So với các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, Lào Cai vượt trội về thứ hạng, điểm số. Lào Cai xếp trên các tỉnh Phú Thọ (hạng 24/63 với 66,30 điểm), Sơn La (hạng 49/63 với 63,22 điểm), Yên Bái (hạng 51/63 với 63,09 điểm), Hòa Bình (hạng 53/63 với 62,81 điểm), Lai Châu (hạng 57/63 với 62,05 điểm) và Điện Biên (hạng 62/63 với 59,85 điểm).
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Lào Cai diễn ra nhộn nhịp. Ảnh: Hân Nguyễn |
Hầu hết các chỉ số thành phần PCI năm 2022 của Lào Cai đều được cải thiện. Cụ thể, chỉ số gia nhập thị trường đạt 7,37 điểm (năm 2021 là 6,88 điểm); tiếp cận đất đai đạt 7,62 điểm (năm 2021 là 7,23 điểm); tính minh bạch đạt 6,67 điểm (năm 2021 là 6,16 điểm); chi phí thời gian đạt 7,68 điểm (năm 2021 là 7,54 điểm)… Mặc dù vậy, Lào Cai cũng có một số chỉ số giảm điểm như chi phí không chính thức 7,49 điểm (giảm 0,42 điểm); cạnh tranh bình đẳng 5,78 điểm (giảm 1,97 điểm); chính sách hỗ trợ doanh nghiệp 5,09 (giảm 1,1 điểm), thiết chế pháp lý 7,87 điểm (giảm 0,16 điểm).
Với những cải thiện đáng kể về thứ hạng PCI năm 2022, trong quý I/2023, kinh tế của Lào Cai cũng đã có những tín hiệu tích cực. Báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai cho thấy, tính đến hết quý I/2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 6,9% tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mục tiêu tăng trưởng 11% năm 2023, việc thực hiện so với kế hoạch hết quý I đạt 62,7%.
Là tỉnh có thế mạnh về kinh tế cửa khẩu và du lịch, mảng du lịch của Lào Cai khởi sắc trong quý I/2023. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách đến Lào Cai ước đạt 2 triệu lượt, bằng 33% so với kế hoạch năm, tăng 316% so cùng kỳ 2022 (480.500 lượt). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 5.864 tỷ đồng, bằng 28,6% kế hoạch (20.500 tỷ đồng), tăng 242,7% so với cùng kỳ 2022 (1.711 tỷ đồng).
Một chỉ số khác cũng có mức tăng ấn tượng là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 8.850 tỷ đồng, tăng 125,8% so với cùng kỳ. Giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu ở tỉnh Lào Cai hết quý I đạt 424 triệu USD.