Xét xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng:

Lãnh đạo Sabeco nói bị gây sức ép vụ góp vốn bằng khu đất 'vàng' ở TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
Khu đất số 2-4-6, Hai Bà Trưng (TP.HCM) Ảnh: Duy Quang
Khu đất số 2-4-6, Hai Bà Trưng (TP.HCM) Ảnh: Duy Quang
TP - Sabeco mang khu đất 4 mặt tiền ở trung tâm TP.HCM làm góp vốn, rồi lại bán cổ phần dẫn tới bất động sản này về tay tư nhân. Tại tòa, cựu lãnh đạo Sabeco khai bị Bộ Công Thương “gây sức ép”.

Bị gây sức ép?

Ngày 23/4, phiên xét xử vụ án thất thoát 2.713 tỷ đồng tại khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM) tiếp tục diễn ra tại TAND TP Hà Nội. Phía truy tố xác định Cty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã dùng khu đất nêu trên góp vốn với tư nhân để lập liên doanh Sabeco Pearl nhằm xây dựng cao ốc văn phòng, căn hộ. Tuy nhiên, Sabeco sau đó lại bán cổ phần trong liên doanh với giá rẻ hơn thực tế nên khu đất số 2-4-6 rộng 6.080m2 với 4 mặt tiền đã bị chuyển từ sở hữu nhà nước sang tư nhân.

Cơ quan tố tụng xác định, để xảy ra hậu quả vụ án, có trách nhiệm của các ông Vũ Huy Hoàng - nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương; Nguyễn Hữu Tín - nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM cùng 8 bị cáo khác là cấp dưới của 2 người. Trong khi đó, các lãnh đạo tại Sabeco cũng có hành vi liên quan nhưng không đủ căn cứ xử lý hình sự.

Được triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền lợi liên quan, ông Phan Đăng Tuất - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco cho hay Sabeco “cũng được gọi là giàu có” nhưng chưa có trụ sở, mỗi năm phải chi hàng chục tỷ đồng thuê nhà nên doanh nghiệp này muốn xây dựng cao ốc.

Ông Tuất cho hay do Bộ Công Thương thúc ép và số tiền nộp phạt gần 20 tỷ đồng do chậm triển khai dự án, nên ông đã nóng vội trong việc chọn nhà đầu tư để triển khai dự án ở khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng. “Chúng tôi tin tưởng ở Bộ Công Thương vì bộ có cả vụ pháp chế và các cơ quan liên quan, nên bộ chỉ đạo thế nào chúng tôi làm theo như vậy”, ông Tuất nói.

Trình bày tại tòa, ông Lê Hồng Xanh - nguyên Phó tổng giám đốc và bà Phạm Thị Hồng Hạnh - nguyên Giám đốc Sabeco đều cho biết, phải làm theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.

“Khi Sabeco đề nghị cho thoái vốn, được chúng tôi đồng ý chủ trương và hướng dẫn trình tự thủ tục thoái vốn đúng pháp luật, bảo đảm lợi ích của các cổ đông, nhất là cổ đông nhà nước”.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng giải thích tại tòa

Lãnh đạo Sabeco nói bị gây sức ép vụ góp vốn bằng khu đất 'vàng' ở TPHCM ảnh 1

Bị cáo Vũ Huy Hoàng

“Bộ Công Thương từng lập đoàn kiểm tra rồi chỉ đạo cần có nhà đầu tư mới để xây dựng dự án. Vì vậy, chúng tôi càng thôi thúc muốn tìm nhà đầu tư mới để sớm có trụ sở làm việc. Tất cả phải làm theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, kể cả khi họp Hội đồng quản trị, đại hội cổ đông ở Sabeco đều phải xin ý kiến” - ông Xanh nói.

Bị miễn nhiệm trước khi thoái vốn

Trong vụ án, Viện kiểm sát xác định cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đưa ra nhiều chủ trương sai và chủ trì một cuộc họp ngày 29/3/2016, có nội dung quyết định giá khởi điểm bán cổ phần của Sabeco khi thoái vốn tại liên doanh Sabeco Pearl.

Phản bác lại cáo buộc trên, bị cáo Hoàng khẳng định bản thân không trực tiếp quản lý Sabeco đồng thời nói cuộc họp không quyết định giá bán cổ phần và ông chỉ chủ trì thay bị can Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương (hiện bỏ trốn) do lúc đó, bà Thoa đi vắng.

Ngoài ra, ông Hoàng cũng trình bày việc bị Quốc hội Khóa 13 cùng Chủ tịch nước bãi miễn chức Bộ trưởng Bộ Công Thương vào ngày 8/4/2016. “Từ đó, tôi không tham gia bất cứ khâu, công đoạn nào của quá trình thoái vốn. Đến 30/5/2016, Sabeco mới xây dựng phương án thoái vốn chính thức để tháng 6 báo cáo Bộ Công Thương phê duyệt. Quá trình thoái vốn của Sabeco kết thúc năm 2017 và tôi không hề can thiệp” - bị cáo Hoàng nói.

Về quá trình Sabeco thoái vốn, bị cáo Hoàng khai lý do vì Chính phủ có chủ trương yêu cầu doanh nghiệp nhà nước thoái vốn khỏi lĩnh vực không phải ngành nghề kinh doanh chính. Sau đó, các nhà đầu tư tư nhân trong Sabeco Pearl cũng gửi văn bản cho ông, đề nghị để Sabeco thoái vốn khỏi liên doanh này.

“Các nhà đầu tư này không đại diện cho Sabeco nên theo đúng thủ tục, tôi chuyển văn bản của họ cho Vụ Công nghiệp nhẹ để vụ này yêu cầu Ban quản lý vốn nhà nước và Sabeco báo cáo. Khi Sabeco đề nghị cho thoái vốn, được chúng tôi đồng ý chủ trương và hướng dẫn trình tự thủ tục thoái vốn đúng pháp luật, bảo đảm lợi ích của các cổ đông, nhất là cổ đông nhà nước” - bị cáo Hoàng giải thích.

MỚI - NÓNG
Công an tìm bị hại vụ người bán cháo lòng mạo danh Cục phó Cảnh sát hình sự để lừa 'chạy án'
Công an tìm bị hại vụ người bán cháo lòng mạo danh Cục phó Cảnh sát hình sự để lừa 'chạy án'
TPO - Công an xác định từ tháng 8/2024 đến ngày 9/10, Hoàng Văn Thảo dùng nhiều thủ đoạn gian dối, giả danh là cán bộ để chạy án, chiếm đoạt tài sản của nhiều người có liên quan. Do đó, Công an tỉnh Bình Thuận thông báo tìm người bị hại liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do đối tượng Thảo thực hiện.