Lãnh đạo TPHCM: Đường ngập mà nói 'tụ nước' nghe lạnh quá

TPO - Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, tình trạng ngập úng là bức xúc của lãnh đạo thành phố và hàng triệu người dân nên dù có căn cứ theo tiêu chí này, quy định kia, việc gọi một tuyến đường bị ngập, gây trở ngại cho đời sống, sinh hoạt của người dân là … bị tụ nước là khó chấp nhận.

Chiều 28/5, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã làm việc với lãnh đạo Trung tâm điều hành chống ngập (trung tâm chống ngập), các sở ban ngành liên quan và 24 quận huyện về công tác chống ngập.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc trung tâm chống ngập cho biết từ đầu mùa mưa đến nay TPHCM đã xảy ra 22 trận mưa, trong đó có 4 trận mưa gây ngập từ 1 đến 32 tuyến đường.

Lãnh đạo TPHCM: Đường ngập mà nói 'tụ nước' nghe lạnh quá ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến (hàng ngồi, thứ hai từ phải qua) làm việc với sở ban ngành chức năng về công tác chống ngập.

Riêng trận mưa lịch sử vào tối 19/5 đã gây ngập 32 tuyến đường. Ông Dũng đánh giá đây là trận mưa có vũ lượng lớn, đạt 119,3 mm, vũ lượng trung bình tại các trạm đạt trên 50 mm, trải dài trên 12 quận huyện.

“Mưa lớn ảnh hưởng giao thông đi lại của người dân. Có 10 tuyến đường ngập từ 0,1 – 0,25 m, thời gian rút nước từ 1 - 5 giờ. Đường Huỳnh Tấn Phát, Phan Anh, An Dương Vương ngập kéo dài 5 giờ”, ông Dũng cho hay.

Lãnh đạo trung tâm chống ngập khẳng định trận mưa ngày 19/5 vượt tần suất thiết kế theo quy hoạch 752 ảnh hưởng khả năng thoát nước của hệ thống cống hiện hữu.

Theo quy hoạch tổng thể thoát nước TPHCM đến năm 2020 theo Quyết định 752/TTg ngày 19/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch 752), tần suất thiết kế hệ thống thoát nước tương ứng với mưa có vũ lượng trong 3 giờ là 95,91 mm (kênh rạch); 85,36 mm (cống cấp 2); 75,88 mm (cống cấp 3) ứng với mực nước triều 1,32 m.

Tuy nhiên, trận mưa ngày 19/5 vừa qua có vũ lượng 119,3 mm trong vòng 2 giờ, vượt gần gấp đôi tần suất thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay. Ngoài vượt tần suất, hầu hết các con đường ngập có hệ thống cống nhỏ, xuống cấp, chưa hoàn chỉnh, đang đề xuất đầu tư nâng cấp.

“Tình trạng rác xả bừa bãi làm nghẹt các miệng thu nước. Trung tâm ký hợp đồng thu gom các túi rác bít miệng thu nước. Tình hình lấn chiếm cửa xả, hệ thống thoát nước, kênh rạch thoát nước phổ biến nhưng xử lý còn chậm. Các dự án triển khai theo quy hoạch 1547 và 752 đến nay chưa hoàn thành”, ông Dũng cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng cũng chỉ ra theo quy hoạch 752, yêu cầu vùng lõi cần 6.000 km cống. Hiện nay dân số đã vượt quy hoạch (7-8 triệu dân) nhưng mới xây mới, nâng cấp được gần 3000 km cống.

Riêng quy hoạch 1547 về kiểm soát triều chỉ mới hoàn thành 1/6 cống kiểm soát triền (cống Nhiêu Lộc – Thị Nghè).

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, không thể lấy mưa lớn ngày 19/5 để bao biện cho tình trạng ngập. Tình trạng ngập nước trong thời gian qua đang là nỗi bức xúc của toàn xã hội, của người dân và lãnh đạo TPHCM.

Ngập nước do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan như yếu kém trong quản lý nhà nước, quản lý quy hoạch, ý thức người dân chưa cao…. Để chống ngập, phải cộng đồng trách nhiệm từ cơ quan nhà nước đến từ người dân.

Ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng người dân đang bức xúc vì đời sống, sinh hoạt bị đảo lộn; cơ quan chống ngập lại giải thích đường không ngập mà chỉ tụ nước là khó chấp nhận.

Lãnh đạo TPHCM: Đường ngập mà nói 'tụ nước' nghe lạnh quá ảnh 2 Nhiều tuyến đường ngập sâu trong mưa, gây trở ngại cho sinh hoạt, đi lại của người dân nhưng vừa qua lại được gọi là đường bị tụ nước chứ không ngập.

“Dù theo tiêu chí này, quy định kia thì gọi là tụ nước nhưng gây bức xúc, ảnh hưởng đến người dân thì phải khắc phục. Mình nói như vậy nghe lạnh quá. Với chính quyền, người dân thành phố này thì phải nói thực tế. Ngập gây bức xúc, cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sinh hoạt… Nói tiêu chí nào là ngập, là tụ nước không thỏa mãn được đòi hỏi của người dân”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng lưu ý trung tâm chống ngập phải làm rõ nguyên nhân những điểm ngập nào chưa giải quyết, đã giải quyết nhưng chưa căn cơ. Tìm được nguyên nhân thì mới có giải pháp phù hợp.

“Cứ nói chung chung rồi bỏ ra cả đống tiền làm dự án. Tiền là của người dân đóng thuế. Biện pháp chống ngập của thành phố phải đồng bộ, linh hoạt. Nếu sai lầm có thể gây lãng phí rất lớn”, ông Trần Vĩnh Tuyến lưu ý.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.