết hạn hợp đồng được cách ly tại khu tập trung của quân đội để tiết kiệm chi phí. Còn trường hợp lao động muốn cách ly ở khách sạn, phải tự trang trải, thỏa thuận với các đơn vị.

Thông tin của Tiền Phong từ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, các chuyến bay thương mại giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ được tổ chức trong tháng 11. Việt Nam sẽ không bố trí các máy bay giải cứu, hồi hương công dân từ Nhật Bản. Do vậy, đơn vị này đề nghị công dân Việt Nam có nhu cầu về nước kiên nhẫn chờ đợi thông tin về các chuyến bay thương mại.

MỚI - NÓNG